Tiến Trình

“Ra khơi là... biệt tích” - không hiểu sao nhiều chủ tàu đánh cá ở "thị trấn ngàn tàu" Sông Đốc (Cà Mau) lại bị ám ảnh như vậy mỗi khi tàu của họ ra khơi. Nhiều người trong số họ lắc đầu khi được hỏi tung tích tàu mình đang đánh bắt ở đâu. “Chỉ khi ở ngoài biển điện về hoặc bị nước ngoài bắt thì mới biết được nó đang ở đâu. Ra khơi bây giờ vừa đánh vừa... trốn” - ông Đàm Văn Nguyên, một người đi biển kỳ cựu đúc kết như vậy.

Các tàu "lỡ" đánh qua vùng biển của nước bạn phải trốn, nhưng tàu đánh bắt ở vùng biển nước nhà cũng phải trốn. Có hai nỗi ám ảnh của các tàu đánh bắt xa bờ ở vùng biển Tây Nam là: đi xa sợ bị tàu nước ngoài bắt, sợ bị cướp hải sản và sợ bị... "đánh hội đồng". Nhiều tàu đã đối phó với tình trạng này bằng cách giấu mọi thông tin liên lạc. Chuyện này phổ biến đến mức ông Nguyễn Bửu San, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau ngán ngẩm nói với tôi: "Các tàu ra khơi đều khai báo tần số bộ đàm, nhưng phần lớn chỉ là tần số ảo".

Ám ảnh bị "đánh hội đồng"

Tờ mờ sáng, sau một đêm vật lộn với những mẻ cá thu, tài công tàu Đức Hoàng 1 nhấc máy bộ đàm và nghe tàu bạn than: "Thảm quá Đức Hoàng ơi, chắc nước này vô vợ con húp cháo quá". "Chạy lại đây lấy “đồ” nè, tối qua được 3 "lượng", đang ở tọa độ X" - tàu Đức Hoàng 1 đáp.


Lao động sau giờ đánh bắt

Nghe Đức Hoàng 1 đánh được 3 tấn cá thu, chiếc Đức Hoàng 2 rồ máy chạy lại. Nhưng có một điều tài công của tàu Đức Hoàng 1 không hay là cuộc điện đàm đã lọt vào tần bắt sóng của những chiếc bộ đàm chuyên đánh cắp thông tin ngư trường. Thế nên trước khi chiếc Đức Hoàng 2 có mặt buông lưới thì hàng chục chiếc tàu lạ đã vây bủa vùng biển có nhiều cá thu mà tàu Đức Hoàng 1 phát hiện. Ông Đàm Văn Nguyên, chủ của 6 chiếc tàu Đức Hoàng đánh bắt ngoài khơi, chua chát: "Nói gì được, chim trời cá nước mà. Có khi bị đánh hội đồng như vậy, tức quá, bật máy lên chửi đổng rồi huề thôi".

Nguyễn Nhật Hiện, một tài công lão luyện thú thật: "Ra biển tụi tôi chỉ dùng mật mã để nói chuyện với nhau thôi, có khi anh em thân thiết, kiếm được mẻ cá thì mình gọi, nhưng sơ hở là bị đánh hội đồng ngay". Nhiều tài công bị "dập" tối mặt tối mũi đã thề là không thèm gọi cho ai khi phát hiện có cá, dù có là anh em ruột thịt. Cách duy nhất mà các tài công thường làm để đối phó là tắt bộ đàm, ai gọi cũng không lên máy, hoặc thay đổi tần số sóng khi nói chuyện. Ông Lê Văn Tán, chủ của 3 chiếc tàu Tấn Phát cho biết tàu nào được mẻ cá ngon có giấu giỏi lắm thì cũng chỉ 1 - 2 đêm.


Thiết bị tầm ngư, định vị được các tàu trang bị khi ra khơi

Tài công Đàm Văn Minh, ghe cào khơi CM 99596 cho biết, tàu mình đánh được, kéo cào lên là bị "địa" ngay, phơi cá, phơi mực cũng bị theo dõi. Bình thường mỗi tàu đánh cách xa nhau 3-4 hải lý, vậy mà khi bị phát hiện "trúng mẻ" là các tàu khác bu lại có khi 100 -200 mét một tàu. Tài công Minh kể, nước rồi tàu của anh trúng cá nhưng không hiểu sao các tàu khác biết bu lại như "ca sĩ về vườn" vậy. Dù đã đổi tần số để gọi ghe đến mua hải sản nhưng lập tức có người đổi tần số "rượt theo liền". Tài công Nguyễn Văn Tèo, tàu lưới bao Ngọc Huyền "đổ thừa" các thông tin ngư trường bị rò rỉ một phần cũng do "ông" ghe gõi (tàu thu mua hải sản trên biển - NV).

Khi mua sản phẩm của tàu này, ghe gõi lại chạy đi mua của tàu khác, vậy là tàu trước đánh ở đâu, sản lượng bao nhiêu... đều bị ghe gõi "khai" cho tàu sau. Cho nên nhiều tàu khi đánh được là "ém" luôn, không liên lạc, không giao dịch ghe gõi, thậm chí gọi về nhà cũng không. Ông Lê Văn Tán cho biết, mỗi khi tàu ra khơi là đổi sóng bộ đàm, đến mức ông là chủ tàu nhưng khi muốn liên lạc với tàu của mình cũng không biết đường đâu mà dò. Vì vậy, ông Tán hẹn với tài công của tàu mình gọi vào bờ để thông báo tình hình đánh bắt vào lúc 7 giờ sáng, còn gọi vào từ tần số nào thì chỉ có tài công mới biết.

