Từ sau khi Bình Thuận xảy ra hàng loạt lô mực nhiễm dư lượng kháng sinh bị khách hàng Nhật trả về, gây tổn thất cho các doanh nghiệp. Đặc biệt từ khi Nhật ban hành lệnh kiểm tra 100% các lô hàng thủy sản có xuất xứ từ Việt Nam. Các doanh nghiệp trước khi xuất hàng đều phải tiến hành gửi các mẫu thử vào kiểm tra tại TPHCM. Quá trình kiểm tra tại TPHCM vừa tốn kém và mất thời gian (7-10 ngày) khiến cho việc xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy nhu cầu bức thiết của các doanh nghiệp, Hiệp hội Chế biến thủy sản Bình Thuận đã tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư kinh phí để mua máy kiểm tra dư lượng kháng sinh nhằm phục vụ cho việc kiểm soát thủy sản nhiễm dư lượng kháng sinh ngay tại địa phương.
Từ cuối năm 2006, UBND tỉnh đã giao cho Sở Khoa học Công nghệ làm chủ đầu tư và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng là nơi tiếp nhận và sử dụng máy. Qua khảo sát, Chi cục đã đáp ứng đầy đủ các yếu tố cơ sở hạ tầng và các điều kiện kèm theo, đảm bảo cho việc tiếp nhận và sử dụng máy. Hiện đơn vị đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn ISO/IEC - 17025:2005 và đã được Vilas chứng nhận phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn mang mã số Vilas 266.
Đến thời điểm này, Chi cục Tiêu chuẩn ĐLCL đã tiến hành tiếp nhận máy, nhưng do phía cung cấp máy chưa giao đủ theo yêu cầu, nên hiện Chi cục và các cơ quan kỹ thuật vẫn chưa thể tiến hành lắp đặt và vận hành. Ông Đỗ Văn Thái, Chi cục trưởng Chi cục ĐLCL cho biết: Khoảng 10-15 ngày nữa các thiết bị sẽ nhập về đầy đủ, sau đó sẽ thành lập hội đồng nghiệm thu và tiến hành lắp ráp, vận hành máy. Sau khi lắp ráp máy xong, đơn vị cung cấp thiết bị và Trung tâm Nafiqaved sẽ trực tiếp ra đào tạo phương pháp sử dụng, vận hành máy và phương pháp kiểm tra hóa chất trong vòng một tháng và có 2 tuần đào tạo cán bộ sử dụng máy ở nước ngoài.
Hệ thống máy LC/MS/MS (hệ thống sắc ký lỏng ghép với đầu dò khối phổ ba tứ cực) bao gồm máy chính và các thiết bị phụ trợ, có thể phát hiện được hầu hết các loại hóa chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng theo quy định của Bộ Thủy sản. Phát hiện cả định lượng và định tính của dư lượng kháng sinh có trong thủy sản mà các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của tỉnh ta đang gặp phải như Chloramphenicol….Ngoài ra, thiết bị còn xác định được các loại hóa chất hócmôn tăng trưởng có trong rau quả, thức ăn chăn nuôi gia súc, phục vụ đắc lực cho các mặt hàng xuất khẩu như mực và thanh long của tỉnh ta.
Cũng theo ông Thái, máy LC/MS/MS có thể kiểm tra dư lượng kháng sinh ngay từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm, kết quả sẽ có trong vòng từ 3-5 ngày. Giá thành lại phù hợp hơn so với việc đem các mẫu thử vào TPHCM như trước đây. Nếu triển khai tốt thiết bị máy này, sẽ giúp các doanh nghiệp kiểm tra độ an toàn trong thủy sản, nhất là trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay. Bên cạnh, có thể giải quyết được các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, về sử dụng các loại hóa chất cấm. Đây là sự trợ giúp rất lớn của tỉnh đối với các doanh nghiệp, nhằm phấn đấu đến cuối năm đạt được giá trị xuất khẩu 110 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu mực và thanh long chiếm 2/3 trong tổng giá trị xuất khẩu.
Hồng Trinh (Theo vietlinh)