General Information

Author:
Issued date: 24/11/2009
Issued by:

Content


1. MỞ ĐẦU

Trứng cá - cá con (TCCC), là lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản và có vai trò thực tiễn rất quan trọng, đã được các nước trên thế giới đánh giá cao và đưa vào chương trình nghiên cứu thường niên [2]. Ở Việt Nam hiện nay, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào chuyên sâu về TCCC ở vùng nước ven bờ, đặc biệt đối với những loài có giá trị kinh tế [1, 3], nên việc xây dựng các định hướng bảo vệ nguồn lợi ven bờ chủ yếu dựa vào nguồn số liệu cũ, hoặc lấy từ nhiều nguồn số liệu khác nhau. Do đó việc quy hoạch, phát triển thuỷ sản ven bờ không thể hạn chế được các khó khăn phát sinh từ thực tế và mang tính thực tiễn chưa cao.

Họ cá trỏng (Engraulidae) phân bố rộng khắp ở vùng ven biển Đông - Tây Nam Bộ, trữ lượng trung bình khoảng 123.000 tấn và khả năng khai thác khoảng 61.500 tấn [4], trong đó giống cá cơm chiếm khoảng 70%. Để có thêm một số dẫn liệu cho nghề cá, chúng tôi xin công bố tài liệu “Trứng cá - cá con giống cá cơm (Stolephorussp. và Encrasicholina sp.) ở vùng ven biển Đông - Tây Nam Bộ”.

2. TÀI LIỆU PHƯƠNG PHÁP

2.1. Tài liệu

Tài liệu nghiên cứu bao gồm các mẫu thu được từ 02 chuyến khảo sát của Đề tài “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các biện pháp bảo vệ trứng cá-cá con và ấu trùng tôm-tôm con ở vùng ven biển Đông - Tây Nam Bộ” vào tháng 5 và tháng 8 năm 2007, của Viện Nghiên cứu Hải sản.

2.2. Phương pháp

2.2.1. Khu vực nghiên cứu

Khu vực nghiên cứu là vùng biển ven bờ Đông - Tây Nam Bộ, có độ sâu nhỏ hơn 30m nước, từ vùng biển Bình Thuận đến Kiên Giang. Vùng biển Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ được chia bởi kinh tuyến 105000 N (Hình 1).

2.2.2. Phương pháp thu mẫu

- Thu mẫu tầng mặt: Lưới có miệng hình chữ nhật, chiều dài 0,8m, chiều rộng 0,4m, kích thước mắt lưới 450mm . Lưới được thiết kế hình chóp cụt, chiều dài tính từ miệng lưới tới ống đáy là 3m, thu mẫu ớ tầng nước 0,5-0m. Lưới được thả cách mạn tàu khoảng 30m và cố định vào mạn tàu. Cho tàu chạy theo hướng ngược sóng, với tốc độ khoảng 2 hải lý/ giờ. Thời gian vớt mẫu tính từ khi lưới bắt đầu ổn định cho tới khi bắt đầu vớt lên là 5-10 phút.

- Lượng nước qua lưới được xác định bằng máy flowmetter đo gắn ở miệng lưới.

- Sau khi mẫu được rửa sạch bùn đất, chuyển toàn bộ mẫu vào lọ nhựa có dung tích 1 lít và bảo quản trong dung dịch formaldehyd 5-7% và mang về phòng thí nghiệm phân tích.

2.2.3. Phương pháp phân tích và xử lý số liệu

- TCCC được nhặt ra khỏi các sinh vật phù du và rác bẩn khác, cho vào ống nghiệm nút bằng bông thấm nước và lưu giữ trong một bình có chứa formaldehyd 5-7% (bảo đảm mẫu không bị khô và hư hỏng).

- Tài liệu phân loại TCCC chủ yếu dựa vào tài liệu của các tác giả Nguyễn Hữu Phụng (1971, 1973, 1976-1982, 1991, 1994), Deslman H. C (1920-34, 1938), Mito. S (1960-60, 1966), J.M.Lei và T.Trunski (1989), Jeffrey M.Leis và Brooke M. Carson-Ewart (2000)…

- Tách TCCC, đếm số lượng toàn bộ mẫu, tính số lượng cá thể/1000m3 nước biển. Mẫu TCCC được phân tách theo từng họ hoặc loài.

- Sử dụng phần mềm Image Pro Plus để đo chiều dài trứng cá và cá con.

- Sử dụng kính chuyên dụng Camera lucida để vẽ hình ảnh cá con.

- Sử dụng phần mềm Excel để tính toán số liệu...

