Theo Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết kết quả của Đoàn thanh tra Cục kiểm dịch động, thực vật Liên bang Nga (VPSS) bày tỏ sự hài lòng về hồ sơ theo dõi quá trình nuôi, kỹ thuật xử lý ao, quy trình kiểm soát quá trình nuôi thủy sản cũng như điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh của các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, là việc nghiêm túc khắc phục các khuyến cáo của Đoàn thanh tra VPSS thị trường Nga đã “ăn hàng” trở lại, nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL đang đẩy mạnh việc thu mua, chế biến.
Thị trường cá tra nguyên liệu biến động: loại thịt trắng có giá 13.200 – 13.400 đồng/kg, cá tra thịt vàng 12.500 – 12.800 đồng/kg, cá thịt hồng 12.800 – 12.900 đồng/kg. Cũng giống như thị trường cá tra, thị trường con tôm sú nguyên liệu hiện tại tôm sú loại 30 con/kg giá 120.000 đồng/kg; loại 40 con/kg có giá 85.000 đồng/kg. Với mức này, giá tôm tăng nhẹ 3.000 – 3.500 đồng/kg so với tuần trước.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2007 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, trị giá xuất khẩu hàng hóa là 166.374 ngàn USD, đạt 38,69% kế hoạch 2007 và tăng 9,60% so với cùng kỳ năm trước, bằng 14.573 ngàn USD chủ yếu do xuất khẩu hàng thủy sản, nông sản tăng so với cùng kỳ năm trước.
Toàn tỉnh hiện có 9 đơn vị thực hiện xuất khẩu thủy sản. Trong 7 tháng đầu năm 2007, có 3 đơn vị thực hiện xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước là Cty cổ phần Thủy sản 24.314 ngàn USD, tăng 5,51%; Cty cổ phần thực phẩm Sao Ta 32.776 ngàn USD, tăng 15,94%; Cty TNHH Phương Nam 34.666 ngàn USD, tăng 27,15%; 3 đơn vị mới thực hiện xuất khẩu chưa tròn 1 năm là DNTN Khánh Hoàng, DNTN Ngọc Thái và DNTN Ngọc Thu; 3 đơn vị thực hiện xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là Cty TNHH Kim Anh 36.338 ngàn USD, giảm 7,69%, Cty TNHH Út Xi 24.592 ngàn USD, giảm 15,12%, Cty TNHH Minh Đăng 338 ngàn USD, giảm 27,16%.
Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin Thương mại- (Bộ Thương mại), hiện nay, do giá nguyên liệu tăng cao và dịch bệnh nên xuất khẩu tôm của Thái Lan sẽ thấp hơn dự kiến. Vì thế, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường EU và Mỹ, vốn là thị trường tiêu thụ tôm từ Thái Lan.
Theo thông lệ hàng năm, bắt đầu vào cuối tháng 8, đầu tháng 9, xuất khẩu thủy sản chuyển động mạnh vì nhu cầu sản phẩm thủy sản đông lạnh trên thế giới tăng. Tuy nhiên Xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm sẽ đứng trước 3 thách thức lớn: an toàn vệ sinh thực phẩm, chế biến thiếu nguồn nguyên liệu an toàn và cạnh tranh gay gắt cả đầu vào lẫn đầu ra. Do đó, các doanh nghiệp cần tăng cường chế biến hàng giá trị gia tăng, kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm chế biến, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường. Phối hợp với các ngành chức năng quản lý chặt chất lượng nguyên liệu đầu vào, thống nhất không mua nguyên liệu kém chất lượng./.
Trang Hoàng Thọ (Theo vietlinh)