Nếu chúng ta không có những biện pháp giảm thiểu dư lượng kháng sinh, hóa chất cấm thì thủy sản đứng trước nguy cơ mất thị trường
Tình trạng hàng thuỷ sản xuất khẩu nhiễm dư lượng kháng sinh là vấn đề đau đầu của các nhà quản lý nhất là những doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (VASEP), Nhật Bản đang có những biện pháp mạnh, đe dọa sẽ cấm nhập khẩu hoàn toàn hàng thủy sản công nghiệp nếu việc nhiễm dư lượng kháng sinh hóa chất không được cải thiện. Còn phía Nga sẽ thực hiện kiểm tra 24 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào thị trường này. Việt Nam> mới thâm nhập thị trường Nga ba năm nhưng trong năm 2006, tốc độ xuất khẩu tăng 16 lần so với năm 2005. Nga trở thành thị trường chiếm 11,2% trong tổng kim ngạch 661 triệu USD từ xuất khẩu cá ba sa, cá tra của Việt Nam. Trong điều kiện cạnh tranh bằng uy tín như hiện nay, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không có những biện pháp giảm thiểu dư lượng kháng sinh, hóa chất cấm thì thủy sản đứng trước nguy cơ mất thị trường.
Việc cấm sử dụng dư lượng kháng sinh trong thủy sản xuất khẩu không phải là mới với Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới.
Để có nguồn nguyên liệu sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu đòi hỏi phải có một qui trình khép kín từ khâu chọn giống, lựa chọn thức ăn cho nuôi trồng, bảo quản, chế biến…
TS Nguyễn Công Dân-Vụ Phó Vụ nuôi trồng thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Nuôi trồng thuỷ sản hiện nay phải hướng đến mục tiêu bền vững, bao gồm cả mặt kinh tế-xã hội, làm cho mọi bộ phận người nuôi trồng hưởng lợi như nhau. Nhiều khi bộ phận dân cư này hưởng lợi nhưng lại để hậu quả cho bộ phận dân cư khác. Phát triển nuôi trồng thuỷ sản thân thiện với môi trường mới là khó. Nếu giải quyết ổn thoả vấn đề môi trường tức là đã giải quyết được một phần rất lớn bài toán về vệ sinh an toàn thuỷ sản”. Khoa học công nghệ phát triển tạo điều kiện cho người ta nuôi trồng thủy sản quy mô lớn.
Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam nuôi trồng thuỷ sản chưa được qui hoạch tập trung, nước thải trong nuôi trồng phần lớn xả thẳng ra môi trường ảnh hưởng đến môi trường nuôi xung quanh và qui trình nuôi kế tiếp. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Việt Thắng cho rằng: “Vấn đề đặt ra là quản lý sản xuất thuỷ sản và thực hành nuôi tốt, nuôi có trách nhiệm, đảm bảo vệ sinh, an toàn sinh thái, nuôi trồng thuỷ sản gắn với môi trường thân thiện”.
Để có được thuỷ sản sạch xuất khẩu, Bộ Thủy sản (cũ) đã quyết định cấm các doanh nghiệp có từ 2 đến 4 lô hàng bị cảnh báo sẽ không được phép xuất khẩu. Chỉ những doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn bảo đảm an toàn thực phẩm của Trung tâm vệ sinh an toàn thực phẩm và thú y thuỷ sản (NAFIQUAVED) mới được phép xuất khẩu thủy sản vào Nhật Bản. Mới đây nhất, ngày 4/8, NAFIQUAVED còn lên danh sách 71 doanh nghiệp không thuộc diện bắt buộc kiểm tra được phép xuất khẩu sang Nhật Bản. Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng cũng khẳng định: “Hiện nay chúng tôi tập trung vào quản lý truy suất nguồn gốc thuỷ sản, các sản phẩm dần dần phải cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá. Nếu sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì sẽ không được thị trường thế giới và trong nước chấp nhận”.
Nắm bắt được cơ hội đầu tư cho một nền thuỷ sản sạch, Tập đoàn thức ăn thuỷ sản Uni President đã hướng tới một qui trình khép kín, cung cấp cho thị trường từ con giống đến thức ăn. Tham vọng của Uni Presiden là cung cấp sản phẩm an toàn tới toàn thế giới theo chương trình “Truy xuất nguồn gốc”. Ông Brian C.P Hsieh-Phó Giám đốc Uni President khẳng định: “Chúng tôi sử dụng nguồn nguyên liệu phù hợp với vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó thành phần bột cá là quan trọng nhất. Chúng tôi nhập nguyên liệu này từ những nơi có uy tín như Chilê. Bên cạnh đó, chúng tôi còn quản lý chất lượng bằng hệ thống ISO và HACCP. Giá thành sản phẩm của chúng tôi so với cùng chủng loại có thể cao hơn 3-5% nhưng chất lượng được khẳng định bằng việc nhiều bà con nông dân nuôi tôm trong cả nước tin dùng. Vì khi sử dụng sản phẩm chất lượng cao thì hiệu quả, thành công cao và tỷ lệ rủi ro sẽ giảm xuống và có lãi suất cao hơn khi sử dụng các sản phẩm khác”.
Thông lệ hàng năm, bắt đầu vào cuối tháng 8, đầu tháng 9, xuất khẩu thủy sản chuyển động mạnh vì nhu cầu sản phẩm thủy sản đông lạnh trên thế giới tăng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, những tháng cuối năm xuất khẩu thuỷ sản sẽ đứng trước 3 thách thức lớn: an toàn vệ sinh thực phẩm, chế biến thiếu nguồn nguyên liệu an toàn và cạnh tranh gay gắt cả đầu vào lẫn đầu ra.
Để có thuỷ sản sạch mang tính ổn định, bền vững, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng đặt ra với ngành thuỷ sản hiện nay là phải nâng cao nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của những người tham gia chuỗi xuất khẩu từ nuôi trồng, chế biến đến xuất khẩu.
Theo vasep