Vụ nuôi tôm năm nay, vùng nuôi tôm Mỹ Trung (thuộc thôn Đông Điền, xã Phước Thắng, Tuy Phước) bị dịch tôm thân đỏ, đốm trắng bùng phát khi tôm nuôi đã 35 đến 45 ngày tuổi. Dịch bệnh lây lan nhanh trên toàn bộ diện tích hơn 11 ha và lây sang vùng nuôi tôm mới (Nhơn Phước) 7ha, làm cho người nuôi tôm ở đây thua lỗ mỗi ha khoảng 25 - 30 triệu đồng.

Vùng nuôi tôm Mỹ Trung là vùng nuôi tôm chuyên canh, được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khá chu đáo, gồm 2 vùng nuôi: vùng nuôi cũ ở phía đông có diện tích hơn 11 ha, đưa vào khai thác từ năm 1998 đến năm 2006 liên tục được mùa, nhiều hộ trở nên giàu có nhờ nuôi tôm ở đây. Vùng nuôi mới ở phía tây có diện tích trên 13 ha thuộc dự án “nuôi tôm Nhơn Phước”, đưa vào khai thác năm 2006. Nhìn chung, cả 2 vùng nuôi trong năm 2006 đều trúng mùa, sản lượng đạt trên 2.500kg/ha.

Ở vụ nuôi tôm 2007, các ao hồ nuôi tôm ở 2 vùng nuôi đều được cải tạo kỹ và đầu tư ở mức cao. Tuy nhiên, dịch bệnh tôm đã làm cho nhiều hộ nuôi tôm ở đây bị thua lỗ. Ông Nguyễn Văn Hải, cán bộ khuyến ngư xã Phước Thắng, cho biết: “Sau 35 - 45 ngày nuôi, mỗi ha bà con đã đầu tư bình quân hơn 25 triệu đồng. Tôm giống trước khi thả nuôi đều được bà con mua ở các trại giống có uy tín, và đã qua kiểm dịch, thả đúng thời vụ cuối tháng 3, mật độ 20 con/m², một số hồ còn áp dụng nuôi tôm thân thiện với môi trường. Thế nhưng tôm nuôi từ hơn tháng trở đi thì bắt đầu phát bệnh bị đóng rong trên thân; các phần phụ, mang... có nhiều chất bẩn bám vào, đầu và thân tôm có chấm trắng. Theo xác định của ngành chức năng, tôm bị bệnh đốm trắng”.

Ngoài ra, còn có một nguyên nhân khác mà bà con vùng nuôi tôm Mỹ Trung chưa lường hết là yếu tố môi trường bất lợi: năm 2006 ở tỉnh ta không xảy ra lũ lụt nên quá trình cải tạo ao, đìa, cải thiện chất lượng môi trường dựa vào điều kiện tự nhiên không được diễn ra. Hơn nữa thời tiết năm nay diễn biến khá phức tạp, đầu vụ nuôi mưa nắng thất thường, các ao nuôi luôn bị mất màu, độ pH trong ao nuôi liên tục biến động, tạo môi trường không tốt. Các chất thải nông nghiệp, xác súc vật chết luôn hiện diện trên các sông, mương, gây ô nhiễm nguồn nước, nên việc cấp nước tự nhiên vào ao nuôi cũng là tác nhân gây bệnh cho tôm.

Hiện tại vùng nuôi tôm Mỹ Trung cũ và mới có 2 chi hội nuôi tôm cộng đồng với 37 hội viên. Chỉ có 1 hộ ở vùng đồng Mỹ Trung cũ không tham gia nên đã gây không ít lo lắng cho các hộ nuôi tôm cộng đồng, vì chỉ cần một hồ bị dịch không kiểm soát được thì cả vùng sẽ bị dịch theo.

Theo ông Nguyễn Văn Hải: “Để vụ nuôi tôm năm tới không còn dịch bệnh, trước hết cần nâng cao ý thức cộng đồng của người nuôi tôm; vận động tất cả các hộ nuôi tôm đều phải tham gia cộng đồng nuôi tôm. Chính quyền và ngành chức năng cần có biện pháp can thiệp, không để mạnh ai nấy làm dẫn đến nguy cơ dịch tôm lan rộng”. Người nuôi tôm ở đây cũng phải thực hiện tốt phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chuẩn bị tốt các điều kiện cải tạo ao, hồ; xử lý mầm bệnh cũ, chăm sóc và phòng bệnh cho tôm theo đúng các quy trình kỹ thuật ngành Thủy sản đã hướng dẫn trước khi vào vụ nuôi tôm mới.

Xuân Thức (Nguồn vietlinh)