Giới thiệu chung
Chức năng:
Phân Viện Nghiên cứu hải sản phía Nam là đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc và đại diện Viện nghiên cứu Hải sản; trực tiếp thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, hợp tác quốc tế, tư vấn và dịch vụ về bảo tồn và phát triển nguồn lợi hải sản; khai thác, chế biến hải sản trong phạm vi từ Đà Nẵng đến Kiên Giang;
Phân viện là đơn vị sự nghiệp khoa học, có con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng.
Phân Viện có tên giao dịch quốc tế là: South Research Sub-Institute for Marine Fisheries (viết tắt là SORESIMF).
Nhiệm vụ
Nhiệm vụ và lĩnh vực nghiên cứu:
1. Xây dựng và trình Viện:
a) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm, các chương trình, dự án về khai thác, bảo tồn và phát triển nguồn lợi hải sản và tổ chức thực hiện sau khi được Viện phê duyệt;
b) Tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế, kỹ thuật, quy trình, quy phạm, hướng dẫn kỹ thuật trong lĩnh vực về khai thác; bảo tồn và phát triển nguồn lợi hải sản thuộc nhiệm vụ của Phân Viện theo quy định của pháp luật.
2. Nghiên cứu cơ bản có định hướng:
a) Cơ sở khoa học về công nghệ viễn thám, hải dương học và sinh thái học; nghiên cứu nguồn lợi hải sản, quy luật biến động nguồn lợi hải sản và sinh học nghề cá phục vụ dự báo ngư trường khai thác và quản lý nghề cá;
b) Mối quan hệ giữa môi trường, nguồn lợi hải sản và nghề cá biển; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến nghề cá biển; đề xuất các phương án, giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường và quản lý môi trường biển; vi sinh vật trong xử lý môi trường; các biện pháp khôi phục, tái tạo và phát triển nguồn lợi hải sản;
c) Các vấn đề kinh tế - xã hội nghề cá; mô hình quản lý nghề cá; mô hình tổ chức sản xuất, khai thác trên biển; đa dạng sinh học và bảo tồn biển.
3. Nghiên cứu ứng dụng tổng hợp:
a) Công nghệ sinh học trong lĩnh vực: cấu trúc gen, di truyền, chọn giống hải sản, lưu giữ và phát triển nguồn gen các loài hải sản quý hiếm;
b) Công nghệ nuôi trồng hải sản, bao gồm: sản xuất giống, kỹ thuật nuôi trồng, dinh dưỡng và thức ăn, phòng trị bệnh, thuần hóa lai tạo các đối tượng mới, đối tượng mới của nghề nuôi trồng hải sản, môi trường nuôi;
c) Công nghệ khai thác hải sản phù hợp với đối tượng và ngư trường khai thác;
d) Chiết suất các chất có hoạt tính sinh học cao từ sinh vật biển phục vụ y, dược và thực phẩm chức năng;
đ) Cải tiến và tiêu chuẩn hóa các loại ngư cụ, vật liệu dùng trong nghề cá biển, cơ khí tàu thuyền, giải pháp hiện đại hóa tàu cá và khai thác bền vững;
e) Cải tiến công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến thủy sản.
4. Điều tra, đánh giá trữ lượng và khả năng khai thác bền vững nguồn lợi hải sản; các hệ sinh thái làm cơ sở khoa học cho việc sử dụng hợp lý tài nguyên sinh vật biển.
5. Quan trắc cảnh báo môi trường biển và dịch bệnh hải sản.
6. Tham gia xây dựng quy hoạch không gian biển và quản lý các khu bảo tồn biển; xây dựng các bản đồ về nguồn lợi hải sản.
7. Đào tạo chuyên đề phục vụ phát triển nguồn nhân lực; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghề cá biển theo quy định của Pháp luật.
8. Thông tin khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ tin học và viễn thám trong nghiên cứu hải sản; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu nghề cá biển; xây dựng bảo tàng và phòng mẫu vật về nguồn lợi, đa dạng sinh học biển, các ngư cụ, phương tiện khai thác và nuôi trồng hải sản.
9. Tham gia hoạt động khuyến ngư, chuyển giao công nghệ nghề cá biển đối với các thành phần kinh tế; liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủy sản theo quy định của pháp luật.
10. Tư vấn, dịch vụ khoa học và công nghệ thuộc các lĩnh vực nghiên cứu được giao theo quy định của pháp luật.
11. Xây dựng trình Viện đề án vị trí việc làm; quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức theo ngạch, số lượng viên chức theo chức danh nghề nghiệp và người lao động theo phân cấp quản lý của Viện và quy định của pháp luật.
12. Quản lý tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật.
13. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Viện trưởng Viện nghiên cứu Hải sản giao.