Mặc dù rất năng động nhưng ngành hàng thuỷ sản vẫn mới chỉ dừng lại ở phân khúc sản xuất nguyên liệu và chế biến xuất khẩu sản phẩm thô. Những mắt xích có giá trị gia tăng cao vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài...

Trong chuỗi mắt xích tạo giá trị sản phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia ở những phân khúc có giá trị thấp. Chẳng hạn như các ngành dệt may hay da giầy, doanh nghiệp chủ yếu mới chỉ tham gia ở công đoạn gia công có giá trị gia tăng thấp. Các ngành hàng nông sản nói chung và thuỷ sản nói riêng có khá hơn, nhưng vẫn chưa tương xứng với vị thế của ngành hàng có nội lực.

Trong sản xuất hàng hoá có các phân khúc: Ý tưởng sản phẩm, sản xuất nguyên liệu, chế biến, xây dựng thương hiệu và phân phối sản phẩm.

Ngành thuỷ sản được xem là ngành hàng hội nhập thương trường quốc tế từ rất sớm, mang về nhiều ngoại tệ cho đất nước. Năm 2008, xuất khẩu thuỷ sản đạt 4,5 tỷ USD đứng trong top 5 ngành hàng có kinh ngạch xuất khẩu cao nhất. Từ đầu năm đến nay, trong khi xuất khẩu của nhiều ngành hàng khác gặp khó khăn thì các mặt hàng thuỷ sản vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt.

Nhưng đằng sau những thành tích ấy vẫn phải thừa nhận một thực tế, mặc dù rất năng động nhưng ngành hàng thuỷ sản vẫn mới chỉ dừng lại ở phân khúc sản xuất nguyên liệu và chế biến xuất khẩu sản phẩm thô. Trong chuỗi giá trị hàng thuỷ sản, ý tưởng sản phẩm, thương hiệu và phân phối, những mắt xích có giá trị gia tăng cao vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.

Ví như tôm sú - sản phẩm thế mạnh đóng góp trên dưới 50% giá trị xuất khẩu hàng năm của ngành thuỷ sản với thị trường chính là EU, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á… Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là tôm sơ chế. Sau đó các nhà nhập khẩu mới đóng gói, gắn mác của họ vào và bán cho người tiêu dùng với giá cao hơn hẳn. Cái tên của nhà chế biến xuất khẩu Việt Nam chỉ được in khiêm tốn trên bao bì, thậm chí ở mục địa chỉ theo quy định truy xuất nguồn gốc. Chẳng thế mà trong những cuộc họp bàn về xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại, nhiều người phải thừa nhận, người tiêu dùng nước ngoài khi ăn tôm sú Việt Nam những không hề biết đó là tôm Việt Nam.

Cá tra, ba sa thì khá hơn. Cái tên Pangasius đã được nhiều người biết đến sau vụ kiện thương hiệu cá da trơn hồi năm 2001 và vụ kiện bán phá giá vào thị trường Mỹ năm 2002. Thế nhưng dòng sản phẩm này cũng mới chỉ dừng lại ở xuất khẩu filê- sản phẩm sơ chế.

Mấy năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục của các thị trường mới ở Đông Âu. Thực ra nhu cầu tiêu thụ của thị trường này không nhiều đến vậy. Các nhà nhập khẩu Đông Âu nhập sản phẩm cá tra, ba ba sơ chế của nước ta để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng rồi xuất sang thị trường nội khối.

Tại sao các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản của ta không làm được như vậy? Tức là chế biến sâu rồi mới bán cho người tiêu dùng? Câu trả lời là các doanh nghiệp của ta chưa hiểu rõ “gu” ẩm thực của người tiêu dùng ở từng thị trường và chưa tiếp cận được với hệ thống bán lẻ.

Thực ra ít có quốc gia nào nắm trọn vẹn cả chuỗi giá trị hàng hóa, từ ý tưởng cho đến khâu phân phối một dòng sản phẩm nào đó. Khuynh hướng này ngày càng phổ biến trong bối cảnh thị trường ngày càng mở.

Hệ thống phân phối gần như là độc quyền của các quốc gia phát triển với kiến thức, kinh nghiệm tích lũy và thương hiệu được tạo dựng cả vài thập kỷ. Và khi mà chúng ta đang phải cạnh tranh để giữ thị phần bán lẻ ngay tại sân nhà thì khó mà nói đến chuyện mở một kênh phân phối của mình ở nước ngoài.

Nhưng còn mắt xích ý tưởng sản phẩm và xây dựng thương hiệu thì không phải là không khả thi. Muốn có ý tưởng sản phẩm thì phải am hiểu thị trường. Bộ Thương mại đã có cả một chương trình xúc tiến thương mại, trong đó các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản tham gia khá tích cực.

Hiện nay, hàng thủy sản Việt Nam đã có mặt ở trên 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Để hiểu được “gu” ẩm thực của từng thị trường hàng thủy sản Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã lên kế hoạch ưu tiên xây dựng thương hiệu cá ngừ đại dương, tôm sú và cá ba sa.

Tuy nhiên, thương hiệu không đơn giản là một logo. Đó là kết quả tích hợp từ uy tín của doanh nghiệp trong khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn, khả năng vận hành của hệ thống đảm bảo sản phẩm luôn tốt, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, các yêu cầu bảo vệ môi trường, điều kiện lao động và văn hóa ẩm thực quốc gia. Với những yêu cầu ấy thì có thể thấy xây dựng thương hiệu cho hàng thủy sản Việt Nam vẫn còn là câu chuyện dài.

Và cũng còn một câu hỏi nữa được đặt ra. Tại sao có rất nhiều món hải sản Nhật Bản như su-si, Su-si-mi, đã được quốc tế hóa mà chúng ta thì không có?

Đã từng có một gợi ý: nếu như Thụy Sĩ được biết đến như một quốc gia của các nhà băng, Nhật Bản với hàng điện tử, Trung Quốc như một công xưởng thì Việt Nam tại sao không phải là một nhà bếp của thế giới!

Trong cuộc cạnh tranh sống còn trên thương trường, hướng trở thành bếp ăn của thế giới không phải là một gợi ý cho vui. Và nếu như đó là một ý tưởng nghiêm túc thì chắc chắn hàng thủy sản Việt Nam sẽ có vị trí xứng đáng./.

Đặng Quang Thương (Nguồn Đài tiếng nói Việt Nam, vietlinh)