Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu thủy sản của nước ta gặp nhiều khó khăn và có sự đảo chiều về cơ cấu thị phần. Một số thị trường xuất khẩu thủy sản chủ lực có nguy cơ bị mất do một số lô hàng thủy sản bị phát hiện nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh bị cấm. Thực trạng này rất cần Bộ Thủy sản thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn để chủ động đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của các thị trường xuất khẩu thủy sản.
Rào cản về VSATTP
Tại các thị trường xuất khẩu thủy sản chủ lực như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ và cả thị trường truyền thống như Nga đã dựng lên các rào cản về VSATTP đối với hàng thủy sản nhập khẩu. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản nước ta vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn về VSATTP của các thị trường này. Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hữu Dũng, đến cuối tháng 6, nước ta đã xuất khẩu sang Nhật Bản khoảng 6.000 lô hàng thủy sản, nhưng có đến 94 lô bị phát hiện dư lượng kháng sinh cấm (chiếm tỷ lệ 1,6%). Các mặt hàng bị nhiễm như: Seafoodmix (29 lô), tôm PUD (22 lô), tôm tẩm bột (11 lô), mực khô (3 lô), mực sushi (3 lô), v.v. Các hóa chất, kháng sinh bị phát hiện trong hàng thủy sản xuất khẩu như Chloramphenicol (CAP) có 55 lô, AOZ (17 lô), SEM (6 lô)... Gần đây nhất, cơ quan chức năng của Nhật Bản đã cảnh báo 14 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nước ta có lô hàng thủy sản nhiễm chất kháng sinh cấm. Ðiều này dẫn đến Nhật Bản áp dụng việc kiểm tra tất cả các lô hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam. Tại thị trường Nga, chỉ có các doanh nghiệp được Cục Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS) chấp thuận về điều kiện ATVSTP mới được cấp phép xuất khẩu thủy sản vào thị trường này.
Tiến sĩ Ngô Anh Tuấn, Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính (Bộ Thủy sản) cho biết, cơ cấu về thị trường xuất khẩu thủy sản trong sáu tháng đầu năm nay có sự đảo chiều. Nếu như năm 2006, Nhật Bản vươn lên vị trí số một về thị phần xuất khẩu thủy sản với kim ngạch xuất khẩu 800 triệu USD (chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu), tiếp đến là EU, Hoa Kỳ, nhưng trong sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản lại tụt dốc (chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu). Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu chính ngạch hơn 338 nghìn tấn thủy sản, với kim ngạch xuất khẩu hơn 1,3 tỷ USD; trong đó, tôm đông lạnh chiếm hơn 44 nghìn tấn (giá trị xuất khẩu hơn 443 triệu USD), cá da trơn hơn 141 nghìn tấn (hơn 370 triệu USD). Do gặp khó khăn về hàng rào VSATTP, cho nên tổng sản lượng thủy sản xuất khẩu sang Nhật Bản chỉ đạt hơn 39 nghìn tấn (giảm gần 8% so cùng kỳ năm trước), kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 240 triệu USD (giảm gần 10% so cùng kỳ năm trước).
Những yếu kém
Theo Cục trưởng Quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản (NAFIQAVED) Nguyễn Tử Cương, danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản bị phát hiện nhiễm chất kháng sinh trong các lô hàng thủy sản ngày một dài ra. Một số lô hàng thủy sản bị trả về, nhưng một số doanh nghiệp vì lợi nhuận đã không xử lý triệt để. Ðiều này ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của hàng thủy sản Việt Nam. Không giống với các thị trường như EU, Hàn Quốc, việc kiểm tra chất lượng các lô hàng thủy sản trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản trước đây là không bắt buộc. Việc kiểm tra chất kháng sinh, hóa chất cấm chỉ xảy ra khi doanh nghiệp có yêu cầu và doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu.
Khi đề cập về chi phí kiểm tra VSATTP đối với các lô hàng thủy sản xuất khẩu, một số doanh nghiệp chế biến thủy sản cho rằng mức chi phí này là quá lớn. Tổng giám đốc Công ty TNHH Kim Anh Ðỗ Ngọc Quý cho biết, hiện nay lợi nhuận từ một lô tôm xuất khẩu ngày càng giảm, cùng lắm chỉ được 2%, vì giá nguyên liệu ngày càng cao nhưng giá hàng thủy sản không tăng. Trong khi đó, chi phí kiểm tra hàng thủy sản xuất khẩu tăng rất cao. Chỉ riêng chi phí kiểm tra của công ty trả cho NAFIQAVED một năm khoảng 3,6 tỷ đồng.
Cho đến nay, tôm sú và cá da trơn là hai sản phẩm xuất khẩu thủy sản chủ lực của nước ta. Nhưng trong những năm qua, đã xuất hiện quá nhiều khó khăn đối với các sản phẩm thủy sản này. Cá da trơn gặp rào cản về thương mại khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, tôm sú thì gặp rào cản về VSATTP khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất nước ta, hiện xuất hiện nhiều bất ổn. Ðó là tình trạng phát triển nuôi tôm, cá da trơn không theo quy hoạch. Tình trạng tôm, cá chết có chiều hướng ngày càng tăng do chất lượng con giống chưa bảo đảm, môi trường ao nuôi bị ô nhiễm. Theo Quyền Vụ trưởng nuôi trồng thủy sản (Bộ Thủy sản) Vũ Dũng, việc sử dụng thức ăn, thuốc thú y thủy sản hiện khó kiểm soát. Người dân một phần do ý thức, một phần thiếu hiểu biết nên đã sử dụng thức ăn, thuốc thú y có nhiễm chất kháng sinh, nhưng tỷ lệ này rất ít, vì diện tích nuôi tôm công nghiệp hiện nay chưa đến 10% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước. Người dân chủ yếu nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến.
