General Information

Author:
Issued date: 10/07/2007
Issued by:

Content


Ngao dầu là loài động vật nhuyễn thể có tiềm năng kinh tế lớn ở vùng triều. Hệ thống phân loại của ngao dầu như sau:

Ngành: Mollusca

Lớp: Bivalvia

Bộ: Veneroidea

Họ: Veneridae

Giống: Meretrix

Loài:Meretrix meretrix Linnaeus, 1758

1. ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI:

1.1. Hình thái cấu tạo ngoài

Ngao dầu là một loài động vật có hai mảnh vỏ úp vào nhau bao lấy nội quan bên trong. Vỏ ngao dày có hình quạt, hai nửa vỏ bằng nhau và đối xứng nhau. Chiều dài vỏ ngao lớn hơn chiều cao. Đỉnh vỏ nhô lên uốn cong về phía bụng. Mặt vỏ nhẵn, bóng, hơi phồng lên. Vòng sinh trưởng trên mặt vỏ rõ ràng.

Hình thái ngoài của ngao dầu

1.2. Cấu tạo trong của ngao dầu

Cấu tạo trong của ngao dầu cơ bản cũng giống như cấu tạo trong của các động vật hai mảnh vỏ khác. Cơ thể ngao cũng chia ra làm nhiều hệ như hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, hệ bài tiết, hệ sinh dục, hệ vận động và hệ thần kinh. Nhưng ngao là động vật bậc thấp, các hệ cơ quan phát triển còn đơn giản như hệ thần kinh chưa phát triển thành não bộ mà chỉ có một số hạch thần kinh cảm giác. Hệ tiêu hoá, hô hấp phát triển mạnh hệ thống tua miệng và kênh rãnh trên mang giúp cho việc lọc thức ăn và ôxy hiệu quả. Ngoài ra ngao cũng mang những đặc điểm riêng biệt của lớp hai mảnh vỏ đó là:

a. Màng áo: Hai tấm màng áo mỏng bao phủ toàn bộ nội tạng của ngao. Viền mép màng áo có nhiều mấu lồi cảm giác. Phía trước mép của màng áo phía gần bụng dính lại với nhau hình thành hai ống (siphon) dẫn nước: ống dẫn nước vào nằm ở phía bụng và ống dẫn nước ra nằm ở phía lưng ống dẫn nước vào dài hơn ống dẫn nước ra. Ngoài tự nhiên, ngao vùi mình trong nền đáy, chỉ thò hai ống dẫn nước lên trên bề mặt đất và thực hiện các hoạt động sống như hô hấp, bắt mồi, bài tiết.

b. Hệ tiêu hoá, hệ hô hấp: Miệng ngao là một rãnh ngang nằm ở phía trước cơ thể, bên miệng có tấm môi ngoài, môi trong và có tiêm mao để vận chuyển thức ăn. Thực quản và dạ dày mỏng. Xung quanh dạ dày có các nang tiêu hoá. Thức ăn từ mang lọc được vận chuyển đến miệng bằng một hệ thống tua miệng vận chuyển liên hoàn rồi vào thực quản, lúc này thức ăn đã được thấm một số men tiêu hoá tiết ra từ tuyến nước bọt và tiếp tục được vận chuyển vào dạ dày. Tại dạ dày, thức ăn được chia làm hai loại là thức ăn có thể hấp thu và thức ăn không thể hấp thu bởi một hệ thống lọc phức tạp trong dạ dày. Thức ăn có thể hấp thu được vận chuyển vào các nang tiêu hoá. Thức ăn không thể hấp thu được vận chuyển xuống rãnh ruột rồi thoát ra ngoài môi trường qua lỗ hậu môn nằm ở phần gốc của ống thoát nước ra.

c. Hệ hô hấp: Cơ quan hô hấp chính của ngao là mang và hệ thống các mao mạch phân bố chằng chịt trong cơ thể dùng để cung cấp ôxy đi nuôi cơ thể và thải khí CO2 ra ngoài môi trường.

d. Hệ sinh dục: Ngao là động vật phân tính, con đực- con cái riêng. Khi tuyến sinh dục thành thục ở con cái có màu vàng, con đực có màu trắng sữa phủ khắp nội tạng.

Cấu tạo hệ tiêu hoá của ngao dầu

2. ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC

2.1. Phân bố

Ngao dầu phân bố trên các bãi triều, trong các eo vịnh nông có đáy là cát-bùn (cát chiếm 60-80%), nơi thường có sóng nhẹ và lượng nước ngọt bổ sung nhất định chảy qua. Nền đáy quá nhiều bùn, ngao dễ chết ngạt hoặc quá nhiều cát, ngao cũng dễ bị chết do khô nóng. Có thể bắt gặp ngao dầu từ vùng trung, hạ triều cho đến độ sâu 10m so với mặt nước biển. Ngao nói chung và ngao dầu nói riêng là động vật rộng nhiệt, phạm vi thích ứng từ 5-35OC, độ mặn từ 5-35%o. Sinh trưởng tốt nhất ở nhiệt độ 18-30OC, độ mặn từ 19-26%o. Độ mặn tăng giảm đột ngột sẽ làm cho ngao bị sốc, dễ chết.

