Bão tan, cửa biển Sa Cần, huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi lại nhộn nhịp với khoảng 150 chiếc tàu câu mực đang chuẩn bị ra khơi. Đã hơn một tháng nay, những chiếc tàu này phải nằm bến núp bão. Nhiều thợ câu mực đã hết sạch tiền.

Lấy bia rượu làm bạn

Khệ nệ ôm can rượu 20 lít từ thúng lên tàu, ông Bùi Đức Mân, chủ tàu 5194 QNg, vừa nãy mới cười đùa, giờ chợt lo lắng: “Nghe đài báo lại có áp thấp nhiệt đới có khả năng lớn thành bão, ảnh hưởng biển Đông nên tao rầu quá. Sóng gió thế này, ra khơi dễ bị đắm lắm”. Dáng người gầy gò, mấy ngón tay phải vàng khè vì thuốc lá, mái tóc muối tiêu như vón cục, đôi mắt sâu hốc - những đặc trưng của người làm nghề đi mực hội đủ nơi ông già 65 tuổi này.

Hồi trước chưa có máy bộ đàm, thúng trôi xa tàu coi như làm mồi cho cá. Bây giờ, có ICOM, đời thợ câu mực vẫn lửng lơ nơi đầu sóng ngọn gió

Nghe chúng tôi xin theo tàu ra biển, ông Mân phẩy tay: “Hai đứa bây thư sinh quá, làm sao chịu nổi sóng gió, chỉ ra chừng 2 hải lý là đã mửa mật xanh mật vàng rồi”. Chỉ 20 can rượu loại 20 lít, một đống bia lon, mấy trăm cây thuốc lá, cả chục kg cà phê... chất đầy trên tàu, ông Mân gằn giọng: “Một chuyến đi câu mực kéo dài từ 2-3 tháng, chỉ có trên chục thằng mà nốc hết bấy nhiêu rượu bia, thuốc lá thì ruột gan, thần kinh nào chịu nổi”. “Nhưng mà cũng tội, tụi nó xa nhà, nhớ vợ con, chỉ có mấy thứ đó làm chiến hữu thôi” - ông dịu giọng.

Liên hệ nhiều tàu, cuối cùng chúng tôi được anh Nguyễn Đình Hiệp, chủ tàu 95513 QNg, đồng ý cho ra biển. “Tuyệt đối không được đi lại lung tung trên tàu, lỡ rớt xuống biển là mất mạng như chơi” - anh nói như ra lệnh khi tàu nhổ neo ra khơi lúc trời vừa hừng sáng. Gần trưa, chúng tôi không còn thấy dấu vết của đất liền. Gió biển lồng lộng, cảm giác mình trở nên quá nhỏ bé và bơ vơ dù trên tàu có đến 20 thợ câu mực. Nhìn xuống mặt nước xanh ngắt, chúng tôi bắt đầu thấy choáng váng.

Chúng tôi nghe anh Tấn, thợ câu mực, nói với anh Hiệp: “Tới nước xanh rồi (ý nói đã đến nơi nước sâu), chắc tụi nó không chịu nổi đâu”. Đúng như anh nói, chúng tôi bắt đầu thấy dợn người rồi nôn thốc nôn tháo. Sau nhiều lần “súc ruột” mệt lả, chúng tôi chui vào cabin ngủ vùi. Đến khi tỉnh dậy thì tàu đã thả neo, mọi người chuẩn bị xuống thúng đi câu. Húp bát cháo nóng, người tỉnh ra một chút, chúng tôi xin đi chung thúng với anh Tấn để biết “mùi” đời câu mực.

Cô độc trên biển

Đã 17 giờ mà trên biển trời vẫn còn sáng tỏ. 20 chiếc thúng câu được rải xuống và dàn hàng ngang trên biển, mỗi thúng cách nhau chừng một hải lý. Trời hơi đứng gió nên anh Tấn dong buồm lên. Gọi là buồm chứ thật ra chỉ là tấm bạt ni lông được kẹp bởi hai thanh tre dựng đứng theo thành thúng. Nhìn ngang, cũng thấy các thúng đang giăng buồm cho gió thổi đi. “Giống mực ăn tạp lắm, bí đao, bí đỏ, cá nhỏ hoặc cái gì có màu sắc sặc sỡ là chúng ăn tuốt nhưng mồi cá hố muối vẫn là thứ nó mê nhất”. Nói đoạn, anh Tấn lấy trong hũ nhựa một miếng cá hố cỡ ngón chân, móc vào phần trên lưỡi câu, bên dưới lưỡi câu có khoảng 13 mấu nhọn.

