FAO và WHO đang kêu gọi tất cả các nước cần phải siết chặt hệ thống an toàn thực phẩm của mình và giám sát chặt chẽ các nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm.
Những vi phạm về an toàn thực phẩm gần đây, như việc phát hiện ra chất melamine bị cấm trong thức ăn thủy sản hay các chất bị cấm có trong cá nuôi, đã chứng minh cho sự yếu kém của một số hệ thống an toàn thực phẩm. FAO và WHO cho rằng, việc xảy ra tình trạng trên là do sự thiếu hiểu biết nói chung về các quy định an toàn thực phẩm hay việc cố ý sử dụng các chất cấm trong dây chuyền sản xuất thực phẩm.
Trong vòng 12 tháng qua, trung bình mỗi tháng WHO và FAO điều tra trên 200 vụ việc liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm để đánh giá tác động của chúng đối với sức khoẻ con người. Các kết luận được chia sẻ cho các nước thông qua Mạng thông tin an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN).
Ông Jorgen Schlundt, Giám đốc Phòng An toàn thực phẩm của WHO cho biết, tất cả các nước đều có thể hưởng lợi từ việc áp dụng các biện pháp mạnh hơn để xử lý các vấn đề về an toàn thực phẩm trong quá trình đưa chúng “từ ao nuôi tới bàn ăn”. Còn Ông Ezzeddine Boutrif, Giám đốc Phòng Dinh dưỡng và Bảo vệ người tiêu dùng của FAO nói, các nước chỉ có thể bảo vệ thị phần của mình ở những thị trường thực phẩm lớn và chiếm niềm tin của người tiêu dùng, nếu họ cung cấp những sản phẩm được quốc tế công nhận về chất lượng và tiêu chuẩn an toàn. Người tiêu dùng có quyền được biết về những mối nguy có thể gặp phải trong thực phẩm và có quyền được bảo vệ trước những mối nguy đó.
Những hệ thống an toàn thực phẩm yếu kém có thể thất bại trong việc bảo vệ dân chúng trước các loại vi khuẩn như Salmonella, E.coli, Campylobacter và Listeria; các loại hoá chất sử dụng trong ngành nông nghiệp như thuốc trừ sâu, thuốc thú y,… và các chất phụ gia thực phẩm bị cấm sử dụng.
Những thách thức mà các cơ sở sản xuất thực phẩm đang phải đối mặt ở các nước đang phát triển là sự phát triển dân số và đô thị hoá, chế độ ăn uống thay đổi, sự tăng cường và công nghiệp hoá ngành sản xuất nông nghiệp và lương thực. Điều kiện thời tiết, hệ thống vệ sinh và cơ sở hạ tâng công cộng yếu kém… là những nhân tố khiến thách thức càng cao hơn.
Chế tài về an toàn thực phẩm ở nhiều nước đang phát triển thường mâu thuẫn với các quy định quốc tế. Trang thiết bị của các phòng kiểm nghiệm ở những nước này thường lỗi thời, và một số bộ máy chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm tỏ ra rất quan liêu.
Chính vì vậy, FAO và WHO kêu gọi các cơ quan an toàn thực phẩm phải có trách nhiệm và sự thận trọng cao hơn với trọng trách của mình.
V.A (theo Fis, www.ficen.org.vn)