Sự phân bố của ngao trong nền đáy phụ thuộc vào chiều dài của hai ống siphon. Tuy nhiên ngao trưởng thành thường sống trong nền đáy cách bề mặt từ 7-10cm.

Trên thế giới, họ ngao có khoảng hơn 500 loài, phân bố rộng ở vùng bãi triều ven biển các nước nhiệt đới và ôn đới.

Ở Việt Nam, họ ngao có khoảng 40 loài, trong đó ngao dầu (Meretrix meretrix) phân bố rộng ở Cô Tô, Yên Hưng, Yên Lập - Quảng Ninh; Cồn Lu, Cồn Ngạn - Nam Định; Kim Sơn - Ninh Bình; Lạch Trường và Biện Sơn - Thanh Hoá; Cửa Sót, Thạch Hà, Kỳ Anh - Hà Tĩnh. Vùng ven biển phía Bắc có ngao dầu (Meretrix meretrix Linnaeus. 1758), ngao mật (Meretrix lusoria Rumplius), vùng ven biển phía Nam có nghêu (Meretrix lyrata Sowerby) phân bố nhiều ở các tỉnh Bình Định, Tiền Giang, Bến Tre. Đây là những loài có giá trị kinh tế và đang được người dân địa phương tiến hành nuôi với số lượng nhiều ở diện tích lớn.

2.2. Tập tính bắt mồi và hiện tượng di cư

Ngao dầu là loài sống đáy, chân là một khối cơ khá cứng dùng để đào hang và vùi mình xuống nền đáy, khi hô hấp và bắt mồi ngao đưa hai ống dẫn lên trên mặt nền đáy. Thức ăn và ôxy hoà tan (trong nước) sẽ được vận chuyển qua ống dẫn vào đến bề mặt của các lá mang, tại đây mang sẽ lọc ôxy hoà tan và các thức ăn, thải ra khí CO2 vào nước, và dòng nước này lại được vận chuyển ra ngoài môi trường theo ống dẫn nước ra. Thức ăn chủ yếu của ngao dầu là tảo silic và mảnh vụn hữu cơ.

Hiện tượng di cư: Gặp điều kiện môi trường bất lợi, ngao có thể tiết ra một túi nhày hoặc dải chất nhày ở phía bụng, khối chất nhày này có tác dụng giúp cơ thể nổi trong nước và theo dòng thuỷ triều di chuyển đến nơi khác. Ngao có thể nổi lên ở tầng nước từ 1 đến 2m so với bề mặt đáy. Sự di chuyển của ngao có quan hệ mật thiết tới tập tính sinh sản khi ngao thành thục (cơ thể dài 5-6cm) ngao thường di chuyển nhiều. Vì hiện tượng này nên khi nuôi ngao người ta thường quây lưới xung quanh bãi ngao cao bằng mặt nước để chống hiện tượng ngao thoát ra ngoài.

2.3. Sinh trưởng

Tốc độ tăng trưởng của ngao liên quan chặt chẽ với môi trường sống. Ngao sống ở vùng hạ triều chóng lớn hơn ở vùng cao triều (vì thời gian ngập nước ở vùng cao triều có thời gian không ngập nước, môi trường lúc này biến đổi nhiều nên ngao phải tập trung chống chịu với sự thay đổi của môi trường dẫn tới làm giảm sức sinh trưởng). Vùng cửa sông có nhiều thức ăn, hàm lượng ôxy hoà tan trong nước cao khiến quá trình trao đổi chất diễn ra mạnh, ngao có thể bắt mồi tích cực hơn nên sinh trưởng cũng tốt hơn.

Ngao 1 năm tuổi trọng lượng cá thể đạt 5-7g, sau 4 năm tuổi có thể đạt tới 120g. Thời gian đầu ngao lớn nhanh về sau chậm dần. Ngao lớn nhanh nhất vào thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm.

2.4. Sinh sản

Ngao 1 năm tuổi bắt đầu thành thục. Khi thành thục tuyến sinh dục của ngao cái có màu vàng nhạt, ngao đực có màu trắng sữa. ở ngao đực thành thục, phần mềm dưới bụng bị vỡ và tinh dịch trào ra.

Mùa sinh sản của ngao dầu vào thời gian hè thu. Lượng trứng của ngao tỷ lệ với khối lượng cá thể. Cá thể lớn có thể tới 6 triệu trứng, cá thể có khối lượng nhỏ 5g buồng trứng có thể chứa hơn 20 triệu hạt.

 Bãi nuôi ngao khi triều rút.

Đào Duy Thu


Download