Đến tham dự và chỉ đạo Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Thị Xuân Thu – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, TS. Đỗ Trung Thoại – Phó chủ tịch thành phố Hải Phòng. Đến tham gia Hội thảo còn có đại diện Lãnh đạo và các chuyên viên thuộc Bộ NN&PTNT như: Vụ KHCN&MT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Chế biến, Thương mại, Nông lâm thủy sản và nghề muối, Tổng cục Thủy sản: Vụ KHCN&HTQT, Viện Kinh tế và Qui hoạch Thủy sản, Cục KT&BVNLTS, Cục Kiểm ngư, Vụ NTTS, Trung tâm thông tin Thủy sản và Tạp chí NN&PTNT. Ngoài ra, Hội thảo còn nhận được sự quan tâm, đến tham gia của đại diện Lãnh đạo và đông đảo các nhà khoa học thuộc Bộ KH&CN, Tổng cục Biển và Hải đảo, Chương trình KC.06, Chương trình biển KC.09 và các Sở NN&PTNT, các Chi cục KT&BVNLTS, các Sở KHCN của các tỉnh có biển, nhiều Viện nghiên cứu và một số Trường đại học trên toàn quốc, đặc biệt là sự tham gia của các chuyên gia và các nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực nghề cá biển.
I. Những kết quả chính của Hội thảo
- Tiểu Ban 1 “Nguồn lợi, Khai thác và Quản lý nghề cá”: Kết quả nghiên cứu tập trung vào các lĩnh vực: (1) Đánh giá trữ lượng và khả năng khai thác nguồn lợi hải sản ở biển Việt Nam (cá nổi lớn, cá nổi nhỏ, cá đáy…); Biến động năng xuất khai thác và phân bố nguồn lợi theo không gian và thời gian; Trứng cá – cá bột; tương quan giữa yếu tố Hải dương học và nghề cá…; (2) Khai thác và quản lý nghề cá bao gồm các báo cáo liên quan đến: điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền theo các vùng biển, tuyến biển dựa trên cơ sở nguồn lợi hải sản; biến động cường lực khai thác, công nghệ khai thác, kinh tế-xã hội nghề cá, chính sách và quản lý nghề cá…; (3) Dự báo ngư trường khai thác hải sản: đã đưa ra được qui trình công nghệ dự báo ngư trường khai thác hải sản cho một số loại nghề và một số đối tượng kinh tế chủ yếu ở vùng biển xa bờ, dự báo ngư trường khai thác hải sản ở qui mô ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
- Tiểu ban 2 “Công nghệ sinh học và Sau thu hoạch hải sản”: Kết quả nghiên cứu tập trung vào các lĩnh vực như: công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, chế biến sản phẩm GTGT, tách chiết các chất có hoạt tính sinh học, di truyền, môi trường trong chế biến thủy sản, thương mại thủy sản.
- Tiểu ban 3 “Môi trường và Nuôi trồng hải sản”: Kết quả nghiên cứu tập trung vào các lĩnh vực như: Công nghệ sản xuất giống (đã đưa ra được các qui trình công nghệ sản xuất giống các loài hải sản kinh tế như cá nác, trai tai tượng, bào ngư chín lỗ, cá song, cá giò….); Lĩnh vực xử lý và quản lý môi trường nuôi và sản xuất giống (tập trung đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố môi trường, thức ăn đến các giai đoạn ương nuôi ấu trùng). Ngoài ra, các nghiên cứu đã quan tâm đến lĩnh vực công nghệ nuôi thương phẩm, Quản lý môi trường và dịch bệnh thủy sản.
