Vừa qua, trong đợt kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm hàng thủy sản tại chợ đầu mối Bình Điền, Chi cục Quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM đã phát hiện: có tới 54% số mẫu thủy sản được xét nghiệm bị nhiễm phẩm urê và nhiễm kháng sinh có khả năng gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng.
Điều đáng nói là, việc quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mặt hàng này lại nằm ngoài tầm với của các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tại địa phương.
Chợ Bình Điền là chợ đầu mối cung cấp hơn 90% lượng thủy sản tiêu thụ tại TP.HCM hàng ngày. Khu chợ được quy hoạch nằm cách trung tâm TP.HCM vài chục phút chạy xe gắn máy. Trung bình mỗi đêm có tới gần 300 tấn hải sản và 150 tấn cá, tôm nước ngọt được trung chuyển từ đây về 300 chợ bán lẻ lớn nhỏ nằm trên địa bàn 23 quận, huyện của thành phố. Có một thực tế đáng lo ngại là hầu hết các chủ vựa ở đây hoàn toàn chưa quan tâm đến đến nguồn gốc các loại thủy sản mà họ nhập vào và bán ra mỗi đêm.
Anh Trương Anh Tuấn, một chủ hàng tại chợ Bình Điền cho biết: "Hàng thủy sản ở đây chủ yếu nhập từ các tỉnh miền Tây như Cà Mau, Vũng Tàu và một số tỉnh miền Trung từ Quảng Ngãi trở vào. Chúng tôi tìm nguồn hàng thông qua môi giới, giới thiệu, chỉ làm việc qua điện thoại là chủ yếu. Lâu lâu chủ hàng mới vô nên chỉ biết mặt tôi chỉ biết mặt chứ không biết địa chỉ của họ ở tỉnh".
Theo kết luận của Chi cục quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM, có tới 18% mẫu cá, tôm nuôi trồng bị nhiễm kháng sinh có khả năng gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Trên 38% mẫu cá, mực khai thác từ biển bị nhiễm phân urê trong tổng số 110 mẫu thủy sản được lấy mẫu xét nghiệm tại chợ Bình Điền. Chi cục quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM cũng khẳng định: Thực tế, thủy sản đã bị nhiễm kháng sinh từ khâu nuôi trồng, còn phân urê hiện được sử dụng phổ biến trong việc bảo quản hải sản trên các tàu đánh bắt.
Ông Đặng Ái Việt, Chi cục trưởng Chi cục quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM cho biết: "Qua kiểm tra chợ Bình Điền, Chi cục chủ yếu phát hiện các loại sản phẩm thủy sản tẩm ướp bằng phân urê. Trước đây, các chủ tàu chủ yếu dùng đá để bảo quản thuỷ sản thì nay đã được thay thế bằng phân urê để giảm giá thành".
Hiện tại, giải pháp lập chốt kiểm tra hàng thủy sản trước khi nhập vào chợ là không khả thi vì thời gian xét nghiệm kéo dài, khi có kết quả thì thủy sản đã được trung chuyển, tiêu thụ hết từ nhiều ngày trước. Trong khi đó, việc phối hợp với các địa phương để kiểm soát chất lượng thủy sản ngay từ gốc lại rất hạn chế. Và như vậy, người tiêu dùng vẫn buộc phải tiếp tục chấp nhận thực tế không biết đâu mà lần như hiện nay.