Trong những năm qua, có lúc, có nơi có tình trạng bơm, chích tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù Bộ Thủy sản và các địa phương có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng hiện tượng này vẫn xảy ra, nhất là vào các tháng đầu năm, thời điểm thiếu nguyên liệu chế biến. Một số doanh nghiệp tranh mua tôm nguyên liệu để bảo đảm nguyên liệu chế biến. Một số doanh nghiệp do thiếu hiểu biết đã sử dụng hóa chất, kháng sinh bị cấm để vệ sinh, sát trùng chân tay, bảo hộ lao động.
Giải pháp nào?
Thứ trưởng Thủy sản Lương Lê Phương cho rằng, nước ta vừa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì vấn đề cạnh tranh sẽ rất quyết liệt. Ðể bảo hộ sản xuất trong nước, các nước sẽ dựng lên rất nhiều rào cản, đặc biệt là rào cản về thương mại và rào cản về VSATTP. Vì vậy, để nâng cao sức cạnh tranh, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, ngành thủy sản cần tổ chức lại sản xuất, đáp ứng tốt yêu cầu của các thị trường xuất khẩu thủy sản. Trước thực trạng khó khăn về thị trường xuất khẩu thủy sản như hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Thủy sản cùng với NAFIQAVED, VASEP và gần 100 doanh nghiệp chế biến thủy sản vừa bàn biện pháp tháo gỡ vướng mắc, giữ vững thị trường xuất khẩu thủy sản chủ lực. NAFIQAVED, VASEP và các hội viên đều thống nhất kiên quyết loại bỏ các lô hàng thủy sản có dư lượng kháng sinh, hóa chất bị cấm; làm rõ doanh nghiệp nào làm tốt, làm xấu để có chính sách khen thưởng và xử lý kịp thời. Tới đây, NAFIQAVED sẽ sang làm việc với cơ quan chức năng của Nhật Bản, Nga cùng tháo gỡ những vướng mắc về xuất khẩu thủy sản.
Theo Thứ trưởng Lương Lê Phương, Bộ Thủy sản vẫn xác định Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ là những thị trường xuất khẩu thủy sản chủ lực của nước ta và bằng mọi cách phải giữ vững. Ðể làm được điều này, cần có sự liên kết ngang (doanh nghiệp chế biến - người nuôi thủy sản), liên kết dọc (nuôi trồng, thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản). Sự liên kết chặt chẽ này sẽ tạo ra các sản phẩm thủy sản sạch, giúp việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản "từ ao nuôi đến bàn ăn" dễ dàng hơn. Cục trưởng NAFIQAVED Nguyễn Tử Cương cho biết, trong những năm qua, ngành thủy sản đã triển khai, nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản sạch tại Bình Ðại (Bến Tre), Cam Lập (Khánh Hòa), Công ty Quốc Việt (Cà Mau), Vĩnh Hậu (Bạc Liêu), Công ty Vĩnh Thuận (Sóc Trăng), Công ty XNK lâm, thủy sản Bến Tre, Công ty Hùng Vương (Tiền Giang), Công ty Agifish (An Giang). Tại các vùng nuôi này, tôm sú, cá da trơn được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất con giống, thả nuôi, thức ăn, thuốc thú y đến thu hoạch, bảo quản, chế biến xuất khẩu. Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng đã công bố tình trạng khẩn cấp đối với việc xuất khẩu thủy sản vào Nhật Bản, kiến nghị Chính phủ, Bộ Thủy sản tăng cường biện pháp giám sát việc nhập khẩu, lưu thông, sử dụng kháng sinh cấm trên thị trường; tích cực kiểm tra tàu cá, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức cố tình sử dụng kháng sinh cấm trên thủy sản.
NAFIQAVED cần cập nhật và phổ biến kịp thời đến các doanh nghiệp chế biến thủy sản quy định mới của các thị trường xuất khẩu thủy sản; cần có cơ chế, quy trình kiểm tra chặt chẽ hơn đối với các lô hàng thủy sản trước khi xuất khẩu; kiên quyết loại bỏ các doanh nghiệp vi phạm quy định về VSATTP. Các doanh nghiệp chế biến cần đẩy mạnh đầu tư vùng nguyên liệu, liên kết với người nuôi để bảo đảm nguồn nguyên liệu sạch phục vụ chế biến. Nhà nước và các địa phương cần có cơ chế, chính sách để người dân, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng nuôi thủy sản tập trung có sự quản lý chặt chẽ theo mô hình quản lý cộng đồng từ sản xuất con giống, nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến, xuất khẩu thủy sản. Bộ Thủy sản cần có những giải pháp kịp thời và quyết liệt hơn để nâng cao chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu, giữ vững thị trường xuất khẩu thủy sản.
Theo ND, khahoc.com.vn