Từ ngày 10 đến 18-4-2011, bà Trần Thị Thu Nga - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá Bến Tre đã cùng đoàn công tác gồm đại diện Tổng cục Thủy sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFISH), Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên Việt Nam (WWF Việt Nam) đã có chuyến làm việc tại Thụy Sĩ, Hà Lan, Cộng hòa Liên bang Đức để tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu cá tra Việt Nam. Vừa từ châu Âu trở về, bà Nga đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi như sau:
Bà có thể cho biết một vài hoạt động của đoàn Việt Nam trong chuyến đi châu Âu vừa qua?
- Đoàn có hai ngày làm việc với đại diện WWF quốc tế, đại diện WWF Thụy Sĩ, đại diện WWF Cộng hòa Liên bang Đức và đại diện WWF Mỹ thông qua giao lưu trực tuyến. Cuộc họp đã tập trung tìm hiểu quan điểm, hoạt động của WWF đến phát triển bền vững, quan hệ giữa chứng chỉ và thương mại thủy sản, sơ kết hoạt động trong 4 tháng qua sau khi ký biên bản ghi nhớ (4 bên ký tháng 12-2010 tại Hà Nội) và xây dựng kế hoạch hợp tác thực hiện trong thời gian tới. Tại Văn phòng ASC (Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản) ở Ultrech (Hà Lan), đoàn đã làm việc với ban cố vấn của ASC và tiếp xúc với đại diện một số nhà nhập khẩu cá tra để tìm hiểu về cơ cấu tổ chức của ASC, tiêu chuẩn ASC về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tiêu chuẩn ASC cá tra, sự khác biệt tiêu chuẩn ASC và GlobalGAP, nhu cầu chứng nhận ASC trên thị trường thủy sản thế giới, kế hoạch triển khai ASC cá tra tại Việt Nam. Tại văn phòng GlobalGAP ở Cologne (Cộng hòa Liên bang Đức), đoàn đã làm việc với đại diện GlobalGAP về cơ cấu tổ chức GlobalGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, sự khác biệt giữa GlobalGAP và ASC, hiện trạng cấp chứng chỉ GlobalGAP tại Việt Nam, khả năng hợp tác giữa GlobalGAP và Việt Nam trong việc nâng cao năng lực thực hiện GAP tại Việt Nam, khả năng chuyển dịch tới công nhận ViệtGAP của hệ thống GlobalGAP trong nuôi trồng thủy sản.
Bà có nhận xét gì về các tiêu chuẩn sản phẩm thủy sản mà phía đối tác yêu cầu?
- Sản phẩm nuôi trồng thủy sản phải được sản xuất an toàn vệ sinh cho người tiêu dùng là yêu cầu bắt buộc (Hiệp định WTO). Tuy vậy, ngày càng có nhiều người tiêu dùng, đặc biệt thị trường châu Âu và Bắc Mỹ đòi hỏi sản phẩm thủy sản được sản xuất không chỉ an toàn vệ sinh cho người tiêu dùng mà còn phải bảo vệ môi trường sinh thái và quan tâm đến các phúc lợi xã hội của cộng đồng. Nếu chứng chỉ HACCP chỉ quan tâm đến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thì các chứng chỉ GlobalGAP và ASC ngoài quan tâm đến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm còn chú ý tới ảnh hưởng của sản xuất đến môi trường và xã hội. Đó là các chứng chỉ chứng nhận sản phẩm được sản xuất bền vững. Tuy nhiên, mức độ quan tâm đến khía cạnh ảnh hưởng môi trường và xã hội của ASC chi tiết và khắt khe hơn so với GlobalGAP. Trong nhiều năm qua, các hoạt động chủ yếu của WWF liên quan trực tiếp đến bảo tồn thiên nhiên. Trong thời gian gần đây, ngoài các hoạt động liên quan trực tiếp bảo tồn thiên nhiên, WWF hỗ trợ việc xây dựng các chứng chỉ sản xuất bền vững như MSC (cho các sản phẩm khai thác tự nhiên từ biển) và gần đây là ASC (cho các sản phẩm thủy sản nuôi trồng) coi như công cụ gián tiếp nhằm để tác động bảo vệ môi trường thiên nhiên. Để các chứng chỉ này đi vào cuộc sống, WWF thường có các chiến lược truyền thông với người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu, phân phối sản phẩm thủy sản về phát triển bền vững và sự cần thiết của các chứng chỉ phát triển bền vững. GlobalGAP là chứng chỉ có uy tín, hệ thống tổ chức cấp chứng chỉ quy củ, đến nay đã cấp 36 chứng chỉ GlobalGAP cho tôm sú và cá tra ở Việt Nam. Tuy nhiên, ASC được WWF và IDH (Tổ chức Phát triển bền vững Hà Lan) ủng hộ việc xây dựng và đưa vào thực hiện. Cá tra Việt Nam chiếm tới 96% thị phần thế giới, tốc độ tăng trưởng nhanh trong 10 năm qua, với đặc trưng này WWF và ASC đã chọn cá tra là điểm khởi đầu triển khai công cụ chứng chỉ bền vững.
