Nuôi trồng thủy sản là thế mạnh phát triển kinh tế ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Năm 2005 diện tích nuôi trồng ở vùng này đạt hơn 685 nghìn ha, sản lượng nuôi trồng khoảng 983 nghìn tấn, chiếm hơn 70% số sản lượng nuôi trồng và hơn 60% trong 3,35 tỷ USD kim ngạch xuất của cả nước. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ môi trường ở khu vực này đang đặt ra vấn đề cần quan tâm.
Các mô hình nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long chuyển hóa rất nhanh, từ nuôi tự nhiên, nuôi quảng canh, nuôi phân tán mật độ thấp... sang nuôi bán thâm canh, nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp tập trung mật độ cao. Việc tiếp cận các phương thức nuôi trồng, sử dụng nhiều năng lượng và chi phí... tác động tiêu cực đến môi trường, nếu không được xử lý triệt để có thể tạo ra sự mất cân bằng của hệ thống sinh thái tự nhiên ảnh hưởng không nhỏ đến nuôi trồng thủy sản. Một điều hết sức quan trọng là, với các mô hình nuôi thâm canh càng cao, quy mô công nghiệp càng lớn thì lượng chất thải lại càng lớn và mức độ nguy hại càng nhiều và vấn đề mất cân bằng sinh thái càng trở nên trầm trọng.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, hằng năm thải ra 456,6 triệu m3/ bùn thải (phù sa lắng đọng trong chất thải) và chất thải nuôi trồng thủy sản mà trong đó riêng chất thải nuôi cá tra, cá ba sa là hơn hai triệu tấn/ năm. Nguồn chất thải độc hại này hiện nay vẫn chưa được xử lý triệt để, vẫn tiếp tục thải vào sông rạch trong khu vực. Các chất thải nuôi trồng thủy sản là các nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy; các chất tồn dư sử dụng như: hóa chất và thuốc kháng sinh, vôi và các loại kháng chất Diatomit, lưu huỳnh lắng đọng... Hiện nay, vấn đề quản lý và xử lý nguồn bùn thải, chất thải nuôi trồng thủy sản hạn chế, chưa đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, đây là vấn đề hết sức bức xúc trong nuôi trồng thủy sản ở khu vực ÐBSCL. Mất cân bằng sinh thái trong nuôi trồng thủy sản thể hiện rõ nét ở vấn đề dịch bệnh phát sinh trên diện rộng do ô nhiễm môi trường ở các mô hình nuôi thâm canh cá tra, cá ba sa... chết hàng loạt ở một số chủ nuôi cá bè trên sông ở vùng nước ngọt, dịch bệnh tôm nuôi đã phát sinh hơn 20 - 60% diện tích nuôi ở các tỉnh ven biển Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... làm tổn thất kinh tế rất lớn với nghề nuôi tôm nước mặt. Hậu quả nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh, ô nhiễm môi trường chết hàng loạt đã diễn ra nhiều năm, kéo theo nhiều hộ nông dân, trang trại nuôi trồng thủy sản, một số doanh nghiệp quy mô lớn... đã phải lâm vào cảnh điêu đứng do nợ nần vay vốn đầu tư, một số nơi diện tích nuôi trồng thủy sản phải bỏ hoang do bị ô nhiễm môi trường và dịch bệnh phát sinh mà chưa khắc phục được. Môi trường nước trên sông Tiền, sông Hậu và các kênh rạch vùng ngọt hóa đã có dấu hiệu nhiễm bẩn hữu cơ, các vi sinh trong nước, độ đục, a-mô-ni-ắc trong nước... ảnh hưởng chất lượng môi trường nước. Môi trường nước ở vùng mặn hóa ven biển hàm lượng sắt trong nước tăng cao do quá trình phèn hóa mạnh, độ đục môi trường cao do nước phù sa và quá trình đào đắp nạo vét ao nuôi tôm phát sinh. Quá trình chuyển dịch nuôi trồng thủy sản diễn ra quy mô lớn ở vùng mặn hóa ven biển làm gia tăng xâm nhập mặn ở các vùng ven biển chưa kiểm soát được chặt chẽ, tác động các hệ sinh thái nước ngọt trong khu vực.
Ðể bảo đảm phát triển lợi thế ngành nuôi trồng thủy sản ở ÐBSCL, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, theo chúng tôi cần thực hiện các giải pháp cơ bản sau đây:
Nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch môi trường trên cơ sở phân vùng sinh thái nhạy cảm với các vùng tiềm năng trong phát triển các mô hình canh tác thủy sản nước mặn, nước ngọt và nước lợ... theo các cấp độ từ thấp tới cao như nuôi trồng thủy sản tự nhiên, mật độ thấp, mô hình hợp sinh thái... cho đến nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp để bảo đảm cho phát triển lâu dài và bền vững nuôi trồng thủy sản ở ÐBSCL.
Quy hoạch thủy sản phải gắn liền với quy hoạch môi trường trong các hệ canh tác của các loại mô hình nuôi trồng thủy sản. Ðối với mô hình nuôi trồng thủy sản thâm canh và công nghiệp, cần tập trung giải quyết vấn đề xử lý nước cấp, quản lý chất lượng nước và xử lý chất thải nuôi trồng thủy sản và quản lý dịch hại tổng hợp trong các mô hình canh tác.
Trong thực tiễn sản xuất, một số công ty có tiềm lực về vốn đầu tư, kỹ thuật công nghiệp nuôi trồng thủy sản, đã xác lập được các mô hình nuôi thủy sản công nghiệp, nhưng vẫn xử lý được các vấn đề chất thải phát sinh, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Trong nuôi trồng thâm canh, nuôi công nghiệp, vấn đề bảo vệ môi trường cần tập trung xử lý chất thải nuôi trồng thủy sản, bằng các giải pháp như: Dùng các chế phẩm sinh học để xử lý triệt để các thành phần độc hại ô nhiễm có trong nước thải, chất thải thành các chất an toàn sinh thái. Các chế phẩm sinh học này là các vi khuẩn yếm khí, hiếu khí, các xạ khuẩn, nấm men... để xử lý lượng thức ăn dư thừa, các thất thải trong ao nuôi, các nguồn bùn cặn đáy ao nuôi...
Bảo vệ môi trường trong phát triển nuôi trồng thủy sản ở khu vực ÐBSCL là vấn đề cực kỳ quan trọng, cần được giải quyết từ vấn đề quy hoạch sản xuất canh tác, phương thức canh tác gắn liền với tổ chức sản xuất canh tác nuôi trồng thủy sản và thị trường tiêu thụ, sản xuất nuôi trồng gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và quan trọng là nâng cao vai trò quản lý của nhà nước về bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và vai trò của cộng đồng đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản ở khu vực ÐBSCL gắn liền với quy hoạch bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản và các hệ sinh thái, thực hiện tốt quy hoạch thủy lợi cho phát triển thủy sản, tăng cường tính khả thi của nhiệm vụ quan trắc và dự báo chất lượng môi trường và dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; đồng thời nghiên cứu và phổ biến các công nghệ xử lý môi trường thích hợp hiệu quả để giải quyết các vấn đề chất thải đồng thời ban hành quy chế bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản ở ÐBSCL.
Phạm Ðình Ðôn (Chi cục BVMT khu vực Tây Nam Bộ), Nguồn vietlinh