Bức thư của đích thân Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam gửi Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Tạ Quang Ngọc, trong đó nhấn mạnh khả năng hàng thủy sản Việt Nam có thể bị cấm nhập khẩu vào Nhật. Điều đó buộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) phải kiến nghị áp dụng những biện pháp mạnh xử phạt các doanh nghiệp (DN) vi phạm.
Cuộc họp khẩn cấp do VASEP và Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thúy y Thuỷ sản (Nafiqaved) tổ chức hôm 3/7 tại TP.HCM, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Lương Lê Phương, đã cho thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc.
Ngưng cấp phép xuất sang Nhật với DN vi phạm
Sau cuộc họp, Chủ tịch VASEP Trần Thiện Hải ngay lập tức gửi thông báo tới Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản công bố tình trạng khẩn cấp đối với việc kiểm soát dư lượng kháng sinh trong xuất khẩu thủy sản sang Nhật.
Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Bộ Thuỷ sản chỉ đạo Nafiqaved tiến hành kiểm soát dư lượng chloramphenicol và dẫn xuất AOZ đối với tất cả các lô hàng xuất khẩu vào Nhật của các DN chưa kiểm soát được tốt tình hình.
Song song đó, đề nghị tạm ngưng cấp phép xuất khẩu với DN có nhiều lô hàng liên tiếp bị phát hiện nhiễm kháng sinh tại thị trường này trong vòng 1-6 tháng, tuỳ theo mức độ nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp trên tự nó không giải quyết triệt để tình hình nhiễm dư lượng kháng sinh. Để có thể giữ được thị trường Nhật Bản, cần tăng cường kiểm tra dư lượng kháng sinh bị cấm trong nguyên liệu thuỷ sản, như kiểm tra các lô hàng do những DN thương mại (không có nhà máy chế biến) đứng tên xuất khẩu, để xác định rõ trách nhiệm của những cơ sở trực tiếp chế biến và cung ứng các lô hàng đó.
Ngoài ra, cần tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt đối với chủ tàu, người nuôi, đại lý thu mua, đại lý bán hoá chất, thuốc thú y, các cơ sở chế biến thức ăn. Kiên quyết xử lý các cá nhân và cơ sở cố tình sử dụng kháng sinh cấm; thu hồi giấy phép hành nghề cho các cơ sở không đảm bảo VSATTP.
Theo VASEP, đến cuối 5/2007, Việt Nam đã xuất khẩu sang Nhật 39.090 tấn sản phẩm, trị giá 240 triệu USD. 6 tháng đầu năm, có khoảng 6.000 lô hàng thuỷ sản Việt Nam sang Nhật, trong đó đã có 94 lô bị phía Nhật cảnh báo, chiếm tỷ lệ 1,6%.
Tôm là sản phẩm chủ yếu bị phát hiện có dư lượng cấm, tổng số lên tới 54 lô; seafoodmix 29 lô; chả giò 6 lô; và mực 6 lô. Các sản phẩm này chủ yếu nhiễm chloramphenicol (55 lô) và các dẫn xuất của nitrofurans (23 lô, trong đó AOZ 17 lô, SEM 6 lô). Đã có 48 DN có lô hàng bị Nhật cảnh báo, trong đó có 2 công ty bị phát hiện trên 4 lô, 10 công ty 3 lô, 13 công ty 2 lô và 23 công ty có 1 lô bị cảnh báo.
"Năm ngoái, giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản vào Nhật Bản đạt trên 1 tỷ USD. Nếu thị trường này cấm cửa, thuỷ sản Việt Nam sẽ gặp thảm họa", VASEP cảnh báo.
Kiểm soát chặt 100% nguyên liệu nhập vào
Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã có lệnh kiểm 100% các lô hàng thủy sản nuôi của Trung Quốc. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho hàng thuỷ sản Việt Nam
Các nhà nhập khẩu có thể gây sức ép về giá, chất lượng với hàng từ Việt Nam nếu không xử lý tốt việc hàng thuỷ sản bị phát hiện nhiễm kháng sinh ở Nhật. Làm tốt việc này, DN sẽ có nhiều cơ hội hơn tại thị trường Mỹ khi thị trường này thiếu hụt nguồn cung từ Trung Quốc.
Song, đối với thuỷ sản từ Trung Quốc, ông Nguyễn Tử Cương, Cục trưởng Nafiqaved cho biết, cơ quan này sẽ kiểm soát chặt chẽ 100% chất lượng nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên, lượng nguyên liệu thuỷ sản từ thị trường này vào Việt Nam có nhưng rất ít, không đáng kể. Sản phẩm chủ yếu nhập về là tôm thẻ chân trắng.
Theo VietNam.Net, 05/07/2007