- Tiểu ban 4 “Đa dạng sinh học và Bảo tồn biển”: Những kết quả nghiên cứu đã bao phủ được hầu hết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực Đa dạng sinh học và bảo tồn biển, bao gồm: kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng và biến động đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái tiêu biểu (rạn san hô, rừng ngập mặn, rong biển, cỏ biển, vùng triều, đầm phá…); Đánh giá được trữ lượng và khả năng khai thác nguồn lợi cá rạn san hô, nhuyễn thể, động vật đáy; Cơ sở khoa học cho việc phân vùng, qui hoạch và quản lý các khu bảo tồn biển; Phục hồi các hệ sinh thái san hô và rừng ngập mặn; Nghiên cứu bảo tồn các đối tượng quí hiếm và một số nghiên cứu bước đầu đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hệ sinh thái rạn san hô và sinh kế bền vững của cộng đồng.
- Kết quả nghiên cứu về nghề cá biển trong 05 năm qua đã đạt được những bước tiến quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực: Đa dạng sinh học và bảo tồn biển, đánh giá nguồn lợi hải sản, công nghệ khai thác, công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch, môi trường, hải dương học nghề cá, nuôi trồng hải sản, chính sách và quản lý nghề cá… Những kết quả nghiên cứu đã cung cấp cơ sở khoa học rất cần thiết cho việc qui hoạch, quản lý nghề cá và đáp ứng mục tiêu phát triển sản xuất của ngành Thủy sản.
- Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, các nghiên cứu đến nay vẫn còn thiếu hệ thống, chưa liên tục, không đồng bộ về không gian và thời gian. Sự kết nối, hợp tác trao đổi thông tin và kết quả nghiên cứu giữa các đơn vị nghiên cứu còn hạn chế, đôi khi còn có sự trùng lặp. Giải pháp đưa ra còn mang tính tức thời, chưa giải quyết được các vấn đề một cách tổng thể, mang tính chiến lược lâu dài.
- Hiện nay vẫn chưa có tàu điều tra, nghiên cứu nghề cá biển nên nguồn số liệu và phương pháp chưa được đồng bộ. Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu nghề cá biển hàng năm còn khá hạn chế so với tiềm năng. Tiềm lực KHCN về biên chế, trang thiết bị và đầu tư cơ sở vật chất cho các Viện Nghiên cứu còn hạn chế. Chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất còn ít, hiệu quả tư vấn cho các cơ quan quản lý chưa nhiều, chưa đáp ứng kịp thời các yêu cầu thực tiễn của công tác quy hoạch, quản lý và phát triển nghề cá biển.
Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận rất sôi nổi và tâm huyết của đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý nghề cá biển, trong đó tập trung đề xuất một số ý kiến và định hướng nghiên cứu trong thời gian tới như sau:
1. Đối với lĩnh vực “Nguồn lợi, Khai thác và Quản lý nghề cá”:
- Nhà nước cần đầu tư 01 con tàu sử dụng cho việc điều tra, nghiên cứu nghề cá biển (công xuất máy khoảng 1.500 CV).
- Điều tra, giám sát hiện trạng, xu thế biến động nguồn lợi hải sản và nghề cá thường niên nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho việc quy hoạch, quản lý và phát triển bền vững.
- Nghiên cứu xây dựng dự báo ngư trường khai thác của các loại nghề chủ yếu và các nhóm loài hải sản có giá trị kinh tế cao, góp phần tăng hiệu quả sản xuất. Nghiên cứu xây dựng các mô hình quản lý nghề cá tiếp cận hệ sinh thái phụ vụ công tác quản lý nghề cá theo hướng thích ứng.
- Nghiên cứu đánh giá nghề cá (cơ cấu tàu thuyền, sản lượng khai thác, thời gian hoạt động, hiệu quả hoạt động,…), các mô hình kinh tế sinh học và kinh tế - xã hội nghề cá, quản lý nghề cá phục vụ mục đích tư vấn cho quy hoạch, quản lý và phát triển bền vững nguồn lợi, nghề cá.
- Nghiên cứu, cải tiến và ứng dụng các công nghệ khai thác mới, tiên tiến có hiệu quả và tính chọn lọc cao phục vụ phát triển nghề cá. Nghiên cứu, ứng dụng các ngư cụ chọn lọc cho một số loại nghề nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi.
