General Information

Author:
Issued date: 09/02/2007
Issued by:

Content


1. MỞ ĐẦU

Tôm he Nhật Bản là một đối tượng thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Ưu điểm của đối tượng này là có thể sống và phát triển tốt ở mùa thu đông (nhiệt độ thấp và độ muối cao) khi mà nghề nuôi đang thiếu vắng đối tượng.

Với mong muốn đưa tôm he Nhật Bản trở thành đối tượng nuôi mới của ngành thuỷ sản ở nước ta, năm 2000 - 2002, Viện Nghiên cứu Hải sản đã nghiên cứu và xây dựng quy trình công nghệ sản xuất giống loài tôm he Nhật Bản. Năm 2003, quy trình được nghiên cứu hoàn thiện tại Hải Phòng. Năm 2004 - 2005, được phép của Bộ Thuỷ sản, Trung tâm khuyến ngư Quốc gia giao cho Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện “Dự án chuyển giao công nghệ sản xuất giống tôm he Nhật Bản (Penaeus japonicus Bate, 1881)” tới 4 tỉnh ven biển miền Bắc. Kết quả: Quảng Ninh sản xuất được 2,45 triệu con giống với tỷ lệ sống của Postlarvae 15 đạt 31%, Hải Phòng sản xuất được 1,5 triệu con giống với tỷ lệ sống của Postlarvae 15 đạt 35%, Thái Bình sản xuất được 1,5 triệu con giống với tỷ lệ sống của Postlarvae 15 đạt 36%, Nam Định sản xuất được 1,8 triệu con giống với tỷ lệ sống của Postlarvae 15 đạt 33%. Như vậy, học viên ở các tỉnh đều nắm chắc quy trình công nghệ, sản xuất sản xuất được con giống ở cơ sở đạt các mục tiêu đề ra. Đây là bước khởi đầu của sự thành công, làm tiền đề phát triển của nghề nuôi đối tượng này ở các tỉnh ven biển miền Bắc Việt Nam.

2. KẾT QUẢ CHUYỂN GIAO GIỐNG TÔM HE NHẬT BẢN

2.1. Kết quả đào tạo tại cơ sở của Viện nghiên cứu Hải sản

* Tập huấn lý thuyết

Đã tổ chức tập huấn cho 13 học viên thuộc 4 tỉnh, trong đó Hải Phòng có 4 học viên, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định mỗi tỉnh có 3 học viên.

Các học viên được cung cấp tài liệu tập huấn có tên “Kỹ thuật sản xuất giống tôm he Nhật Bản (Penaeus japonicus 1881)”.

Đã tổ chức được 80 tiết tập huấn lý thuyết với các nội dung:

+ Quản lý trại sản xuất giống thuỷ sản

+ Đặc điểm sinh học tôm he Nhật Bản

KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

+ Kỹ thuật nuôi thức ăn tự nhiên

+ Kỹ thuật nuôi vỗ và cho đẻ tôm he Nhật Bản

+ Kỹ thuật ương nuôi ấu trùng tôm he Nhật Bản

+ Bệnh tôm và biện pháp phòng trị

* Tập huấn thực hành

Sau khi được đào tạo về lý thuyết, các học viên được tập thực hành với các nội dung:

+ Nhận biết và phân biệt nhanh giữa tôm he Nhật Bản với các loài tôm biển khác

+ Tiêu chuẩn lựa chọn tôm he Nhật Bản để nuôi vỗ: Về hình thái, sức khoẻ…

+ Nuôi phát dục: Tiêu chuẩn bể, chất lượng nước, cho ăn và quản lý bể nuôi.

+ Thực hành cắt mắt cho tôm mẹ

+ Nuôi thức ăn tự nhiên

+ Nuôi thức ăn tự nhiên

+ Cho đẻ, ấp trứng và ương nuôi ấu trùng

+ Thu hoạch và vận chuyển tôm giống

Sau thời gian tập huấn thực hành gần 1 tháng, kết quả thu được như sau:

Tỷ lệ thành thục của tôm mẹ đạt 60%. Tỷ lệ đẻ đạt 83%. Tỷ lệ nở đạt 89%. Tỷ lệ sống của Nauplius6 đạt 94%. Tỷ lệ sống của Zoea3 đạt 71%. Tỷ lệ sống của Mysis3 đạt 62%. Tỷ lệ sống của Poslarvae 15 đạt 35%. Tổng số tôm giống sản xuất được là 1,76 triệu con. Kết quả thực hành cho thấy các học viên đã có thể vận dụng quy trình công nghệ sản xuất giống tôm Nhật Bản và cho ra sản phẩm.

