General Information

Author:
Issued date: 25/05/2007
Issued by:

Content


Mực có thể xem là một trong những loài xứng đáng với biệt danh "nghệ sĩ ngụy trang" thông minh nhất trong thế giới động vật. Những con mực đực độc thân thường lựa chọn chiêu bài cải trang thành con cái để tiến gần tới các nàng đang được những kẻ tình địch to lớn hơn bảo vệ.

Mới đây, các nhà nghiên cứu Australia đã chứng minh được rằng những con đực có khả năng biến hình tức thì thường có cơ hội giao phối thành công cao hơn.

Mỗi năm, vào mùa đông, hàng ngàn con mực Australia khổng lồ (tên khoa học là Sepia apama) tụ tập đến bờ biển phía nam của lục địa này để kết đôi. Cuộc tranh giành giữa các con đực để có được bạn tình diễn ra rất ác liệt. Trung bình cứ 4 "chàng" phải chiến đấu vì một "nàng" và đôi khi tỷ lệ này còn lên đến 11 trên 1.

Mực Sepia apama

Kẻ thắng trận, thường là những gã to lớn hơn, sẽ bảo vệ cô nàng của nó nghiêm ngặt. Nhưng các anh chàng bé nhỏ vẫn cố xoay xở để có được một phần ba trong số tất cả các cuộc giao phối. Để làm được điều đó, chúng sử dụng một loạt các mưu kế khác nhau. Chẳng hạn, chúng đợi cho đến khi "anh chồng" bận rộn tranh đấu với những con đực khác; lẻn gặp cô nàng dưới một tảng đá khi cô nàng đang chuẩn bị đẻ trứng; hoặc tự mình giả dạng thành một con cái.

Cách tiếp cận sau cùng này là một "thủ đoạn rất tinh vi", Roger Hanlon, một nhà sinh học biển tại Phòng thí nghiệm Sinh vật biển Woods Hole, nhận định. Để qua được những đôi mắt dò xét, con đực yếu thế phải khoác lên mình một lớp màu lốm đốm, giấu đi một vài cánh tay và thay đổi hình dạng của những bộ phận lộ ra ngoài.

Mặc dầu hành vi biến hình đó đã được quan sát thấy trước đây, song không ai chứng minh được rằng chúng làm thế là nhằm mục đích thụ tinh với trứng của những con cái.

Vì thế Hanlon và cộng sự đã theo dõi phản ứng của 5 con đực giả trang thành cái trong một rạn san hô ở phía bắc vịnh Spencer, nam Australia. Họ phát hiện thấy 30 trong số 62 lần cố gắng, những kẻ trá hình qua mặt được "gã gác cổng" và tiến đến gần bạn tình của nó. Nhóm nghiên cứu cũng sử dụng dấu vết ADN để chứng minh rằng hai trong số mực đực bắt chước này đã thành công trong việc thụ thai cho một con cái.

"Chúng tôi có được bằng chứng gene cho thấy giả trang giới tính là để giao phối thành công", Hanlon nói.

Các nhà khoa học cũng nhận thấy việc biến hình xảy ra rất nhanh, 10 lần trong vòng 15 phút. "Mức độ phức tạp và tốc độ của việc giả trang này thật đáng kinh ngạc, không thể tin nổi", Bryan Neff, một nhà sinh thái học hành vi tại Đại học Tây Ontario ở Canada, nhận xét.

Việc đổi lốt giới tính không phải là mới trong thế giới động vật. Nhưng mực đực là động vật duy nhất được biết đến với khả năng biến đổi hình dáng bề ngoài nhanh đến vậy.

Nguồn: Aquabirdvn


Download