Hơn 80% thiết bị công nghệ đông lạnh đang sử dụng có năm sản xuất trước năm 2000

Chất lượng nguyên liệu đầu vào chưa đáp ứng được yêu cầu, doanh nghiệp chế biến phần lớn còn sử dụng công nghệ lạc hậu, đó là những khó khăn mà mà ngành chế biến thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu đang phải đối mặt. Nếu không có sự thay đổi kịp thời về công nghệ bảo quản nguyên liệu sau khai thác và chế biến thì nguy cơ mất thị trường xuất khẩu tiềm năng là rất lớn.

CÔNG NGHỆ, THIẾT BỊ SẢN XUẤT LẠC HẬU

Kim ngạch tăng, sản lượng hàng xuất khẩu giảm, đó là tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp chế biến hải sản đã đầu tư máy móc, công nghệ để sản xuất hàng hoá cho giá trị cao. Cụ thể, sản lượng chế biến hàng thủy sản xuất khẩu của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2007 giảm hơn 6%, nhưng kim ngạch tăng gần 1% so với cùng kỳ năm 2006. Các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đang từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu với việc ngày càng có nhiều nhà máy đạt tiêu chuẩn EU, ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ đã lạc hậu.

Đánh giá thực trạng về công nghệ chế biến hải sản Bà Rịa-Vũng Tàu, Phân viện Cơ nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định: Công nghệ mà ngành chế biến thuỷ sản của Bà Rịa-Vũng Tàu hiện đang sử dụng xếp ở mức trung bình so với cả nước. Kết quả khảo sát cho thấy, 30% xí nghiệp được điều tra có giá thành sản phẩm cao hơn so với các sản phẩm cùng loại do các tỉnh khác sản xuất. Điều này thể hiện còn nhiều chi phí bất hợp lý trong các khâu của quá trình sản xuất làm “đội” giá thành sản phẩm. Công tác xúc tiến thị trường cũng chưa được quan tâm đúng mức (mới có 24% các đơn vị chế biến hải sản đã và đang thực hiện công tác nghiên cứu thị trường), nhiều xí nghiệp vẫn chưa có chiến lược thị trường cho sản phẩm. Và chỉ có hơn 4% doanh nghiệp chế biến hải sản sử dụng công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn EU. Trong lĩnh vực đông lạnh chiếm hơn 80% công nghệ, thiết bị sản xuất được trang bị trước năm 2000… Mặt khác, việc bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng trong lĩnh vực chế biến hải sản vẫn thấp. Trong năm 2006, chỉ 20% các xí nghiệp có sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, trong đó 12% xí nghiệp quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP.

NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?

Đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng của ngành chế biến thuỷ sản lạc hậu như hiện nay? Đó chính là sự phát triển ngành chế biến chưa gắn với quy hoạch phát triển. Trong giai đoạn từ 1995- 1998, khi gặp điều kiện thị trường thuận lợi, năng lực chế biến tại địa phương được đẩy lên quá cao, nhưng quá trình đầu tư không chú trọng chiều sâu mà chỉ tập trung phát triển về chiều rộng. Còn theo đánh giá của ngành thuỷ sản, doanh nghiệp chế biến hải sản phát triển nhanh nhưng phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu sản xuất hàng nội địa hoặc chỉ gia công. Các dự án hạ tầng khu chế biến hải sản mới triển khai chậm cũng tác động tiêu cực đến việc đổi mới công nghệ, bởi doanh nghiệp chế biến không biết phải di dời lúc nào… Đó chính là nguyên nhân gây nên thực trạng yếu kém của ngành chế biến hải sản và cũng chính là “thủ phạm” khiến ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh đang có nguy cơ tụt hậu.

Không chỉ chịu cảnh công nghệ chế biến lạc hậu, ngành thuỷ sản Bà Rịa-Vũng Tàu đang phải đối mặt với nguyên liệu chế biến không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Để bảo quản hải sản sau đánh bắt, bà con ngư dân hiện thường sử dụng bằng nước đá lạnh theo hình thức tiếp xúc trực tiếp hoặc cho nguyên liệu vào bao rồi ướp đá. Với cách bảo quản này, chất lượng nguyên liệu chỉ có thể duy trì được từ 12-15 ngày, trong khi tàu khai thác xa bờ khoảng 24-30 ngày mới gửi nguyên liệu vào bờ một lần, vì vậy nguyên liệu giảm chất lượng rất nhiều. Theo các chuyên gia về thuỷ sản, bảo quản không tốt sẽ làm giảm chất lượng nguyên liệu chế biến, thậm chí gây độc hại cho người sử dụng. Ngoài ra, trong quá trình ướp lạnh nhưng do thiếu nước đá cũng sẽ làm nguyện liệu giảm từ 3-7% so với trọng lượng ban đầu.

Nguyễn Quang