Tiếp đến, anh lấy cuộn dây cước ra móc vào lưỡi câu và quăng mồi xuống biển. Trong lúc chờ mực cắn câu, anh khui gói thuốc lá, châm lửa, rít một hơi dài, nói: “Hôm nay có chú nên đỡ buồn chứ mọi khi một mình cô độc lắm phải hút thuốc liên tục, có đêm lạnh đốt sạch đến 2 gói”. Trời bắt đầu tối, nhìn quanh, những chiếc thúng khác đã biến đi đâu mất, thỉnh thoảng chỉ thấy có đốm sáng nhỏ hiện lên mặt nước nhịp sóng. Trời kéo mây đen, cảm giác lo sợ bắt đầu ập đến. “Nghề này “chướng” lắm, thời tiết càng xấu thì gặp mực càng nhiều. Nhiều người ham câu nên bị sóng gió cuốn trôi, phải bỏ mạng trên biển” - anh Tấn tâm sự.

Rồi anh giật nhẹ sợi dây, biết có mực đớp mồi, anh cuộn ống cước, một con mực dính câu. Sóng chợt đập mạnh, thúng tròng trành, chiếc đèn theo thúng nhào lên lộn xuống như con đom đóm bay trong đêm. Gió thổi ù ù. Anh Tấn ngồi trên chiếc thùng gỗ, tay rê sợi cước, chờ mực đớp mồi. Khi anh Tấn câu được chừng chục con mực thì mắt chúng tôi đã díp lại, ngáp ngắn ngáp dài rồi ngủ lúc nào chẳng hay; tỉnh dậy đã thấy nắng chiếu vào mặt. Mới 5 giờ nhưng biển đã sáng rực. Anh Tấn thu dọn đồ đạc và đợi tàu đến vớt. Rổ mực của anh Tấn vừa câu được khoảng 150 con. Đợi khoảng 2 giờ vẫn chưa thấy tàu đến, anh Tấn sốt ruột lấy máy bộ đàm gọi thuyền trưởng Hiệp: “Vớt chưa?”. “Mày đang ở hướng nào sao nãy giờ tìm không ra” - giọng Hiệp ồm ồm vang lên. “Anh đang đi hướng nào, chắc đêm qua thúng tôi trôi xa...”.

Thấy chúng tôi xanh mặt, anh Tấn trấn an: “Có máy bộ đàm liên lạc nên không sao đâu. Hồi trước không có máy bộ đàm, thúng trôi xa tàu không tìm thấy là coi như làm mồi cho cá”. Gọi tới gọi lui một hồi, tôi mừng rỡ la lên khi thấy bóng dáng của chiếc tàu đang rõ dần. Một lúc sau, chúng tôi được vớt lên tàu. Anh em lên trước đang xẻ mực, đem phơi. Nhiều người bị túi mực văng vào mặt, lem luốc như công nhân mỏ than.

Chạy bão

“Đêm qua, đứa nào nghe đài chắc đã biết sắp có bão nữa. Ở lại câu hay quay về?” - thuyền trưởng Hiệp hỏi. Mọi người im lặng. Bầu trời vẫn trong xanh và nắng chói chang. “Trời trong nhưng chiều lại ráng vàng. Thấy đám mây rẽ quạt kia không? Coi chừng bão lớn chứ không phải giỡn. Đợt trước mấy tàu chủ quan bị gió giật tơi tả, đồ đạc phải vứt hết; ban đêm, mòi (sóng) lên đánh, may mà giữ được mạng” - anh Tấn nói. “Tao nghĩ nên quay về gấp, lỗ tổn (tiền dầu, lương thực...) cũng chịu, có hai “đứa” phóng viên đi theo, lỡ chuyện gì thì...” - anh Hiệp quả quyết xong lại trầm ngâm. Cuối cùng thì tàu cũng nổ máy, bánh lái bẻ ngược, mũi tàu thẳng hướng về phía đất liền.

 

Thúng câu mực giữa biển đêm Ảnh: N.PHÚ

Chúng tôi trèo lên giàn phơi mực, nắng nóng đến tuột da chân. Cu Dự đang bê rổ mực mới xẻ lên phơi, giọng buồn buồn: “Lèo (đợt) trước, trừ 4 triệu (đồng) tổn ghe, em đem được về cho mẹ 5 triệu đồng. Lèo này về sớm phải lấy tiền nhà trả nợ tổn”. Dự mới học đến lớp 9 thì ở nhà đi biển vì nghèo. Dưới kia, Tấn ngồi dựa lưng thành tàu ngủ gật, trên tay anh lưỡi dao vẫn còn dính trong con mực, chưa kịp xẻ xong...

“Lúc trước tao cũng khỏe mạnh, cường tráng lắm, nhưng cái nghề này “rút” sức ghê thiệt, đi nhiều năm ai cũng còn nắm xương. Tao ráng đi thêm vài năm nữa rồi giải nghệ, sung sướng chi mà tụi bây đòi đi” - chủ tàu Bùi Đức Mân nói.

Trung Thanh - Như Phú