Thành phần chính của chất thải sau quá trình sản xuất agar là bã rong chứa cellulose, protein và khoáng chất. Việc thủy phân cellulose từ bã rong phế thải để làm thức ăn gia súc sẽ giúp động vật tiêu hóa và hấp thụ dễ dàng các protein, glucid, các nguyên tố khoáng đa vi lượng có trong bã thải agar.<br>Trên thế giới hiện nay các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm thành công nhiều phương pháp tận dụng phế liệu rong biển bằng phương pháp thuỷ phân trong môi trường bazơ hay axit để làm thức ăn gia súc [1]. Tuy nhiên việc phân hủy cellulose trong bã thải agar bằng phương pháp vật lý và hóa học rất phức tạp, tốn kém và gây độc hại cho môi trường. Trong khi đó, việc xử lý các chất thải hữu cơ chứa cellulose bằng công nghệ sinh học, đặc biệt sử dụng các enzym cellulase ngoại bào từ vi sinh vật sẽ có nhiều ưu điểm cả về mặt kỹ thuật, kinh tế và môi trường [2,3]. Các chủng nấm và vi khuẩn thường tiết ra cellulase ngoại bào mạnh [4,5]. Trong công trình nghiên cứu trước đây [6], chúng tôi đã tiến hành sàng lọc được 2 chủng vi khuẩn là Bacillus subtilis (B-505) và Bacillus lichenformis (Li) có khả năng thủy phân bã agar tốt. Nghiên cứu này xin trình bày kết quả nghiên cứu tối ưu hóa các điều kiện sinh cellulase ngoại bào từ 2 chủng vi khuẩn trên trên môi trường lên men công nghiệp để ứng dụng cho quá trình thủy phân bã thải agar.
...