Trường Đại học Nha Trang (Khánh Hòa)vừa thiết kế chế tạo thành công thiết bị sản xuất Chitin - Chitozan từ phế liệu sản phẩm thuỷ sản. Công trình được thực hiện trong hai năm (2004 – 2006) với mục tiêu giúp các doanh nghiệp đang sản xuất Chitin-Chitozan bằng thủ công chuyển sang sản xuất theo quy trình hiện đại, qua đó tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời giảm độc hại và cường độ lao động nặng nhọc cho người lao động.

Sau khi các loại vỏ tôm, cua, ghẹ được đưa vào ép khô, cắt nhỏ chuyển vào thùng quay của thiết bị trên (bao gồm 11 bộ phận). Tại đây, chúng được đảo, rửa trong dung dịch hoá chất và ly tâm khô, sau đó chiết xuất ra chất Chitin-Chitozan. Với công suất 100 kg/mẻ/4 tiếng đồng hồ, thiết bị sản xuất Chitin-Chitozan giải quyết được lượng lớn vỏ tôm, cua, ghẹ thải ra từ hoạt động chế biến của các nhà máy đông lạnh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ công nghiệp chế biến thuỷ sản.

Việc chế tạo thành công thiết bị trên của Trường đại học Nha Trang góp phần cơ giới hoá - hiện đại hoá trong lĩnh vực chiết xuất Chitin-Chitozan./

Nguồn www.ficen.org.vn