Trước nửa đêm 13/11/2007 dân chài ở Biển Hồ vô tình bắt được một con cá tra khổng lồ dài 2,4 mét, cân nặng 204 kg. Con vật không răng và ăn cỏ tạp này trông khá khỏe mạnh, phần lưng màu xám ánh bạc trong khi bụng nổi màu mỡ vàng nhạt, hiện lên nét hiền hòa phúc hậu ấn tượng như niềm tin lâu đời của dân chài sông nước Cửu Long coi đó là cá thần, là đức Phật của dòng Mekong. Người ta gọi điện ngay cho cơ quan chức năng địa phương và đến sáng hôm sau thì con cá được chính các ngư dân đó hộ tống về giữa Biển Hồ, sau khi được nhóm bảo tồn xác lập lý lịch và những người có công bắt cá được thưởng món tiền ngang với giá trị của nó trên thị trường.

Mấy năm trước, một con cá tra khổng lồ khác cũng nổi lên vào ngày 1/5 nơi địa phận Chieng Khong phía sau một con đập ở đông bắc Thái Lan. Con cá mà người Thái gọi là Pla Buek được ghi vào kỷ lục Guinness cá nước ngọt lớn nhất với chiều dài 2,7 mét và cân nặng 293 kg. Nhóm bảo tồn được báo và đã đến nơi, nhưng con vật quá yếu và chết trước đó. Các con cá tra khổng lồ cỡ này không còn nhiều, chỉ vào khoảng trên dưới trăm con mà mỗi năm ngư dân bắt được khoảng 5 - 10 con, rất may hầu hết được mang trả lại cho dòng sông nơi chúng sinh sống. Trước nguy cơ tuyệt chủng, cá tra khổng lồ (tên khoa học là Pangasianodon gigas hay Pangasius gigas), cùng với cá heo sông Orcaella brevirostris được Tổ chức bảo tồn thế giới (IUCN) đưa vào Sách đỏ. Nước ta cũng có góp trong đó loài cá hô Catlocarpio siamensis và cá vồ cờ Pangasius sanitwongsei của dòng sông Cửu Long.

Dòng sông Cửu Long là môi trường sinh sống đặc biệt cho nhiều loài cá quý hiếm. Những kết quả khảo sát quan trắc cho thấy: từ độ sâu hơn 24 mét, nhất là từ 38 mét trở đi, đáy sông nhấp nhô như thể gồm nhiều thung lũng nằm giữa núi đồi. Người ta phát hiện các dòng nước mặn vẫn len lỏi chảy ngược lên phía nguồn, và nhiều khi bên dưới các dòng nước chảy xiết như ở Tân Châu hay ở Vàm Nao có các đầm bùn tích tụ rong tảo làm cho nhiều loài thủy sinh to lớn đến đó trú ẩn sinh sống. Hàng năm chỉ đến lúc giao mùa “nước quậy” thì thỉnh thoảng các dòng bùn mặn ở đáy mới trồi lên mặt dưới dạng cuộn xoáy.

Trong số các loài sống nhờ môi trường đặc biệt này có cá tra khổng lồ mà nét đặc trưng lúc còn nhỏ là bộ “râu già” chính là “anten” giúp chúng đi lại sục sạo tìm mồi giữa vũng bùn đen đáy sông. Đến lúc trưởng thành, khoảng 6 hay 7 năm tuổi, chúng mới sinh sống giữa dòng nước trong chảy xiết và bắt đầu các cuộc thiên di hàng năm về phía thượng nguồn, lúc này bộ “râu già” biến mất và con vật phát triển khả năng sinh sản. Trong chuyến đi Chợ Mới đầu năm chúng tôi vẫn còn gặp loại cá “mọc râu” này cùng khá nhiều cá heo con nơi các bò cá ở xã Mỹ Luông. Điều này cho thấy hạ lưu dòng sông Cửu Long có thể là nơi tốt nhất để khởi công bảo tồn các loài cá quý hiếm ghi trong Sách đỏ.

Phần lớn cá heo sông gọi là Irrawaddy dolphin thuộc cỡ lớn - từ 40 đến 160 kg - thực ra sinh sống chủ yếu ở vùng hạ lưu. Tháng 4/2002 ngư dân Vàm Nao bắt được một con nặng khoảng 130 kg; tháng 11/2005 người Vĩnh Xương lại bắt được một con dài hơn 2 mét nặng trên 100 kg, toàn thân có màu đen xám, đuôi dày và cứng xòe ngang như thể đuôi tôm, mõm nhọn đặc trưng của loài cá heo, giữa trán có một lỗ mũi chếch lên theo hình chữ V (cá heo không phải thuộc ngành cá, mà là động vật có vú thuộc nhóm Cetacean thở bằng phổi, nên khi bị mắc vào lưới thì rất dễ tổn thương). Loài cá hô phân bố rộng hơn ở mỗi lưu vực dòng sông, nhưng cũng tập trung khá nhiều nơi vùng hạ lưu nước ta với nhiều con khá lớn đến 60 kg, thậm chí 170 kg. Năm 2000 một ngư dân ở Bình Thủy, Châu Phú bắt được một con cân nặng 155 kg. Trước đây khi nguồn cá còn phong phú, Bình Thủy có đến khoảng 60 nhà câu cá hô, mỗi năm mỗi nhà bắt được trên dưới 40 con với cỡ cá trung bình từ 30 đến 50 kg.

Trong điều kiện hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long, việc xây dựng cơ chế bảo vệ và khai thác hợp lý các loài cá quý hiếm có nguy cơ tiệt chủng chưa phải là muộn. Trên thực tế cả ba chương trình quốc tế là bảo tồn cá, đa dạng sinh học vùng ngập lụt và cải thiện giao thông vùng sông Mekong đều chưa có tác dụng rộng rãi. Vì vậy để bảo vệ các loài quý hiếm ở đây:

- Cần một cơ chế thông tin rộng rãi để ngư dân, kể các em học sinh, hiểu biết và nhận diện các loài cá quý hiếm cần được bảo vệ.

- Cần một cơ chế tưởng thưởng xứng đáng để cho tất cả ngư dân trả cá trở về môi trường của chúng, mặt khác không cho phép buôn bán đánh bắt theo lối hủy diệt.

- Cần một cơ chế nghiên cứu hợp lý về sinh lý và sinh môi nhằm sớm chuyển từ giai đoạn bảo vệ thuần túy sang bảo vệ và khai thác kinh tế các loài cá quý hiếm vốn rất đắt giá của dòng sông Cửu Long.

HOÀNG XUÂN PHƯƠNG (Nguồn vietlinh)