Sau chuyến đi, Việt Nam đã thỏa thuận được những gì thưa bà?
- WWF sau khi dỡ bỏ màu đỏ của cá tra trong cẩm nang hướng dẫn người tiêu dùng cũng chịu sức ép của dư luận châu Âu. Để duy trì cá tra ở danh mục hướng tới phát triển bền vững, WWF cần các dẫn liệu, thông tin chứng tỏ nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển sản xuất cá tra hướng đến bền vững. Việt Nam sẽ cung cấp cho WWF những thông tin liên quan để WWF bảo vệ trước dư luận châu Âu, đặc biệt vào cuối năm khi xem xét cẩm nang Hướng dẫn người tiêu dùng thủy sản 2012. WWF Quốc tế, WWF Việt Nam và VASEP, VINAFISH nhất trí ký biên bản thỏa thuận hợp tác và phân công nhiệm vụ để ngày 27-6-2011 sẽ tổ chức hội thảo tại TP. Hồ Chí Minh về cá tra, bao gồm các nội dung: Giới thiệu chiến lược của WWF về phát triển bền vững, chứng chỉ ASC và yêu cầu thị trường, tìm hiểu quan tâm của các nhà sản xuất cá tra Việt Nam đến áp dụng chứng chỉ ASC. Sau hội nghị, dựa trên việc xác định được các nhà sản xuất cá tra Việt Nam đăng ký thực hiện ASC, WWF và các bên Việt Nam sẽ triển khai các hoạt động áp dụng ASC, bao gồm tập huấn, hỗ trợ thực hiện tại cơ sở sản xuất. GlobalGAP đồng ý hợp tác, hỗ trợ Tổng cục Thủy sản về 2 nội dung chính như nâng cao năng lực ứng dụng và chứng nhận GAP trong nuôi trồng thủy sản, thực hiện chuyển dịch, công nhận ViệtGAP với GlobalGAP. Hai bên đồng ý sẽ cùng nhau thảo luận chi tiết về hai nội dung trên để có thể ký được MOU. Về nâng cao năng lực, GlobalGAP đồng ý ngay từ tháng 5-2011 nhận 1 cán bộ Việt Nam sang GlobalGAP trong thời gian 1 tháng để nâng cao trình độ về tổ chức ứng dụng và chứng nhận GAP. GlobalGAP đồng ý sẽ cử chuyên gia sang đào tạo tại chỗ cho Việt Nam về ứng dụng và chứng nhận GAP. Để triển khai GlobalGAP thích hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, GlobalGAP và Tổng Cục Thủy sản đồng ý hình thành nhóm kỹ thuật quốc gia. Năng lực ứng dụng và chứng nhận GAP của Việt Nam còn rất hạn chế, hợp tác với GlobalGAP sẽ giúp nâng cao năng lực ứng dụng và chứng nhận GAP ở Việt Nam, đặc biệt hướng tới đưa ViệtGAP vào hệ thống được GlobalGAP công nhận.
Từ thực tế yêu cầu đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng cá tra ở châu Âu, bà có muốn nói điều gì với người nuôi ở Bến Tre?
- Tôi cho rằng người nuôi thủy sản Bến Tre cần quan tâm đặc biệt hơn đối với tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, bởi đây là vấn đề không chỉ các nhà cung cấp mà cả người tiêu dùng chú trọng. Người nuôi, các nhà máy chế biến thủy sản trong tỉnh tùy theo thực tế của đơn vị nên chọn chứng nhận nào cho phù hợp nhưng việc áp dụng GlobalGAP là không thể thiếu được bởi chứng chỉ này có uy tín trong nhiều năm qua đối với thủy sản Việt Nam.
Hữu Hiệp