Ngày 14/01/2014, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Nghiên cứu Hải sản đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu đánh giá cấp cơ sở đề tài KHCN cấp Bộ, tên đề tài:“Nghiên cứu biến động và phân bố cường lực khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ Đông Nam Bộ”, chủ nhiệm đề tài: ThS. Bùi Văn Tùng. Đến dự Hội nghị có Lãnh đạo Viện, thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo, trưởng, phó các đơn vị và các cán bộ khoa học có quan tâm khác. Các chuyên gia về công nghệ khai thác và sinh học nghề cácũng đến dự với tư cách thành viên Hội đồng: TS. Hoàng Hoa Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang, TS. Nguyễn Long, ThS. Nguyễn Văn Kháng; TS. Chu Tiến Vĩnh, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị nghiệm thu, ThS. Bùi Văn Tùng đã trình bày các kết quả đạt được của nhiệm vụ:
1. Xác định được cường lực và sản lượng khai thác ở vùng biển xa bờ Đông Nam Bộ
2. Tính toán hiệu quả hoạt động của các nghề khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ Đông Nam Bộ
3. Đưa ra một số giải pháp quản lý cường lực khai thác ở vùng biển xa bờ Đông Nam Bộ theo hướng bền vững
Kết quả nổi bật của nhiệm vụ:
Cường lực khai thác (số lượng tàu) của nghề lưới kéo hiện nay trên vùng biển xa bờ Đông Nam Bộ đã vượt ngưỡng cường lực khai thác bền vững tối đa khoảng 56,2%, tương ứng với khoảng 2.817 tàu; các nghề lưới rê, lưới vây, nghề câu và nhóm nghề khác có cường lực khai thác thấp hơn ngưỡng cường lực khai thác bền vững tối đa.
Qua phân tich dữ liệu (DEA) cho thấy hiệu quả hoạt động của các nghề bằng nghề lưới vây có 81% đội tàu trong năm đạt mức hiệu quả cao và 19% đạt mức hiệu quả, nghề lưới kéo có 75% đội tàu trong năm đạt mức hiệu quả cao và 25% đạt mức hiệu quả, nghề câu có 75% đội tàu đạt mức hiệu quả cao và 23% đạt mức hiệu quả, nhóm nghề khác có 54% đội tàu đạt mức hiệu quả cao và 41% đạt mức hiệu quả, nghề lưới rê có hiệu quả hoạt động thấp nhất với 54% đội tàu đạt mức hiệu quả cao và 29% đạt mức hiệu quả.
Trên cơ sở số lượng tàu tham gia khai thác hải sản trên vùng biển xa bờ Đông Nam Bộ năm 2012 và cường lực khai thác bền vững tối đa của các nghề, cần phải cắt giảm tàu lưới kéo 2.817 chiếc; tăng tàu lưới vây 1.500 chiếc, lưới rê 308 chiếc, câu 618 chiếc và nhóm các nghề khác 187 chiếc.
Kết luận chung
Hội đồng đánh giá đây là một nhiệm vụ khó,, cần bổ sung và làm rõ thêm phương pháp, cụ thể hóa các giải pháp, xem lại ước tính MSY và tổng sản lượng khai thác; cần bổ sung đề xuất nghiên cứu sâu hơn theo hướng của đề tài tại vùng biển Đông Nam Bộ và các vùng khác phục vụ quản lý ngành. Hội đồng cùng đánh giá đề tài đã xác định được cường lực, sản lượng khai thác và hiệu quả hoạt động của các nghề khai thác hải sản trên vùng biển xa bờ Đông Nam Bộ. Cung cấp cơ sở khoa học cho việc quản lý cường lực khai thác, quy hoạch nghề khai thác ở vùng biển xa bờ Đông Nam Bộ theo hướng bền vững. Hội đồng cũng đã giao ThS. Nguyễn Phi Toàn xem xét, kiểm soát lại nội dung trước khi chuyển nghiệm thu cấp quản lý.
Trần Quốc Tuyển