Thời gian qua, nghề nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh cả về diện tích và sản lượng; nhưng đồng thời cũng nảy sinh việc sử dụng hóa chất kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản ngày càng tăng. Trước những yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm của người tiêu dùng trong nước và của thị trường xuất khẩu, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có những biện pháp mạnh tay và quyết liệt hơn.

Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hơn 200 cơ sở chế biến hải sản, nhu cầu nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu rất lớn. Bên cạnh, nguồn nguyên liệu từ đánh bắt, sản lượng nuôi trồng cũng góp phần quan trọng cho chế biến xuất khẩu. Do vậy để đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của những thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản... vấn đề chất lượng của sản phẩm nuôi trồng rất quan trọng. Thời gian qua, việc tồn dư lượng kháng sinh trong thủy sản đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, làm thiếu nguyên liệu chế biến, vỡ hợp đồng đã ký... Thực trạng này dẫn đến tình trạng cạnh tranh về tìm kiếm nguyên liệu giữa các doanh nghiệp, đẩy giá thành tăng cao, tạo thêm sức ép cho doanh nghiệp về chất lượng và giá cả.

Theo các nhà chuyên môn, do chưa tuân thủ đúng kỹ thuật, ít quan tâm đến môi trường nên cá tôm nuôi mắc nhiều bệnh, buộc người nuôi phải dùng thuốc để điều trị. Với mục đích thu lợi cao, nhiều hộ kinh doanh thuốc thú y thủy sản đã đưa một số loại thuốc bị hạn chế hoặc cấm sử dụng, có dư lượng chất độc hại cao bán cho ngư dân nuôi trồng hải sản, làm chất lượng thủy sản nuôi không đạt yêu cầu. Mặt khác, để đạt được sản lượng và lợi nhuận cao nhất, nhiều ngư dân lạm dụng phương thức nuôi thâm canh, nuôi trồng không theo thời vụ, khí hậu thời tiết không thuận lợi làm cho vật nuôi bị bệnh tật dẫn đến chết hàng loạt.

Nghị định số 59/2005/NĐ-CP, về điều kiện kinh doanh một số ngành nghề thủy sản, Điều 12 quy định: tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản phải có đủ các điều kiện sau đây: Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về nuôi trồng thủy sản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp; địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản phải theo quy hoạch của địa phương; cơ sở phải bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản, tiêu chuẩn vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi truờng theo quy định của pháp luật; sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất theo quy định của pháp luật.

Theo các chuyên gia thủy sản, nguyên nhân chủ yếu gây bệnh thủy sản là do vi khuẩn. Thông thường người nuôi sử dụng kháng sinh để khống chế các vi khuẩn gây bệnh, nhưng do chưa biết cách sử dụng, nên đã gây ra hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc và tích tụ dư lượng kháng sinh trong sản phẩm. Mặt khác, một số ngư dân chạy theo lợi nhuận, lạm dụng thuốc trong thức ăn với vai trò là chất kích thích tăng trưởng của vật nuôi, dẫn đến việc đến kỳ thu hoạch, sản phẩm thủy sản vẫn còn tồn đọng nhiều dư lượng kháng sinh trong cơ thể. Trước tình trạng đó, ông Trịnh Đức Toàn, Trưởng phòng Quản lý chất lượng thủy sản, Sở Thủy sản cho biết: “ Gần đây, một số lô hàng thủy sản xuất khẩu bị đình chỉ lưu thông do có dư lượng kháng sinh cấm. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã có các Chỉ thị, Văn bản gửi cho các Sở Thủy sản, yêu cầu hàng tháng phải lấy mẫu từ các vùng nuôi, để kiểm tra; nếu phát hiện có dư lượng kháng sinh thì phải tìm cách xử lý, buộc các cơ sở nuôi trồng phải ngưng sử dụng và kéo dài thời gian thu hoạch để lượng kháng sinh trong cơ thể vật nuôi có thời gian tiêu hủy”.

Ông Lê Văn Kháng, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và XNK Côn Đảo, cho biết: “Để khống chế dư lượng kháng sinh, đối với mặt hàng xuất khẩu, chúng tôi kiểm soát chất lượng ngay từ đầu vào, giám sát và yêu cầu người nuôi cam kết hạn chế sử dụng hoá chất, kháng sinh trong giai đoạn nuôi trồng. Những trường hợp quá lạm dụng, chúng tôi sẽ không thu mua, mà tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ địa phương khác, kể cả nhập khẩu từ nước ngoài để thay thế”.

Khi ngành chức năng và doanh nghiệp phối hợp thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn thì tình trạng lạm dụng hoá chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản mới chấm dứt.

Thanh Nga (Nguồn vietlinh)