Nhiều loài thủy sản quý ở các địa phương đang được lên kế hoạch bảo vệ, theo Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).

Cá anh vũ - loại đặc sản nổi tiếng của Việt Trì, đến nay gần như không còn khai thác được, bởi trở nên quá hiếm.

Phú Thọ, cá anh vũ

Cá anh vũ - loại đặc sản nổi tiếng của Phú Thọ, nơi thành phố ngã ba sông Việt Trì, nay hiếm khi đánh bắt được ngoài thiên nhiên. Ông Cao Minh Tiến, Phó Phòng Chăn nuôi - thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Thọ) thừa nhận “Loại cá anh vũ bây giờ khó mà khai thác được. Trên các nhà hàng ở khu vực Việt Trì cũng có những số lượng ít; và đa số chỉ là cá dầm xanh- một loại họ hàng với cá anh vũ chứ không phải cá anh vũ. Chính tôi là người làm trong nghề cá nhưng cũng chưa được thưởng thức cá anh vũ”.

Trong một nỗ lực để bảo tồn loài cá quý này, vừa qua Phú Thọ nhận được từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản 1 một số cá anh vũ giống để nuôi thử nghiệm trong môi trường ao nước tĩnh. Số giống cá này mới nuôi được hơn 2 tháng.

Ông Tiến cho biết, do mới nuôi qua một thời gian ngắn nên chưa kết luận điều gì, nhưng thấy cá đó sống được trong ao có mức nước sâu khoảng 1,5 mét, sâu hơn so với ao bình thường. “Môi trường ngoài tự nhiên cá thường sống là môi trường nước chảy, nay  đưa vào nuôi trong ao nước tĩnh để thử nghiệm xem thế nào, thì thấy bước đầu nó có thể sống được trong môi trường này.

Giai đoạn sau nếu theo dõi thấy cá tăng trưởng và phát triển tốt thì sẽ tiến thêm một bước nữa là xem chúng có thể sinh sản được không, nếu được thì quý quá, vì đây là loại giống quý hiếm mà. Cá anh vũ có tốc độ tăng trưởng chậm, nuôi cá đẻ thì phải chờ cỡ ba năm tuổi!”

Bắc Cạn, Cá chép Bắc Cạn, cá bỗng, cá võng, cá cáp

Tỉnh Bắc Cạn cũng có một loài cá đặc hữu đó là cá chép Bắc Cạn. Thế nhưng hiện nay vẫn chưa có cơ sở nào ở địa phương làm nhiệm vụ lưu giữ nguồn gien này.
Ông Trần Minh Quang - Kỹ sư thuỷ sản - Trại trưởng Trại cá Cẩm Giàng (Trung tâm Giống cây trồng - vật nuôi Bắc Cạn) sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Cạn, cho biết: “Đây cũng là vấn đề mà những người làm thuỷ sản rất áy náy vì chưa có một đơn vị nào đứng ra làm công việc đó. Có thể trong một vài năm tới, khi trại giống cấp 1 hoàn thành thì chúng tôi sẽ đưa vào lưu giữ một số giống loài cá quý của Bắc Cạn; chẳng hạn như cá bỗng, cá võng, cá cáp (loài đặc hữu của Bắc Cạn).

Đây là loài gien quý để giúp sau này lai tạo ra những giống có thể thích nghi với điều kiện của địa phương và có khả năng phát triển để nâng cao năng suất cá nuôi trên ao hồ và khôi phục lại phong trào nuôi cá của tỉnh Bắc Cạn).

Bắc Giang, chạch chấu, cá xỉnh, cá hoả

Với tỉnh Bắc Giang, ông Trần Quốc Thắng – Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết gần đây có phát hiện loại chạch trấu ở xã Cẩm Lý hay xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam – đây là loại thuỷ sản có giá trị kinh tế, quý hiếm.

Trong những mùa nước cạn có thể đánh bắt được, nhưng số lượng không nhiều. Giá bán ra là 80.000đồng/kg. Còn cá xỉnh, cá hoả (theo cách gọi của địa phương) cũng không thấy xuất hiện nữa. Ông Trần Quốc Thắng cho rằng, muốn bảo vệ nguồn lợi thủy sản tốt thì việc khuyến cáo hoặc có những biện pháp giúp người dân nhận thức được, không khai thác vào những mùa vụ sinh sản của chúng, hoặc không khai thác đến mức độ cạn kiệt để còn tái tạo nguồn lợi là việc làm cần thiết.

Thế nhưng làm thế nào thì còn là một việc rất lớn, đòi hỏi quá trình lâu dài. Người dân không đánh bắt thì sẽ đói, cho nên để định hướng lâu dài là phải tạo công ăn việc làm cho họ. Bên công tác tuyên truyền giáo dục, cần tạo việc làm tại chỗ, có thu nhập, giúp nâng cao đời sống thì họ sẽ không đánh bắt đến cạn kiệt. Chứ nếu ta cấm hoặc xử lý hành chính thì rất khó, vì không thể làm sao đủ lực lượng để triển khai kiểm soát trên diện rộng như thế”.

Ninh Bình, cá tràu tiến vua, cá rô tổng trường

Ông Phạm Khắc Sửu – Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Ninh Bình, cho biết: Ngư dân Ninh Bình có khoảng 450 phương tiện nhỏ trên các con sông Hoàng Long, sông Đáy và sông Vải.

Các nhóm hộ gia đình khai thác bằng những phương tiện thủ công, thường xuyên đánh cá, cào hến, bắt cua, ốc… Hàng ngàn người làm như thế trong những mùa nước lớn khiến nguồn lợi thuỷ sản cũng đã bị cạn kiệt rất nhiều.

Vì vậy, theo ông, cần nghiên cứu chính sách tạo các vùng để cho dân nuôi trồng và khai thác cho có quy hoạch hơn. “Ở Ninh Bình hiện nay chúng tôi động viên các xã, bà con các vùng ven sông cải tạo vùng ao đầm, thửa của mình để nuôi…”.

Ngoài ra, Ninh Bình cũng sẽ xây dựng kế hoạch bảo tồn các đối tượng thuỷ sản, như: cá tràu tiến vua, cá rô tổng trường – là loại cá quý mà từ sử sách thời Đinh- Lê đã nói tới. Ninh Bình đang nghiên cứu xây dựng các chương trình dự án để kết hợp vừa là khu bảo tồn, vừa là khu du lịch như các khu Tràng An, khu Tam Cốc – Bích Động, khu Vân Long, mà bên trên có thể bảo tồn cho lâm nghiệp, dưới nước bảo tồn thủy sản. Việc kết hợp này sẽ giải quyết được công ăn việc làm cho cư dân quanh vùng, giảm bớt áp lực khai thác nguồn lợi thuỷ sản.

PV, thoibaoviet.com