Biển Việt Nam được công nhận là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển, 20 vùng biển giàu hải sản trên thế giới.

Các nhà sinh vật học phát hiện tại vùng biển Việt Nam có tới 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau.
 
Trên diện tích gần 1.200km2 rạn san hô, có tới hơn 300 loài san hô đá phân bố rộng khắp từ Bắc vào Nam. Sống gắn bó với các hệ sinh thái này là trên 4.000 loài sinh vật sống dưới đáy và cá, trong đó có trên 400 loài cá, rạn san hô và nhiều đặc hải sản.
 
Bản thân các hệ sinh thái này còn là những bức tường tự nhiên phòng chống thiên tai, bảo vệ bờ biển khỏi xói lở, thậm chí giảm thiểu tác hại của sóng thần và là bộ lọc tự nhiên các chất ô nhiễm từ sông mang ra biển. Đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái trên là nền tảng cho việc phát triển lâu dài một số ngành kinh tế như du lịch, thuỷ sản, y dược biển.
 
Trong thực tế, Việt Nam đã trở thành một trong 10 nước xuất khẩu thuỷ sản hàng đầu thế giới và là điểm đến của du khách ở thế kỷ XXI với lợi thế phát triển du lịch biển.

Vùng ven biển Việt Nam có khoảng 126 bãi cát biển đẹp, trong đó có tới 20 bãi cát biển đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đó là chưa kể đến hàng trăm bãi biển nhỏ, đẹp, nằm ven các vụng, vũng tĩnh lặng, ven các đảo hoang sơ.

Ngoài Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận di sản Thiên nhiên Thế giới năm 1994, 4 di sản thiên nhieê thế giới khác của Việt Nam đều nằm ở vùng ven biển. Năm 2003, vịnh Nha Trang được công nhận là một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới, 15 khu bảo tồn biển đang trình Chính phủ phê duyệt./.
 
Theo TTXVN, agenda21.monre.gov.vn