Tăng năng lực chế biến nhưng lại thiếu qui hoạch về cung ứng nguyên liệu là thực trạng dẫn đến nhiều nhà máy chế biến thủy sản hoạt động cầm chừng. Trong ảnh: Chế biến mực xuất khẩu tại Công ty Baseafood.
Công nghiệp chế biến thủy sản ngày càng phát triển nhanh, trong khi hiện nay nguồn nguyên liệu không đủ đáp ứng nhu cầu khiến cho nhiều nhà máy rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng. Đó là lý do vì sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương thực hiện chiến lược sắp xếp lại hoạt động chế biến thủy sản.
Hiện nay, cả nước có gần 500 cơ sở chế biến thủy sản, trong đó có 320 nhà máy chế biến đông lạnh với tổng công suất thiết kế 4.262 tấn/ngày. So với năm 2006, công suất của các cơ sở chế biến hải sản tăng khoảng 40%, riêng năng lực chế biến xuất khẩu tăng khoảng 20%.
Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 172 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản, trong đó có 29 nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu, 7 nhà máy chế biến bột cá, 40 doanh nghiệp chế biến thủy sản khô và 96 doanh nghiệp chế biến thủy sản nội địa. Tổng công suất thiết kế của các cơ sở chế biến khoảng 200.000 tấn thành phẩm/năm. Để có khối lượng sản phẩm đó, các cơ sở chế biến phải tiêu thụ tối thiểu 600.000 tấn nguyên liệu. Do ngành nuôi trồng thủy sản chưa phát triển mạnh, nên các nhà máy chế biến hải sản sử dụng nguồn nguyên liệu chính từ thủy sản đánh bắt. Trong khi đó, tổng sản lượng đánh bắt hàng năm của tỉnh chỉ đạt trên dưới 200.000 tấn/năm. Để phục vụ cho chế biến xuất khẩu, nhiều năm qua các doanh nghiệp phải ra tận miền Trung, miền Bắc mua nguyên liệu. Hai năm trở lại đây, ngư trường cạn kiệt, hoạt động đánh bắt càng khó khăn, các công ty lớn như: Baseafood, Hải Việt, Mai Linh phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.
Trong khi tình trạng khan hiếm nguyên liệu ngày càng trở nên gay gắt thì số lượng cơ sở chế biến thủy sản chẳng những không giảm mà còn tăng nhanh. Theo số liệu thống kê của Sở Thủy sản, hai năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã tăng thêm 30 cơ sở chế biến thủy sản. Công nghiệp chế biến thủy sản phát triển “nóng” so với khả năng cung ứng nguyên liệu, khiến cho nhiều nhà máy rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng. Nhiều nhà máy chỉ vận hành 40% công suất. Tình trạng nhiều nhà máy sản xuất cùng một mặt hàng (phổ biến nhất là surimi và mực đông) càng gây khó khăn về nguyên liệu. Nguyên liệu khan hiếm dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán diễn ra gay gắt và phức tạp.
Có một nghịch lý là, trong khi nhà máy thiếu nguyên liệu thì tỷ lệ hải sản đánh bắt được đưa vào chế biến xuất khẩu thấp, do nguyên liệu khai thác ngoài khơi không được bảo quản tốt khi chuyển vào đất liền đã không bảo đảm chất lượng. Đội tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh được coi là mạnh nhất nhì của cả nước, nhưng thật ra cũng chỉ là những chiếc tàu gỗ có công suất từ 90 – 600 CV chứ chưa có đội tàu viễn dương được trang bị phương tiện hiện đại. Đó là nguyên nhân làm cho sản lượng đánh bắt nhiều nhưng thực chất hải sản phục vụ chế biến xuất khẩu không đạt được bao nhiêu.
Để tránh tình trạng thiếu nguyên liệu, thừa công suất chế biến, tháng 7 năm 2007, Bộ Thủy sản, nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chương trình sắp xếp lại sản xuất ngành thủy sản. Theo đó, Bộ sẽ thực hiện 3 giải pháp đồng bộ gồm: Quy hoạch cơ sở chế biến; phát triển dịch vụ xa bờ để nhanh chóng đưa hải sản vào các nhà máy; tổ chức tốt hoạt động đánh bắt xa bờ và bảo quản hải sản sau khai thác. Riêng đối với hoạt động chế biến, sẽ hình thành các cơ sở chế biến thủy sản tập trung gần nguồn nguyên liệu, nhất là những vùng có nghề nuôi phát triển mạnh; khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu bán thành phẩm, đầu tư công nghệ chế biến các mặt hàng tinh chế có giá trị xuất khẩu cao, đồng thời, có cơ chế quản lý tốc độ tăng năng lực chế biến, tránh tình trạng phát triển nhanh quá dẫn đến lãng phí công nghệ do sử dụng không hết công suất thiết kế. Một giải pháp nữa là đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp nhằm tăng nguồn nguyên liệu tại chỗ phục vụ cho chế biến xuất khẩu.
Song An (Nguồn vietlinh)