Ông Võ Hồng Ngoãn ( ở giữa) đang giới thiệu thành quả của mình cho đoàn chuyên gia nước ngoài. Ảnh: Phan Thanh Cường
Hiện tôm sú ở 80% diện tích nuôi tôm chết vì dịch bệnh, có những hộ dân 6 lần thả tôm là 6 lần mất trắng. Trong khi đó, ông Võ Hồng Ngoãn, một nông dân ở Bạc Liêu có 50 hécta nuôi tôm, nuôi vụ nào thắng vụ đó. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã hỏi ông Ngoãn kinh nghiệm của một lão nông tri điền.
Hiện ĐBSCL đang đối diện với dịch bệnh thủy sản và có đến 80% số lượng tôm nuôi bị chết nhưng ao tôm của ông không bị ảnh hưởng gì. Đâu là bí quyết nuôi của ông?
Ông Võ Hồng Ngoãn: Thực tế chẳng có bí quyết gì đâu, cách thức nuôi tôm của tôi thì người dân đã biết từ mấy năm nay, tôi không giấu kỹ thuật nuôi để làm giàu cho riêng mình.
Theo khuyến cáo kỹ thuật nuôi tôm sú thì trung bình mỗi mét vuông (m2) ao nuôi thả khoảng 30 - 40 con, nhưng ao nuôi của tôi chỉ có mật độ 7 - 9 con mà thôi. Lợi thế của cách nuôi này là không tốn nhiều thức ăn, không sử dụng nhiều thuốc thú y nhưng tôm lại lớn nhanh hơn. Và quan trọng hơn là giá trị thu về khi nào cũng cao gấp ba lần so với cách nuôi mật độ cao, chỉ cần 18 - 25 con đã đạt 1 kilôgram và giá lúc này là trên 250.000 đồng/kg.
Kỹ thuật nuôi tôm sạch này được tôi áp dụng từ năm 2004 đến nay và chưa năm nào ao nuôi của tôi có tôm chết vì bệnh dịch.
Theo kinh nghiệm của ông, tại ĐBSCL bị tôm chết hàng loạt là do đâu?
Hiện tượng tôm chết hàng loạt tập trung ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre…, phần nào do nhiệt độ cao vì nắng nóng kéo dài. Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân chính, mà vấn đề là từ ý thức của người nuôi, từ các công ty sản xuất thức ăn thủy sản, thuốc thú y, các trại giống.
Tính vào thời điểm này, tôm sú loại 30 con/kg có giá khoảng 220.000 đồng, loại 40 con/kg có giá 160.000 - 180.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với thời điểm này năm ngoái. Vì thế, nhiều người dân đổ xô đi nuôi tôm mà bỏ qua những khuyến cáo kỹ thuật của các chi cục thú y.
Diện tích nuôi tăng nhanh đòi hỏi lượng tôm giống cũng phải tăng tương đương, trong khi năng lực sản xuất con giống tại ĐBSCL, các tỉnh miền Trung có hạn. Để đáp ứng nhu cầu của người nuôi, nhiều trại sản xuất giống tìm cách tăng lượng tôm bột lên, chất lượng tôm giống giảm. Chất lượng tôm giống quyết định đến 70% khả năng thành công của vụ nuôi.
Ngoài ra, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y luôn có những kế hoạch tiếp thị, tư vấn kỹ thuật với mục đích cuối cùng là làm cho người nuôi chấp nhận tăng mật độ nuôi, vì mật độ nuôi tăng đồng nghĩa với việc sử dụng lượng thức ăn, thuốc thú y nhiều hơn.
Nếu nuôi tôm với mật độ cao thì phải có nguồn vốn lớn để mua thức ăn, thuốc thú y nhưng lợi nhuận thu về chưa chắc là đã cao. Trong trường hợp thất bại thì người nuôi phá sản hoàn toàn.
Ông được biết đến với biệt danh “Vua tôm” Sáu Ngoãn vì nuôi vụ nào là thắng vụ đó. Vậy ông có lời khuyên nào cho người nuôi tôm trong tình cảnh dịch bệnh thủy sản bùng phát hiện nay?
Hiện người nuôi tôm ở ĐBSCL đang chạy theo sản lượng bằng cách tăng mật độ vì cho rằng, sản lượng nhiều thì lợi nhuận thu về nhiều, nhưng thực tế của ngành nuôi tôm sú mấy năm qua lại chứng minh ngược lại. Trong tình cảnh môi trường nuôi bị ô nhiễm như hiện nay thì việc tăng mật độ nuôi để tăng sản lượng nuôi chẳng khác nào người nuôi tự mua dây trói mình.
Còn cách nuôi tôm sạch thì nguồn vốn đầu tư ban đầu không nhiều nhưng lợi nhuận thu về là không nhỏ. Mặc dù thả nuôi với mật độ thưa nhưng mỗi héc ta thu về từ 3 - 5 tấn tôm, lợi nhuận khoảng 50%, còn nuôi theo mật độ dày sản lượng tôm thu về từ 6 - 8 tấn/héc ta nhưng lợi nhuận dao động chỉ từ 15 - 20%.
Theo quan điểm của tôi, đã đến lúc người nuôi ĐBSCL cần chuyển sang nuôi theo mô hình tôm sạch; có như vậy ngành thủy sản mới phát triển bền vững, giảm thiểu dịch bệnh, qua đó, lợi nhuận thu về sẽ nhiều hơn.
Xin cảm ơn ông!
Vài nét về vua tôm Sáu Ngoãn:
Năm 2004, trong một lần một đầm tôm bị bệnh chết gần hết nhưng khi thu hoạch thì tôm sú trong ao này lại to hơn hẳn tôm các ao khác. Sau đó, ông Ngoãn thử nghiệm trên 2 ao nuôi có cùng diện tích với mật độ nuôi thưa (7 - 9 con/m2) và mật độ nuôi dày (40 con/m2). Kết quả, ở ao nuôi mật độ thưa có chi phí ít, tôm có kích thước lớn hơn, giá bán cao hơn nên lợi nhuận đạt gấp rưỡi so với ao nuôi mật độ dày.
Năm 2007, Võ Hồng Ngoãn đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Cúp vàng TechMart chứng nhận quy trình sản xuất tôm sạch bền vững, đồng thời công nhận ông là tác giả của quy trình này.
Năm 2010, ông Ngoãn được Cục sở hữu trí tuệ trao chứng nhận thương hiệu trang trại nuôi tôm sú sạch. Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng bằng khen và cúp vàng vì những sáng tạo làm sạch môi trường nước trong quá trình nuôi tôm.
Ông Ngoãn còn được biết đến là người đầu tiên sử dụng ốc bươu vàng làm thức ăn cho tôm ở 2 tháng cuối trước khi thu hoạch nhằm giảm chi phí nuôi.
Ngọc Hùng