Những ngày qua, có nhiều thông tin về những lô hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật bị nhiễm kháng sinh cấm.
Đây không phải lần đầu tiên các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào các nước Nga, Australia và Nhật Bản bị phát hiện có kháng sinh cấm.
Nhật Bản tuyên bố nếu Việt Nam không giải quyết vấn đề một cách triệt để, có thể họ sẽ cho ngừng nhập khẩu hàng thủy sản Việt Nam.
Ông Trần Thiện Hải - Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho biết: "Thay vì kiểm tra trên tầng xuất, phía Nhật Bản đã tăng cường kiểm tra 100% các lô hàng thủy sản của Việt Nam. Gần đây, VASEP đã nhận được cảnh báo của Đại sứ Nhật Bản, nếu Việt Nam không đưa ra giải pháp ngăn chặn triệt để tình trạng này, có thể Nhật sẽ xem xét ngừng nhập khẩu hàng thủy sản Việt Nam".
Theo VASEP, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nghiêm trọng nhất là ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của người nuôi trồng và đánh bắt. Hầu như ngư dân, các vựa thủy sản và cơ sở, gia công chế biến đều dùng Chloramphenil thay nước đá ướp thủy sản vì giữ tươi rất lâu lại rẻ hơn rất nhiều dùng nước đá. Chất kháng sinh này rất độc hại cho sức khỏe.
Theo một doanh nghiệp xuất khẩu: "doanh nghiệp không thể cấm hoặc phạt ngư dân và các cơ sở sử dụng Chloramphenil. Vấn đề này rất cần sự can thiệp của Nhà nước". Đại diện VASEP cho biết đã họp rất nhiều lần có cả Thứ trưởng Bộ Thủy sản và tất cả các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu bàn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng xem ra vẫn chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết tận gốc vấn đề.
Nếu có phát hiện những ngư dân và cơ sở chế biến vi phạm cũng không thể nhờ chính quyền can thiệp vì không có cơ sở pháp lý. Nguồn nguyên liệu thủy sản đều bị nhiễm các chất kháng sinh cấm, vấn đề là nhiều hay ít.
Để ngăn chặn tình trạng hàng thủy sản xuất khẩu bị nhiễm kháng sinh và hóa chất cấm, VASEP sẽ khoanh vùng và tăng cường giám sát 100% từ khâu nuôi trồng đến vận chuyển và bảo quản.
Hai là sẽ phải chỉ ra một số doanh nghiệp đã có những hiện tượng liên tục có những lô hàng có nhiễm chất kháng sinh cấm và đặt khỏi sự kiểm soát chặt chẽ.
Trong 8 thị trường xuất khẩu thủy sản chính của Việt Nam trong năm 2007, Nhật Bản chiếm 18,2%, chỉ đứng sau EU (25%). Thế nhưng sau hơn 9 tháng nhận được lời cảnh báo, ngành thủy sản vẫn chưa kiên quyết đối với những vi phạm của doanh nghiệp.
Theo ông Lương Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Thủy sản, muốn tạo uy tín tốt và gia tăng lượng thủy sản xuất khẩu lâu dài và bền vững, các doanh nghiệp cần phải đổi mới mạnh mẽ về công nghệ nuôi trồng và chế biến, quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nguy cơ mất hẳn thị trường Nhật là rõ ràng và nếu vậy thì đây quả là một "đòn đau" đối với ngành thủy sản, ngư dân và các doanh nghiệp.
Quang Trí
(Theo vneconomy.vn)