Nguồn nguyên liệu cạn kiệt, thị trường đang mất dần, ngành thủy sản VN đang lâm vào tình thế vô cùng khó khăn, hoạt động của nhiều nhà máy chỉ đạt 30% - 50% công suất thiết kế

Ngày 11-6, tại TPHCM ngành thủy sản VN tổ chức hội nghị toàn thể Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy hải sản VN năm 2007. Tại hội nghị thường niên này, vấn đề được nhiều hội viên đặt ra là sự xuống cấp chất lượng của hàng thủy sản xuất khẩu VN không chỉ đe dọa sự tồn tại của doanh nghiệp (DN), mà còn làm giảm sút uy tín của ngành kinh tế mũi nhọn nước ta.

Nhà máy đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty Kinh doanh Thủy hải sản TPHCM, cho biết vấn nạn sử dụng kháng sinh chẳng những không giảm mà ngày càng phổ biến. Thị trường Nhật, Trung Quốc đã “tẩy chay” mặt hàng mực của VN. Nhiều loại thủy hải sản gần đây không xuất khẩu được, giá bắt đầu rớt. Các DN chế biến phải tìm cách tiêu thụ trong nước.

Những năm trước đã báo động tình trạng sử dụng kháng sinh cấm, bơm chích tạp chất vào tôm. Nhưng đến 2007, tình trạng này vẫn tiếp tục tăng, đã có gần cả chục lô hàng xuất sang thị trường Nhật bị phát hiện có chất kháng sinh chloramphenicol. Theo Hiệp hội Chế biến, XNK thủy sản VN (VASEP), việc sử dụng kháng sinh trong nguyên liệu dẫn đến mất thị trường xuất khẩu đã kéo theo hàng loạt các nhà máy chế biến ở miền Trung, miền Bắc phải đóng cửa.

Ông Trịnh Bá Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Thủy sản, cho biết thời gian vừa qua nguyên liệu trong nước không đủ để chế biến xuất khẩu cộng với thị trường xuất khẩu mất dần, hoạt động của nhiều nhà máy chỉ đạt từ 30% - 50% công suất thiết kế.

Thừa hay thiếu?

Ông Dương Ngọc Minh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hùng Vương, cho biết năm 2005, ngành thủy sản quy hoạch đến năm 2010, sản lượng cả nước đạt 1 triệu tấn cá tra. Nhưng mới đến năm 2007, sản lượng toàn ngành đã vượt con số này. Điều này dễ dẫn đến khủng hoảng thừa, kéo theo giá cả không ổn định. Các cơ quan chức năng cần phải có định hướng lại, quy hoạch từng khu vực cũng như quản lý về chất lượng.

Không đồng ý với nhận định này, ông Ngô Phước Hậu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP XNK Thủy sản An Giang (Phó Chủ tịch Hội cá Nước ngọt VASEP), cho rằng cá tra VN có thế mạnh rất lớn, chỉ đứng sau cá hồi, cá rô phi trên thế giới. Năm 2006, loại cá này đã đạt 800.000 tấn, năm 2007 sẽ đạt trên 1 triệu tấn, tăng 30% có thể xem là phát triển “nóng”. Vấn đề là nguồn nước bị ô nhiễm, người nuôi sử dụng kháng sinh ngày càng phổ biến, nguy cơ mất thị trường đang đe dọa từng ngày. Hiện nay, mặt hàng này đã mất toàn bộ thị trường Canada, vài năm qua lô hàng nào xuất sang nước này đều bị trả về, do không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các DN cạnh tranh quyết liệt về giá, giành mua với giá cao nhưng lại bán ra với giá thấp, mới là vấn đề cần quan tâm.

Ông Hậu cho biết thêm: Tệ hại hơn, gần đây DN xem việc sử dụng thuốc tăng trọng trong cá tra, cá basa là vũ khí cạnh tranh, dẫn đến tình trạng miếng cá phi lê chỉ toàn là nước (nước chiếm từ 30% - 50% - PV), ngược lại chất protein lại giảm mạnh. “Nếu tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra thì 100.000 tấn cũng không tiêu thụ được chứ đừng nói đến 1 triệu tấn. Còn giải được bài toán về an toàn vệ sinh thực phẩm thì tôi bảo đảm 2 triệu tấn cũng bán sạch, cho nên chúng ta không ngại phát triển nóng mà là chất lượng hàng hóa” - ông Hậu nói như vậy.

Ông Nguyễn Tử Cương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thủy sản, cho biết ở Nga cũng đã biết tình trạng ngâm tẩm, chích phốt phát trong cá cho nên vài tuần nữa, Nga sẽ cử hai đoàn sang nước ta để kiểm tra 100% DN VN có nguồn hàng xuất sang thị trường này.

Kiểm tra quyết liệt, xử lý thẳng tay

Ông Nguyễn Tử Cương cho biết, từ nay những DN chế biến, kinh doanh hàng thủy sản nào có truyền thống bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được giảm tần suất kiểm tra (từ 12 lần/năm xuống còn 2 lần), để giảm bớt chi phí kiểm nghiệm. Còn DN nào có biểu hiện tốt cũng được ưu ái hơn bằng cách cứ 10 lô hàng chỉ kiểm 1 lô, còn những DN yếu kém sẽ tăng tần suất kiểm tra. Đối với những phương tiện đánh bắt trên biển, nếu ai vi phạm đến lần thứ 2 sẽ bị cấm hành nghề, đơn vị mua bán nếu để sản phẩm nhiễm kháng sinh cũng bị rút giấy phép. Cho đến thời điểm này vẫn còn 154/470 DN chưa chịu nâng cấp cơ sở, thiết bị sản xuất. Nếu không chấp hành chủ trương nâng cấp, cơ sở sẽ bị thu hồi giấy phép.

Những kiến nghị của VASEP với Thủ tướng Chính phủ

Tại hội thảo, VASEP đã đưa ra một số kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục phát triển việc xuất khẩu thủy sản giai đoạn 2007-2010. VASEP đề nghị Chính phủ tách bạch rõ nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước và DN. Cần sử dụng hai nguồn kinh phí: DN chịu chi phí thực hiện các hệ thống bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm theo yêu cầu kinh doanh, kiểm tra nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm và chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của sản phẩm; Nhà nước chịu chi phí cho hoạt động của cơ quan Nhà nước thẩm quyền trong kiểm tra điều kiện sản xuất, chi phí kiểm tra chất lượng hàng trước khi xuất khẩu, kiểm soát VSATTP...

Đối với việc kiểm soát dư lượng hóa chất kháng sinh trong nguyên liệu: VASEP kiến nghị Thủ tướng “chia nhiệm vụ” xuống từng địa phương trong việc kiểm tra, kiểm soát dư lượng kháng sinh cấm tại từng cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên liệu; tuyên truyền giáo dục cho ngư dân, tàu cá... về các điều kiện bảo đảm VSATTP; ban hành Quy chuẩn quốc gia về điều kiện bảo đảm VSATTP, có cơ chế bảo đảm năng lực kỹ thuật cũng như kinh phí để địa phương thực hiện việc kiểm tra này; kiểm soát chặt chẽ việc nhập, lưu thông và sử dụng kháng sinh trong bảo quản nguyên liệu...

Theo NLĐ, Việt Linh