Tổng diện tích nuôi cá tra, cá ba sa trong toàn khu vực ĐBSCL hiện đã lên đến 5.000 ha. Năm 2001 tổng sản lượng cá tra, cá ba sa của toàn vùng mới chỉ được 110.000 tấn thì đến năm 2006 là 825.000 tấn và dự báo năm 2007 sẽ vượt quá con số 1 triệu tấn, bằng sản lượng quy hoạch cho đến năm 2010. Tại TP Cần Thơ, theo dự báo năm 2007 sẽ tăng thêm khoảng 10% sản lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu... song để phát triển bền vững, ngành xuất khẩu thủy sản TP Cần Thơ phải vượt qua những thách thức gay gắt...
LẠC QUAN
Hàng năm, vào thời điểm này trở đi thị trường xuất khẩu thủy sản sẽ vào vụ, do ở một số nước trên thế giới thời tiết bắt đầu trở lạnh, nhu cầu đối với thủy sản đông lạnh cao. Đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp đột phá trong nước rút để đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu năm 2007. Bà Phạm Thị Diệu Hiền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình An, cho biết: Hiện nay, mỗi tháng công ty xuất khoảng 50 container cá tra phi lê sang thị trường châu Âu. Từ nay đến cuối năm, công ty sẽ lắp thêm dây chuyền chế biến và tập trung sản xuất trong những tháng cuối năm, phấn đấu đạt doanh số thêm 15 triệu USD (gồm xuất khẩu và tiêu thụ nội địa). Các đơn vị khách như Công ty cổ phần thủy sản Miền Nam, Công ty cổ phần Thủy sản Nam Việt cũng đang khẩn trương hoàn thành kế hoạch xuất khẩu của những đơn đặt hàng trong năm nay...
Các nhà máy chế biến thủy sản ở TP Cần Thơ ngày càng đi vào cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm. Ảnh: Chế biến sản phẩm cá tra xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản Bình An.
Hiện nay, nguồn nguyên liệu cá tra, ba sa đang vào mùa thu hoạch rộ, nhu cầu chế biến gặp thuận lợi, hơn nữa phần lớn các nhà máy chế biến thủy sản ở ĐBSCL đều chủ động nguồn nguyên liệu bằng cách hợp tác với nông dân nuôi hoặc xây dựng vùng nuôi riêng... Tuy nhiên, cùng với cả nước, các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là doanh nghiệp chế biến thủy sản ở TP Cần Thơ đang phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu. Và nhiều khả năng mất một số thị trường truyền thống như Nhật Bản, Nga luôn rình rập... Song, qua thực tế này mới thấy, những đơn vị nào đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật thì không những xuất khẩu ổn định mà còn tăng giá trị xuất khẩu lên.
Bà Phạm Thị Diệu Hiền cho biết, các sản phẩm của nhà máy (loại 1) hiện xuất khẩu cao hơn từ 10-20 cent/kg so với một số đơn vị khác cùng xuất sang một thị trường, do công ty luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Đây cũng là điều lý giải vì sao xuất khẩu với giá cao hơn vẫn được khách hàng chấp nhận. Vì thế, hơn lúc nào hết, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng việc giữ chữ tín trong cung cách làm ăn, có giải pháp hữu hiệu việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu sạch cho chế biến; cải tiến kỹ thuật, công nghệ nâng cao giá trị hàng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành thương mại thành phố cũng cần đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, cung cấp nhanh, đầy đủ các thông tin về những rào cản kỹ thuật của các nước đến với các doanh nghiệp, nhằm giúp các doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG
Đến thời điểm này, TP Cần Thơ đã xuất khẩu trên 50.000 tấn thủy sản (cá tra chiếm tỷ trọng lớn nhất) sang hơn 30 thị trường truyền thống, đạt tổng giá trị khoảng 160 triệu USD, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo nhận định của hầu hết các nhà chế biến xuất khẩu thủy sản mà đặc biệt là sản phẩm cá tra tại Cần Thơ, thì vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường cần phải đặt lên hàng đầu mới có thể phát triển ngành này bền vững. Một chủ doanh nghiệp chế biến thủy sản cho biết: “Khách hàng đến xem xưởng chế biến cá tra họ không kiểm tra công nhân làm việc ra sao, cách làm thế nào (họ có bộ phận khác kiểm định rồi), mà kiểm tra ngóc ngách cống thoát nước thải, xử lý phụ phẩm, nước thải có đảm bảo yếu tố môi trường hay không...”. Đó là vấn đề mà các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu cần hết sức quan tâm.
Theo ông Phạm Đình Đôn, Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam bộ, công nghệ nuôi cá cần gắn liền với xử lý môi trường. Đối với mô hình nuôi thâm canh mật độ cao hay nuôi công nghiệp, vấn đề cơ bản là phải bố trí quy trình nuôi hợp lý nhằm đảm bảo xử lý được nước cấp đưa vào nuôi và xử lý triệt để nguồn nước thải, bùn thải ao nuôi, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Các giải pháp bố trí diện tích ao lắng khử trùng, ao lọc sinh học nước thải, hố thu hồi và xử lý bùn thải... để quản lý và xử lý các nguồn chất thải trong quy trình nuôi cá cần được phổ biến và triển khai rộng rãi. Đối với loại hình nuôi bè, nuôi đăng quầng thì cần tập trung nghiên cứu quy định mật độ nuôi, quản lý chất lượng cũng như số lượng thức ăn và các nguồn vật tư đưa vào vừa đủ đối với mật độ cá nuôi, đồng thời kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý nước để phân hủy nhanh và loại bỏ kịp thời các thành phần độc hại. Việc áp dụng nhanh kỹ thuật nuôi cá đáp ứng vệ sinh môi trường theo quy định của Bộ Thủy sản và theo tiêu chuẩn SQF 1000CM đối với vùng nuôi thủy sản chất lượng-an toàn vệ sinh thực phẩm là hết sức cần thiết và cần triển khai rộng rãi trong toàn khu vực.
Áp dụng mô hình này trong thực tế nuôi cá tra ở Cần Thơ kết quả cho thấy tiết kiệm được 40% chi phí nhờ hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh. Ngoài ra, khi nuôi với mật độ thấp, cá rất mau lớn và có kích cỡ đồng đều, ít phát sinh bệnh tật, chất lượng thịt đạt cao hơn so với lối nuôi truyền thống. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường là do thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi; nguồn nước bị ảnh hưởng từ các hóa chất vệ sinh cải tạo ao nuôi, các vật tư chuyên dụng như vôi bột, chế phẩm sinh hóa học, thuốc kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng. Thực tế đó đòi hỏi những người tham gia nuôi thủy sản cần phải nâng cao chất lượng, bảo vệ môi trường thì mới có thể cạnh tranh tốt và phát triển bền vững ngành nghề này trong tương lai...
Nói tóm lại, cần phải có giải pháp quản lý chặt chẽ từ nuôi trồng đến khâu chế biến và xuất khẩu thủy sản thì mới có thể yên tâm sản xuất, tránh tình trạng thắng lợi năm nay, sang năm lại bắt đầu nỗi lo mới!
AN KHÁNH (Nguồn vietlinh)