Hình 1. Sơ đồ trạm vị và khu vực nghiên cứu, năm 2007

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Một số đặc điểm hình thái

Đối với trứng cá

Trứng cá giống cá cơm có nhiều hình dạng khác nhau, nhưng tương đối đặc trưng. Có loại trứng hình elip, noãn hoàng khe rùa, có giọt dầu (Encrasicholina heteroloba) hoặc không có giọt dầu (E. punctifer). Có loại trứng hình dạng giống quả lê, noãn hoàng khe rùa và không có giọt dầu (Stolephorus indicus). Có loại cũng hình elip, nhưng một đầu có cái núm nhỏ, như hình bầu sữa, noãn hoàng khe rùa và không có giọt dầu (S. commersonii).

Trứng có màng nhẵn bóng và không có sắc tố. Khoảng 10 giờ trước khi nở, trứng cá E. punctifer có kích thước (1,15-1,20) x (0,55-0,60) mm; 12 giờ trước khi nở, trứng cá E. heteroloba có kích thước 1,2- 0,6mm (đường kính giọt dầu khoảng 0,06-0,08mm); 4 giờ trước khi nở, trứng cá S. indicus có kích thước (1,40-1,50) x (0,85-0,90)mm; khoảng 5 giờ trước khi nở, trứng cá S. commersonii có kích thước 2,25- 0,75mm [5]. (Nguồn: A.M. Shadrin và nnk, 2003)

Hình 2. Hình thái trứng cá họ cá trỏng (Engraulidae) (a) Encrasicholina punctifer; (b) E. heteroloba; (c) Stolephorus indicus; (d) S. commersonii

Đối với cá con

Cá con họ cá Trỏng có thân dạng tròn, dài, nhỏ. Đường ruột dài, lỗ hậu môn phía sau 1/2 thân, khoảng 1/4 thân tính từ đuôi lên. Đầu nhỏ, ngắn, chiếm khoảng 1/9 chiều dài toàn thân. Dọc theo đường ruột, hai bên có hai đường sắc tố dạng nét đứt [5]. Mặt bụng ở phía đuôi có vài sắc tố dạng chấm. Toàn thân có khoảng 38 đốt cơ (Hình 3).

Cá con họ cá trỏng có hình dạng thân rất giống cá con họ cá trích (Clupeidae), điểm khác biệt lớn nhất là vị trí hậu môn của cá Trích nằm ở sau mút vây lưng, còn của cá cơm nằm ở trước mút vây lưng. Số đốt cơ ở trước lỗ hậu môn của cá trích (trên 30 đốt) bao giờ cũng nhiều hơn cá cơm (dưới 30 đốt).

Hình 3. Hình thái cá con giống cá cơm

3.2. Phân bố tần suất chiều dài

Đối với trứng cá

Trứng cá giống cá cơm chủ yếu bắt gặp loại có đường kính 0,6-1,2mm đối với E. punctifer; 0,8-1,4mm đối với E. heteroloba; 0,8-1,3mm đối với S. indicus và 0,7-2,2mm đối với S. commersonii. Trong thời gian thu mẫu trứng cá chủ yếu bắt gặp ở giai đoạn III chiếm khoảng 50%.

Tỉ lệ chết tự nhiên của trứng giống cá cơm chiếm khoảng 30% tổng số trứng.

Đối với cá con

Phân bố tần suất chiều dài cá con giống cá cơm bắt gặp trong chuyến khảo sát tháng 5 và tháng 8 không có sự sai khác lớn.

Tháng 5, chiều dài cá con phân bố từ 2 đến 22mm, trung bình đạt 7,6mm, tập trung chủ yếu ở nhóm chiều dài từ 5 đến 8mm (Hình 4)

Hình 4. Phân bố tần suất chiều dài cá con giống cá cơm, tháng 5 năm 2007

Với số cá thể bắt gặp là 420, chiều dài dao động trong khoảng từ 3 đến 28mm (trung bình đạt 8,0mm), cá con giống cá cơm thu được trong chuyến khảo sát tháng 8 chủ yếu tập trung ở nhóm chiều dài từ 5 đến 10mm (Hình 5)

Hình 5. Phân bố tần suất chiều dài cá con giống cá cơm, tháng 8 năm 2007

3.3. Phân bố mật độ

Trong chuyến nghiên cứu tháng 5 năm 2007, đã thu được 1.824 trứng cá và 404 cá con thuộc giống cá cơm ở tầng mặt (tầng nước từ 0,5 - 0m). Tần suất bắt gặp giống cá cơm tại các trạm thu mẫu là 34%.

Trứng cá giống cá cơm bắt gặp ở tầng mặt với mật độ rất cao, trung bình đạt 1.065 trứng cá/ 1000m3 nước biển. Khu vực tập trung trứng cá với mật độ cao từ 500 đến 42.013 trứng cá/ 1000m3 nước biển tập trung tại ba khu vực: 1/ Vùng biển ven bờ từ Phan Thiết đến Vũng Tàu; 2/ vùng biển ven bờ từ cửa sông Tiền đến cửa sông Hậu và 3/ vùng biển ven bờ từ Rạch Giá - Hà Tiên đến đảo Phú Quốc và Nam Du - Kiên Giang (Hình 6A).

