Trên thế giới, cá ngừ đại dương có giá trị kinh tế cao và chiếm vị trí quan trọng trong thương mại các sản phẩm thủy sản (chỉ đứng sau tôm và nhóm các loài cá đáy). Ở Việt Nam, cá ngừ đại dương (cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to) đã và đang được coi là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực, nhưng trong những năm gần đây, nguồn lợi tự nhiên và sản lượng khai thác có chiều hướng suy giảm rõ rệt dẫn tới việc khai thác, chế biến cá ngừ tự nhiên gặp nhiều khó khăn. Để thúc đẩy và phát triển nghề nuôi cá ngừ đại dương, Việt Nam phải từng bước chủ động được nguồn con giống bằng sinh sản nhân tạo.
Năm 2012, TS. Nguyễn Quang Hùng – Viện Nghiên cứu Hải sản chủ trì thực hiện đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu sinh học sinh sản và thử nghiệm sản xuất giống cá ngừ vây vàng (Thunnus albacares)", mã số KC.06.21/11-15. Đầu năm 2013 vừa qua, đề tài đã khai thác được 285 con cá ngừ giống đưa vào nuôi trong lồng tại vịnh Vân Phong, Khánh Hoà.
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Quang Hùng đã trình bày nội dung đề tài. Ths. Đặng Minh Dũng, thư ký đề tài báo cáo nhanh một số sản phẩm chính, một số kết quả nghiên cứu đạt được bước đầu như sau:
- Điều kiện môi trường nước vịnh Vân Phong, Khánh Hoà nằm trong ngưỡng phù hợp cho nuôi cá ngừ vây vàng.
- Hệ số thức ăn của cá nuôi cao trong tháng đầu (trung bình 11,8) và giảm dần về các tháng tiếp theo, sau 6 tháng nuôi hệ số thức ăn trung bình là 8,25.
- Sau 6 tháng nuôi tốc độ tăng trưởng về khối lương đạt từ 1,20 - 1,85 kg/tháng, sau 6 tháng nuôi trung bình đạt 1,52kg/tháng. Kết quả nghiên cứu phù hợp với nghiên cứu của Wexler et al (2003), cá ngừ vây vàng có tốc độ tăng trưởng từ 0,8 – 1,6 kg/tháng ở kích cỡ dưới 19kg và 1,7 – 1,9 kg/tháng ở kích cỡ trên 19kg.
- Cá ngừ vây vàng nuôi trong lồng tại vịnh Vân Phong có sức sinh sản tuyệt đối trung bình 10.472.000 trứng/cá thể; sức sinh sản tương đối trung bình 230 trứng/g cá cái.
- Hệ số thành thục trung bình đạt 1,14 trong đều kiện nuôi vỗ nhân tạo, tỷ lệ giới tính đực là 47%, cái là 53 % trong quần đàn cá nuôi vỗ.
- Sau 6 tháng nuôi cá ngừ vây vàng bắt gặp nhiễm bệnh rận cá và lở loét nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh thấp từ 0,02 - 0,03%.
Các chuyên gia, các nhà khoa học tham dự Hội thảo đã đóng góp các kinh nghiệm và hiểu biết quý báu giúp đề tài đạt kết quả tốt nhất.
Kết quả nghiên cứu bước đầu khẳng định cá ngừ có thể thành thục sinh dục trong điều kiện nuôi nhốt mở ra một hướng mới cho nghiên cứu sinh học sinh sản và thử nghiệm sản xuất giống cá ngừ vây vàng tại Việt Nam. Việc Nghiên cứu đặc điểm sinh học phục vụ sinh sản nhân tạo sẽ góp phần chủ động nguồn giống cho phát triển nghề nuôi cá ngừ đại dương ở các vùng biển, đảo Việt Nam, góp phần chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp, tạo thêm đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, phát triển dịch vụ hậu cần cho nghề nuôi cá ngừ, giảm áp lực khai thác.
Đoàn Thu Hà – Đặng Minh Dũng