Chloramphenicol là một loại kháng sinh, có các đặc tính kháng khuẩn và dược động học nên được sử dụng cho quá trình chế biến thực phẩm có nguồn gốc động vật. Tuy nhiên, trong cơ thể người nó lại gây ra những độc tính huyết học, cụ thể là thiếu máu biến dạng với một hàm lượng nào đó chưa được xác định rõ. Điều này dẫn đến việc Chloramphenicol đã bị cấm sử dụng trong việc điều trị cho súc vật dùng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm. Ở Bình Thuận, lâu nay muốn kiểm nghiệm sản phẩm một lô hàng thực phẩm thủy sản phải tiến hành lấy mẫu rồi gởi vào Trung tâm Vùng 4 của Bộ Thủy sản (khu vực phía Nam, tại thành phố Hồ Chí Minh) và biết được kết quả cũng phải mất cả tuần. Do đó, ở góc độ quản lý muốn kiểm tra lô hàng và quyết định, cho đi hay giữ lại đều có những khó khăn. Hơn nữa, chi phí cho mỗi lần thử, tốn từ 300.000 - 600.000 đồng/mẫu. Còn muốn nhanh bằng cách mua thiết bị phát hiện (đọc kết quả) thì lại không đủ điều kiện vì máy rất đắt tiền. Điển hình như máy sắc ký khí lên đến cả triệu USD, loại rẻ nhất cũng vào khoảng 30.000USD, hoặc các thiết bị cho Elisa cũng lên đến 15.000 – 20.000USD.
Đó là chưa nói đến việc vận hành mất nhiều thời gian, quy trình nhiều bước phức tạp cần phải có vài nhân viên đạt trình độ kỹ năng nhất định. Đặc biệt, do các thiết bị máy móc tinh vi nên việc xử lý mẫu thử rất phức tạp. Mặt khác, nhiệt độ phòng, độ ẩm không khí, độ chiếu sáng, hạn chế tối đa các chất trong không khí đều đặt ra rất khắt khe để tránh gây nhiễm môi trường xét nghiệm. Từ đó bắt buộc cần phải trang bị phòng vô trùng, tủ đặc biệt thiết kế để đựng dụng cụ xử lý rác và chất thải…
Trong các phương pháp xét nghiệm hiện nay như HPLC, GC… thì GICA là ít tốn kém hơn. Vì vậy, ngày 11/5/2007 tại Trung tâm Khuyến ngư Bình Thuận đã tiến hành thử nghiệm phương pháp kiểm tra nhanh GICA dư lượng Chloramphenicol trong sản phẩm thủy sản (GICA) trước sự chứng kiến của đại diện Sở Thủy sản, Hiệp hội chế biến thủy sản Bình Thuận… và giám đốc Công ty TNHH Hiển Đạt đơn vị nhập và cung cấp thiết bị. Các doanh nghiệp như Công ty Hải Nam, Công ty Thaimex cung cấp mẫu để thử nghiệm. Kết quả, mức độ tương hợp giữa kết quả do các doanh nghiệp cung cấp và kết quả thực nghiệm 8/12 (67%) (do có 2 mẫu chưa được kiểm trước đó nên không đánh giá). Trong đó, các mẫu do Công ty Hải Nam cung cấp có độ tương hợp 5/5 mẫu (100%) vì các mẫu trước khi đưa vào thực nghiệm đã được kiểm nghiệm trực tiếp bằng phương pháp Elisa; Còn các mẫu lấy ngẫu nhiên từ những lô đã có kết quả kiểm tra do Công ty Hải Nam và Thaimex cung cấp cho độ tương hợp 3/7 mẫu (43%).
Ngoài ra, một thử nghiệm đa trung tâm cũng đã được thực hiện để so sánh kết quả xét nghiệm bằng GICA với kết quả Elisa. Nghiên cứu thực hiện trên cùng 234 mẫu xét nghiệm và cả 2 phương pháp xét nghiệm đều nhận dạng đúng 145 mẫu âm tính và 98 mẫu dương tính. Kết quả cho thấy 94,7% trùng hợp giữa hai phương pháp xét nghiệm. Điều đáng nói là phương pháp GICA được sử dụng rộng rãi ngoài trời tại các điểm thu mua hoặc thanh tra… nên rất tiện lợi. Theo Giám đốc Công ty Hiển Đạt Vũ Minh Tín: “Phương pháp này thực sự hiệu quả, nhanh, chính xác và dễ thực hiện. Được sản xuất tại Trung Quốc theo công nghệ Mỹ, thiết bị xử lý mẫu có giá khoảng 30 triệu đồng, mỗi lần thử chi phí từ 150.000 – 160.000 đồng, tổng thời gian thực hiện xét nghiệm chỉ khoảng 25 phút”.
Theo anh Huỳnh Quang Huy phó phòng Nghiệp vụ Sở Thủy sản: “Hiện nay Hiệp hội chế biến thủy sản Việt Nam đang rất quan tâm đến phương pháp xét nghiệm bằng GICA và kết quả thử nghiệm mới đây tại Bình Thuận. Đây là phương pháp xét nghiệm chi phí thấp, cho kết quả nhanh, có thể tin cậy, cần được phổ biến rộng rãi”.
Nguồn agriviet.com