Ngày 03.9.2013 Viện Nghiên cứu Hải sản đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Tư vấn lựa chọn mẫu lưới kéo tôm phù hợp phục vụ các chuyến điều tra nguồn lợi tôm ở biển Việt Nam năm 2013” trong khuôn khổ Tiểu dự án I.9, với mục tiêu lựa chọn loại ngư cụ phù hợp giữa hai miền Nam - Bắc để sử dụng trong các chuyến điều tra nguồn lợi tôm vào hai mùa gió Đông Bắc và Tây Nam, năm 2013-2014.

Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo Viện, Hội đồng Khoa học, các chuyên gia có chuyên môn sâu về nghề lưới kéo tôm, cán bộ khoa học thuộc Phòng Nghiên cứu Nguồn lợi Hải sản, Phòng Nghiên cứu Công nghệ Khai thác cùng các cán bộ khoa học khác có quan tâm. TS. Nguyễn Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản chủ trì Hội thảo.

Qua hai chuyến đi khảo sát thực địa ở Thanh Hoá và Bạc Liêu, các cán bộ thuộc Phòng Nghiên cứu Công nghệ Khai thác đã đưa ra hai loại mẫu lưới kéo tôm đang được sử dụng phổ biến ở hai miền. Các thông số kỹ thuật của lưới cũng như các ưu nhược điểm của từng loại lưới đã được các cán bộ phân tích và đánh giá.

Với đặc trưng của lưới kéo tôm Thanh Hoá là loại lưới đan, với mắt lưới ở đụt là 2a=25mm, mắt lưới ở cánh lưới 2a=32mm, chu vi miệng lưới là 648 mắt, chiều dài giềng phao là 20,65m, chiều dài giềng chì là 27,64m và chiều dài toàn bộ là 28m. Trong khi đó, lưới kéo tôm ở Bạc Liêu chủ yếu sử dụng loại lưới cắt, với mắt lưới ở đụt là 2a=18mm, mắt lưới ở cánh lưới 2a=65mm, chu vi miệng lưới là 905 mắt, chiều dài giềng phao là 32,70m, chiều dài giềng chì là 37,95m và chiều dài toàn bộ là 40m.

Xét về ván lưới, ván lưới dùng cho tàu lưới kéo tôm ở Thanh Hoá có kích thước và khối lượng nhỏ hơn so với ván lưới dùng cho tàu lưới kéo tôm ở Bạc Liêu. Cụ thể, kích thước ván lưới kéo tôm ở Thanh Hoá thường sử dụng là 1,52 x 0,6m, khối lượng 75kg/chiếc và ở Bạc Liêu thường sử dụng là 1,7 x 0,8m, khối lượng 160kg/chiếc.

Để có thể đồng nhất được loại ngư cụ sử dụng trong các chuyến điều tra, các chuyên gia đã phân tích và cân nhắc nên sử dụng loại lưới nào. Do tập quán và ngư trường khai thác ở các vùng khác nhau, thời gian chuyến điều tra dự định khoảng tháng 10 năm 2013 và các yếu tố khách quan khác, đại đa số các ý kiến tại Hội thảo đã nhất trí phương thức tổ chức các chuyến điều tra là thuê tàu ở hai tỉnh Bạc Liêu và Thanh Hoá;loại lưới sử dụng là lưới kéo tôm ở Bạc Liêu.

Hội thảo đã kết thúc vào lúc 17 giờ cùng ngày. Thay mặt Ban Chủ nhiệm Dự án I.9, ThS. Nguyễn Viết Nghĩa, Trưởng phòng Nghiên cứu Nguồn lợi Hải sản đã cảm ơn sự đóng góp tích cực của các chuyên gia, các nhà khoa học, những người đã và đang đồng sức, đồng lòng làm nên thành công của Dự án.