2. Đối với lĩnh vực “Công nghệ sinh học và Sau thu hoạch hải sản”:
- Tập trung vào nghiên cứu, đề xuất giải pháp giảm thất thoát sau thu hoạch trên tàu khai thác hải sản xa bờ: nghiên cứu về công nghệ, thiết bị, quản lý, cơ chế chính sách.
- Nghiên cứu phát triển và đa dạng hóa sản phẩm giá trị gia tăng (GTGT) phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, nhất là các sản phẩm làm sẵn, ăn liền; sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước.
- Nghiên cứu chế biến các sản phẩm hữu ích từ phế liệu thủy sản (đầu, nội tạng, xương, vỏ tôm, cua, nhuyễn thể……). Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sinh học trong việc tách chiết các hợp chất từ sinh học biển phục vụ thực phẩm, y, dược…
- Ứng dụng công nghệ sinh học trong một số công đoạn chế biến thủy sản nhằm góp phầm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý nước thải chế biến thủy sản: Nghiên cứu sản xuất các chế phẩm sinh học để phân hủy nhanh hơn nước thải chế biến thủy sản phù hợp từng loại hình (nhất là nước thải cơ sở chế biến cá tra, surimi..) với giá thành hợp lý, thuận lợi trong sử dụng.
- Về thương mại thủy sản: Xây dựng và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại phù hợp với các chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu theo hướng tăng cường sự tham gia của các hiệp hội và doanh nghiệp. Tổ chức các hoạt động quảng cáo, truyền thông, tiếp thị, hướng dẫn sử dụng và sự hiểu biết đúng về thủy sản Việt Nam đến nhà phân phối lớn, hệ thống siêu thị, người tiêu dùng ngoài nước.
3. Đối với lĩnh vực “Môi trường và Nuôi trồng hải sản”:
- Cần đầu tư nghiên cứu sản xuất giống và trồng rong biển có giá trị kinh tế góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho những vùng thích hợp có tiềm năng phát triển nuôi trồng rong biển và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển.
- Tập trung nghiên cứu qui trình công nghệ sản xuất giống các đối tượng mới có giá trị kinh tế cao (cá biển, nhuyễn thể,…) nhằm đa dạng hóa các đối tượng nuôi và phát triển nghề nuôi biển.
- Nghiên cứu xây dựng và ứng dụng các qui trình công nghệ cao (nuôi công nghiệp,..) nuôi thương phẩm các đối tượng hải sản chủ lực, có giá trị kinh tế cao theo hướng hiệu quả và bền vững.
- Cần tập trung nghiên cứu chuyên sâu về mối liên hệ giữa các yếu tố môi trường, đối tượng nuôi và dịch bệnh thủy sản để có được cơ sở khoa học cho việc cảnh báo sớm về sự bùng phát dịch bệnh, sự cố môi trường vùng nuôi hải sản tập trung, phục vụ hiệu quả cho nghề nuôi trồng hải sản.
4. Đối với lĩnh vực “Đa dạng sinh học và Bảo tồn biển”:
- Cần xây dựng và triển khai chương trình ‘’Quan trắc, đánh giá thường niên biến động đa dạng sinh học tại một số hệ sinh thái điển hình ở vùng biển Việt
- Nhiều khu bảo tồn biển đã được thành lập và đi vào hoạt động, Tuy nhiên, cần có chương trình nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của công tác bảo tồn biển, trên cơ sở đó có những điều chỉnh phù hợp và hiệu quả cho hệ thống các KBTB ở Việt nam.
- Biến đổi khí hậu có tác động lớn đến sự thay đổi đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển. Vì vậy, cần có những định hướng nghiên cứu, đánh giá và mô hình dự báo tác động của BĐKH đến sự thay đổi đa dạng sinh học và các HST biển.
N.Q.H