Xung quanh chuyện các tàu ra khơi giấu kỹ tung tích, tọa độ, với ông Nguyễn Bửu San thì có một nỗi lo khác: khi có vấn đề gì, giống như thời tiết xấu, muốn liên hệ với các tàu cũng không thể được. Sở Thủy sản Cà Mau có lập danh bạ tần số của trên 2 ngàn tàu đã khai báo nhưng ông San không chắc rằng trong đó là bao nhiêu tần số thật, bao nhiêu là giả.

Trên trời, dưới... tài công”


Nhiều tàu đổi tần số bộ đàm ngay khi ra khơi

Có mặt tại Sở Thủy sản Cà Mau, ông Lê Ngọc Ảnh cầm trên tay tờ tường trình với vẻ mặt bí xị. Ông Ảnh là chủ tàu Hoàng Khải CM 99008 đến báo với cơ quan chức năng là tàu của ông vừa bị Malaysia bắt giữ người, đốt tàu. Ông Ảnh nói tài công Nguyễn Văn Thảo điện về cho hay tàu bị bắt khi đang đánh bắt ở tọa độ như vầy, như vầy... Khi cơ quan chức năng đối chiếu trên bản đồ mới biết tọa độ ông Ảnh báo đã nằm ở vị trí gần đất liền... Malaysia.

Cùng bị bắt với tàu của ông Ảnh là tàu Thành Đạt CM 99512, cũng đi cào khơi, do ông Trần Chí Trung làm chủ, ông Trung đã bị bắt đưa về Malaysia cùng với 8 thuyền viên khác. Vợ ông Trung, bà Nguyễn Thị Khéo chỉ biết thông tin chồng mình bị bắt khi ghe gõi về cho hay, vì trước đó liên lạc giữa đất liền với tàu đi đánh bắt ngoài khơi hầu như không có.

Ông Nguyễn Hoàng Thiên, Phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc cho biết một thực tế: "Đa phần trình độ học vấn của các tài công ở Sông Đốc mới hết lớp 3, lớp 4. Nhưng để có bằng thuyền trưởng hạng 5 thì chỉ cần học hết tiểu học, vậy mà rất nhiều người không có bằng tiểu học phải chạy cho bằng được... giấy xác nhận là có học đến lớp 5”. Vậy có phải do ít học nên các tài công không có kiến thức hải phận ? Ông Nguyễn Bửu San không cho rằng như vậy vì ngành thủy sản, Biên phòng Cà Mau đều có tập huấn, tuyên truyền kiến thức biên giới lãnh hải rộng rãi cho người đi biển, các chủ tàu còn ký cam kết "không vi phạm vùng biển các nước", bên cạnh việc phát tờ bướm vẽ rõ phạm vi lãnh hải Việt Nam, tài công nhìn vào máy định vị là biết ngay.

Tại thị trấn Sông Đốc, chuyện tàu bị nước ngoài bắt luôn là chuyện thời sự. Đến nỗi, thông tin tàu bị bắt trở nên quá quen thuộc với người dân ở đây. Cánh tài công bảo với nhau rằng càng đi  xa thì càng đánh được nhiều cá, câu được nhiều mực. Lúc tôi đến, ông Đàm Văn Nguyên nói, 5 ngày rồi bỏ lưới tàu ông chỉ mới kiếm được 10 triệu, tài công điện về hỏi ông cho ra xa để đánh nhưng ông không đồng ý, vì đánh có thất đi nữa thì vẫn còn tàu, còn bị nước ngoài bắt chẳng những bị mất hết, có khi còn rơi vào vòng lao lý. Ông Nguyên được tài công hỏi ý kiến trước khi "đi xa" là vì tài công cũng chính là con cháu trong nhà. Còn phần lớn các chủ tàu khác thuê mướn tài công thì đi đâu... lại do tài công quyết định. "Ra khơi thì trên trời, dưới... tài công thôi!" - ông Nguyên nói.

Về phía tài công thì nghĩ khác, ra khơi được chủ giao chiếc tàu cho toàn quyền quyết định, nếu đánh thất vài con nước thì coi như mất việc. Do áp lực cơm áo gạo tiền và lòng kiêu hãnh đã khiến các tài công phải đi xa để tìm nguồn cá. Mà càng ra khơi xa thì độ rủi ro bị bắt càng cao. Vì ít thông tin liên lạc, nhiều chủ tàu không biết tàu của mình xâm phạm lãnh hải nước khác, cho đến khi có tin... tàu bị bắt. Một chủ tàu nói: "Có khi tài công điện về báo là đánh ở vùng biển nước mình, nhưng thật ra lại chuồn ra ngoài khơi, mình vô phương biết".

Xung quanh câu chuyện các tàu đánh bắt "đi lạc" qua biên giới nước khác, tài công Trần Hoàng Vĩnh kể lại câu chuyện dở khóc dở cười. Một tàu khi bị nước ngoài bắt, đến khi về nước thì tài công mới thú thật: thấy đèn sáng ở xa, anh này cứ tưởng đèn của đảo Thổ Chu, không ngờ đến khi bị bắt mới biết đó là một đảo của nước bạn. Đó là chuyện hy hữu, còn phần lớn những người đi biển không tin đã là tài công thì không biết ranh giới đâu là hải phận Việt Nam, đâu là hải phận nước khác. Và như vậy, các tàu cứ "tạm thời mất tích" thì những người quản lý ở đất liền khó bề mà kiểm soát. Trong khi số tàu đánh bắt với đầy đủ chủng loại: cào khơi, lưới đèn, lưới bao, câu... từ các tỉnh đổ về vùng biển Tây Nam đánh bắt, thì "cuộc chiến" tìm ngư trường càng trở nên quyết liệt hơn.

Tiến Trình, www1.thanhnien.com.vn