Ngày 24/3/2012, Viện Nghiên cứu Hải sản đã tổ chức Hội thảo Khoa học góp ý kiến cho 02 bộ TCVN cho nghề lưới rê và nghề lồng bẫy. Tên tiêu chuẩn: “Thiết bị khai thác thủy sản - Lưới rê - Thông số kích thước cơ bản; Quy trình kỹ thuật lắp ráp; Kỹ thuật khai thác cho các nghề: Lưới rê hỗn hợp, lưới rê cá chuồn và lưới rê ghẹ” và “Thiết bị khai thác thủy sản - Lồng bẫy - Thông số và kích thước cơ bản; Kỹ thuật lắp ráp; Kỹ thuật khai thác cho các nghề: Lồng bẫy ghẹ; Lồng bẫy mực nang; Lồng bẫy ốc hương”

 Đến tham dự Hội thảo là các khách mời đại diện cho các cơ quan quản lý ngành Thủy sản: Trung tâm Khuyến Ngư; Chi cục KT&BVNLTS; các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực Khai thác thủy sản; Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hải sản và các cán bộ Khoa học của Viện. Chủ trì Hội nghị là TS. Nguyễn Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện NCHS
 
Lưới rê và lồng bẫy là các nghề khai thác thủy sản truyền thống được sử dụng rộng rãi và phổ biến ở các tỉnh ven biển Việt Nam, mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần không nhỏ đảm bảo ổn định cuộc sống cho ngư dân.
 
Hiện tại có rất nhiều loại lưới rê và lồng bẫy được ngư dân sử dụng ở các vùng biển. Tuy nhiên, trong cùng một nghề khai thác cùng một đối tượng mà mỗi địa phương có một mẫu lưới, mẫu lồng bẫy khai thác khác nhau. Việc sử dụng các mẫu lưới một cách tùy tiện theo ý thích đã dẫn đến tình trạng các mẫu lưới không phù hợp với tàu thuyền, ngư trường và kỹ thuật khai thác gây lãng phí nguyên vật liệu chế tạo; năng suất khai thác giảm; các thao tác trong khi tham gia khai thác không đúng dẫn đến mất an toàn trong lao động sản xuất gây thiệt hại về người và của… Việc xác định được nhu cầu thực tế của sản xuất và sự cần thiết phải xây dựng những bộ TCVN nhằm phổ biến những mẫu ngư cụ, phương pháp khai thác tiên tiến tới cộng đồng ngư dân ven biển. Trong những năm trước đây, một số Tiêu chuẩn ngành đã được tiến hành xây dựng và ban hành, được cộng đồng ngư dân áp dụng vào thực tế sản xuất đem lại hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, việc xây dựng và ban hành các TCVN đối với nghề lưới rê và lồng bẫy còn chưa đầy đủ, thiếu cho nghề khai thác đang được ngư dân sử dụng rộng rãi như nghề lưới rê hỗn hợp, lưới rê cá chuồn, lưới rê ghẹ...; lồng bẫy ghẹ, lồng bẫy ốc hương, lồng bẫy mực nang. Trước những nhu cầu cần thiết của thực tế sản xuất, năm 2011, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao cho Viện Nghiên cứu Hải sản xây dựng bộ TCVN về Lưới rê và nghề lồng bẫy.
 
Tại Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài đã trình bày 2 bộ tiêu chuẩn và các chuyên gia đã cho các ý kiến đóng góp. Về cơ bản, các tiêu chuẩn này được soạn thảo khá chi tiết, công phu và kỹ lưỡng. Các đại biểu đã góp ý chi tiết đến từng từ, câu chữ, thuật ngữ sử dụng trong tiêu chuẩn nhằm hoàn thiện các bộ TCVN để ứng dụng vào sản xuất.
 

Kết thúc Hội thảo, Chủ nhiệm đề tài cảm ơn các chuyên gia đã đóng góp ý kiến quý báu để TCVN được hoàn thiện. Chủ tọa yêu cầu Chủ nhiệm đề tài căn cứ góp ý của đại biểu,chỉnh sửa lại theo các góp ý để 02 TCVN chính xác, khoa học nhằm đóng góp cho ngành khai thác thủy sản phát triển theo hướng bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của ngành thủy sản, đảm bảo ổn định cuộc sống, an toàn lao động và sản xuất cho ngư dân, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.