Xuất khẩu thủy sản trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn do liên tiếp phải đối phó với các thông tin bất lợi. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lương Lê Phương đã cung cấp thêm thông tin cho phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này.

Thưa Thứ trưởng, vì sao những thông tin gây ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam lại chỉ tập trung vào cá tra, cá ba sa, mà không phải là những sản phẩm khác?

Ở đây, có nhiều lý do:

Thứ nhất là mặt hàng cá tra, cá ba sa được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Thứ hai là giá rẻ, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế hiện nay người dân siết chặt chi tiêu, xu hướng chọn lựa những sản phẩm giá cả phù hợp, mà cá là lựa chọn đầu tiên.

Thứ ba là do có nhiều sản phẩm tương tự ở các nước nhập khẩu.

Do đó, xuất hiện 2 xu hướng của 2 nhóm đối tượng: một là người tiêu dùng ủng hộ cá tra, hai là nhóm chống đối, bao gồm người sản xuất, người nuôi, chế biến, kinh doanh, vốn là nhóm đối thủ cạnh tranh với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Việc chống đối nhằm tẩy chay cá tra, trong đó có thông tin là cá tra Viêt Nam được nuôi trong nước ô nhiễm... là không có cơ sở.

Ngành NN&PTNT đối phó với những cáo buộc trên ra sao?

Một mặt, chúng tôi cử đoàn sang trực tiếp làm việc, cung cấp và trao đổi các thông tin liên quan để các nước không ngăn cản nhập khẩu cá của ta. Mặt khác, chúng tôi kiểm tra lại tình hình sản xuất, chế biến của doanh nghiệp, cũng như người nuôi cá. Thực tế cho thấy, có nhiều mô hình nuôi rất tốt, song cũng có một số cơ sở nuôi chạy theo sản lượng, nên không chú ý đến xử lý môi trường, gây ra ô nhiễm trong ao nuôi.

Đây chính là cái cớ để họ tung ra thông tin cáo buộc. Tôi xin nói rõ hơn, thông tin này không đủ căn cứ, vì hiện tại, trong số 7.000 ha diện tích nuôi cá ở Đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết được nuôi ở sông Cửu Long là môi trường nước tự nhiên cực tốt do bán nhật triều (ngày 2 con nước lên xuống).

Việc kiểm tra chất lượng sản phẩm chế biến được ngành thực hiện như thế nào?

Bộ NN&PTNT xác định, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu, riêng cá tra có 2 trung tâm chuyên trách để kiểm tra chất lượng, nguyên liệu chế biến, điều kiện xuất tại nhà máy và cả lô hàng trước khi xuất khẩu..

Chúng tôi đã thành lập Ban điều hành xuất khẩu cá tra, trước mắt thử nghiệm tại thị trường Nga, nhằm siết chặt khâu quản lý chất lượng, yêu cầu các DN phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của ngành và thị trường nhập khẩu. Qua đợt kiểm tra mới đây, Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đã kết luận các cơ sở chế biến, nuôi trồng thủy sản đảm bảo các yêu cầu của EU.

Đây chính là sự khẳng định khách quan, cho thấy chất lượng không có vấn đề gì. Cơ quan quản lý chất lượng thủy sản của Việt Nam cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của các nước nhập khẩu để đẩy mạnh kiểm tra. Cụ thể là thông báo kết quả kiểm tra các lô hàng từ nơi xuất của Việt Nam cho phía nhập khẩu để họ kiểm tra lại.

Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sẽ phải đối mặt với khó khăn gì, khi định nghĩa mới về cá tra được Bộ Nông nghiệp Mỹ thông qua, thưa Thứ trưởng?

Nếu trước đây, cá tra, ba sa của Việt Nam xuất vào Mỹ chỉ kiểm tra sản phẩm cuối, thì định nghĩa mới này đưa ra tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về môi trường nuôi, về quá trình vận chuyển từ ao nuôi đến nhà máy, quá trình bảo quản, đặc biệt là môi trường nước nuôi. Chẳng hạn, yêu cầu cá vận chuyển về đến nhà máy trong trạng thái còn sống là rất khó thực hiện, bởi ở Việt Nam, các nhà máy chế biến ở cách xa nơi nuôi cá.

Chúng ta đã có 2 đoàn sang Mỹ tiếp xúc, đàm phán với các cơ quan có liên quan để nói rõ quan điểm, giải pháp làm tốt hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cá tra xuất khẩu. Tôi cho rằng, cần hài hòa hóa các tiêu chuẩn theo nguyên tắc của Hiệp định SPS (kiểm dịch động thực vật), chứ không nên đưa ra các đòi hỏi quá khắt khe.

Việt Hùng (Nguồn vietlinh)