Trong thời gian này, vùng biển Đông Nam Bộ có mật độ cá con tập trung cao hơn khu vực Tây Nam Bộ. Các khu vực ven biển từ Phan Thiết đến Vũng Tàu; ven bờ từ cửa sông Tiền đến cửa sông Hậu; xung quanh đảo Côn Sơn và ven biển phía Đông - Tây mũi Cà Mau có mật độ cá con đạt từ 500 đến 4.023 cá con/ 1000m3 nước biển (Hình 6B).

Khác với chuyến nghiên cứu tháng 5, chuyến nghiên cứu tháng 8 mật độ trứng cá giống cá cơm chủ yếu tập trung ở vùng ven biển Tây Nam Bộ, cao nhất đạt 5.880 trứng cá/ 1000m3 nước biển, và một phần nhỏ tập trung ở vùng nước trồi ven biển Bình Thuận (Hình 7A).

Mật độ cá con giống cá cơm phân bố thưa thớt và rải rác khắp vùng biển nghiên cứu. Một phần nhỏ cá con tập trung ở phía xa bờ phía Đông - Nam Cà Mau (mật độ trung bình đạt khoảng 62 cá con/ 1000m3 nước biển) (Hình 7B).

Hình 6. Mật độ trứng cá (A) cá con (B) giống cá cơm ở ven bờ Đông Tây Nam Bộ, tháng 5

Hình 7. Mật độ trứng cá (A) cá con (B) giống cá cơm ở ven bờ Đông Tây Nam Bộ, tháng 8

Phần lớn cá con thu được ở giai đoạn cá bột, một số cá thể vẫn còn ôm noãn hoàng, hoặc chưa mở miệng. Số lượng cá con bắt gặp trong tháng 8 nhiều, nhưng rải rác khắp vùng nghiên cứu, không tập trung và thể hiện những bãi ương nuôi tự nhiên trọng điểm như tháng 5.

4. NHẬN XÉT

Qua kết quả thu được từ 02 chuyến khảo sát tháng 5 và tháng 8 năm 2007, chúng tôi thấy: TCCC giống cá cơm có chiều dài bắt gặp trung bình nhỏ, chủ yếu ở giai đoạn đầu phát triển; khu vực phân bố tương đối tập trung, đặc biệt là ở các vùng biển ven bờ, các cửa sông lớn và xung quanh các đảo. Mật độ TCCC giống cá cơm khác nhau rõ rệt trong hai chuyến thu mẫu. Đây là những kết quả nghiên cứu bước đầu, song cũng đã phần nào chứng tỏ, mùa đẻ chính của giống cá cơm vào mùa Hè.

Việc ước tính nguồn bổ sung từ TCCC đòi hỏi nguồn số liệu phải được cập nhật liên tục trong nhiều năm; xác định được các hệ số chết ở các giai đoạn khác nhau của cá bằng phương pháp ương nuôi trong môi trường tự nhiên; lượng trứng sản sinh trong ngày đối với mỗi cá thể cái; số lượng cá thể bố mẹ tham gia sinh sản... Ở Việt Nam hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn cả về kinh phí và phương pháp nghiên cứu vấn đề này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Văn Nguyên, Phạm Quốc Huy, Nguyễn Viết Nghĩa, 2006. Báo cáo chuyên đề: Hiện trạng thành phần loài và phân bố mật độ trứng cá - cá con ở vùng biển Việt Nam, Đề tài KC.CB.01-14, Viện Nghiên cứu Hải sản, Hải Phòng.

2. Nguyễn Hữu Phụng, 1991. Tạp chí sinh học, Trứng cá - cá con ở vùng biển Việt Nam, Tuyển tập Nghiên cứu Biển, Tập III, tr.5-20, Viện Hải Dương Học Nha Trang.

3. Nguyễn Khắc Hường, 1980. Họ cá Trỏng ở vịnh Bắc Bộ, Tuyển tập Nghiên cứu Biển, II, 1, tr. 265-286, Viện Hải Dương Học Nha Trang.

4. Nguyễn Viết Nghĩa, 2007. Báo cáo tổng kết khoa học kỹ thuật Đề tài KC.CB.01-14: Nghiên cứu trữ lượng và khả năng khai thác cá nổi nhỏ (chủ yếu là cá nục, cá trích, cá cơm, cá bạc má...) ở biển Việt Nam, tr.126, Viện Nghiên cứu Hải sản, Hải Phòng.

5. Shadrin A.M, Novikov G.G & nnk, 2003. Nghiên cứu giai đoạn đầu sự phát triển của cá vùng biển Đông, Trung Tâm Nhiệt Đới Việt - Nga, Hà Nội, tr. 24-27.

Phạm Quốc Huy
Đỗ Văn Nguyên
Trần Văn Cường


Download