Trước tình trạng tự phát đào ao nuôi cá da trơn ven sông Ba Lai, tác động bất lợi đến môi trường sống của cộng đồng, trong tháng 6/2007, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành các Chỉ thị số 13 và 14 nhằm chấn chỉnh công tác này. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng các cơ sở nuôi thủy sản vi phạm chỉ thị của UBND tỉnh vẫn chưa dừng lại.

Trong vai những người đi thuê đất nuôi cá, chúng tôi mới tiếp cận được khu vực có nhiều cơ sở đang xây dựng ao nuôi mới. Tại mỗi vuông đất đều có hàng chục chiếc máy bơm đang chạy hết công suất để hút bùn, đào đất. Mỗi máy đều có hệ thống ống dẫn trực tiếp, chuyển bùn đất ra sông Ba Lai, vừa tiện lợi, vừa không tốn diện tích mặt bằng làm bãi chứa.

Các chủ cơ sở đều biết rằng, lấp sông là hành động vi phạm pháp luật nên đã lẩn tránh khi có đoàn kiểm tra. Bởi vậy, nhiều lần, các đoàn công tác của tỉnh đều không phát hiện các cơ sở này bơm bùn đất ra sông trong quá trình đào ao. Ngoài việc đổ bỏ một khối lượng lớn bùn đất, cản trở dòng chảy tự nhiên của sông Ba Lai, nguồn nước xả thải từ các ao nuôi thủy sản đang ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến nguồn nước sản xuất và sinh hoạt của người dân xung quanh. Người dân đã nhiều lần lên tiếng kêu cứu nhưng hậu quả chưa được khắc phục, còn chính quyền địa phương thì đành bó tay vì vượt phạm vi thẩm quyền cấp xã. Theo Nghị định 80/CP của Chính phủ và Thông tư 08 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì, đối với các cơ sở nuôi thủy sản có quy mô mặt nước từ 10 ha trở lên, chủ dự án phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường và được UBND tỉnh phê duyệt; trường hợp diện tích ao nuôi dưới 10 ha thì chủ cơ sở phải làm giấy cam kết bảo vệ môi trường, được UBND cấp huyện xác nhận. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở đều chưa tiến hành thủ tục này, ngay cả việc chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất nuôi thủy sản cũng không được chấp hành tốt.

Để nuôi cá công nghiệp với mật độ cao, các ao nuôi đều thiết kế độ sâu trung bình khoảng 3 m so với mặt nước biển. Như vậy, cứ một ha mặt nước ao nuôi sẽ có khoảng 3.000 m3 bùn đất đào lên và được giải quyết bằng cách đổ thẳng ra sông Ba Lai. Theo thống kê sơ bộ, dọc sông Ba Lai thuộc các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri và Bình Đại hiện có khoảng 200 ha mặt nước đã và đang được xây dựng ao nuôi thì cũng đã và đang có một khối lượng bùn đất khổng lồ được đổ ra sông Ba Lai. Tương lai không xa, sông Ba Lai sẽ cạn dần nếu làn sóng đào ao thả cá cứ tiếp diễn. Trong khi tỉnh Bến Tre đang chắt chiu từng đồng vốn ngân sách để thực hiện Dự án nạo vét sông Ba Lai, biến nơi đây thành hồ chứa nước ngọt, cung cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho hơn nửa triệu dân trong tỉnh, thì các doanh nghiệp nuôi thủy sản trong và ngoài tỉnh vì lợi ích kinh tế trước mắt đang sẵn sàng lấp sông Ba Lai – thực tế báo động này cần được sự ra tay kịp thời của các cấp chính quyền và các ngành chức năng.

Theo vietlinh