2.2. Kết quả sản xuất giống tôm he Nhật Bản tại 4 tỉnh

* Địa điểm của trại sản xuất giống:

Trại tôm giống Tuần Châu (Quảng Ninh) nằm ở ven đảo Tuần Châu thuộc khu vực Cái Dăm. Trại sản xuất giống tôm biển Cát Bà (Hải Phòng) nằm ở khu vực Bến Bèo thuộc thị trấn Cát Bà. Đây là hai trại có nhiều thuận lợi nhất vì vị trí trại nằm sát bờ biển có nguồn nước mặn cao và ổn định. Trại giống Phương Nam (Thái Bình) nằm sâu ở vùng cửa sông, xa nguồn nước mặn. Trại giống thuỷ sản Liên Phong (Nam Định) nằm trong đê quốc gia thuộc xã Giao Phong huyện Giao thuỷ và trại giống Cửu Dung (Nam Định) nằm ngoài đê quốc gia thuộc xã Giao Xuân huyện Giao Thuỷ. Hai Trại này đều nằm ở khu vực bãi triều ngang.

* Kết quả sản xuất giống:

Sau khi được tập huấn về lý thuyết và thực hành tại cơ sở của bên chuyển giao, các học viên trở về các trại địa phương tự vận hành quy trình công nghệ để sản xuất giống tôm he Nhật Bản. Mỗi đơn vị được cung cấp 70 cặp tôm bố mẹ, kết quả thu được như sau

   Bảng 1. Kết quả sản xuất giống nhân tạo tôm he Nhật Bản tại các địa phương

Nội dung

Hải Phòng

Quảng Ninh

Nam Định

Thái Bình

Đợt thành công (%)

75

100

83

100

Tỷ lệ thành thục (%)

100

97

78

74

Tỷ lệ đẻ (%)

72

100

77

83

Tỷ lệ nở (%)

91

82

91

91

TLSN6 (%)

71

73

93

84

TLSZ3 (%)

67

65

84

83

TLSM3 (%)

59

52

44

50

TLSP­15 (%)

35

31

33

36

Số lượng P15 (triệu)

1,5

2,45

1,8

1,5

 

So với mục tiêu dự án đề ra thì đây là kết quả rất khả quan:

 

Bảng 2. So sánh kết quả sản xuất tại địa phương với mục tiêu dự án

 

TT

Nội dung

Kết quả sản xuất

Mục tiêu dự án

Ghi chú

1

Tỷ lệ thành thục (%)

87

60-70

Đạt

2

Tỷ lệ đẻ(%)

83

80-85

Đạt

3

Tỷ lệ nở(%)

89

90

Đạt

4

Tỷ lệ sống P15 (%)

34

34-37

Đạt

 

2.3. Đánh giá kết quả ứng dụng công nghệ sản xuất giống tôm he Nhật Bản

Sau khi được đào tạo về lý thuyết và thực hành, các học viên đã tự sản xuất được giống tôm he Nhật Bản tại địa phương mình. Từng đơn vị tiếp nhận đã đạt và vượt mục tiêu đặt ra là  mỗi tỉnh sản xuất được 1.5 triệu tôm giống. Như vậy, thành công của dự án là đã ứng dụng công nghệ sản xuất giống tôm he Nhật Bản ở 04 vùng sinh thái khác nhau, với các điều kiện thuận lợi và khó khăn khác nhau nhưng đều cho ra sản phẩm và đạt mục tiêu đề ra. Kết quả trên cho thấy quy trình công nghệ có tính ổn định, có thể đưa vào áp dụng đại trà cho các trại sản xuất giống tôm biển.

2.4. Một số điểm cần lưu ý khi áp dụng quy trình

Tôm mẹ khi vận chuyển về nơi sản xuất cần được lưu lại 1 ngày để tôm hồi phục sức khoẻ rồi mới tiến hành cắt mắt, thì kết quả sẽ tốt hơn.

Thả tôm mẹ vào bể đẻ, phải cân bằng nhiệt độ nước ở túi vận chuyển và nước trong bể, sau đó mới được nâng dần nhiệt độ cho tới nhiệt độ tối ưu (280C). Nếu thả tôm mẹ vào bể đẻ có nhiệt độ chênh lệch thì tôm thường không đẻ vì sốc nhiệt.

Đối với vùng nước nhạt có thể điều chỉnh nâng độ mặn bằng muối ăn (NaCl) và nước chạt để chống vón ấu trùng.

Đối với con giống P15 của tôm he Nhật Bản không được lưu giữ lâu trên bể ương vì chúng thường ăn thịt lẫn nhau. 

3. NHẬN XÉT VÀ ĐỀ XUẤT Ý KIẾN

Công nghệ sản xuất giống tôm he Nhật Bản đã được chuyển giao thành công, tất cả các học viên đều tự sản xuất được tôm giống tại địa phương. Quy trình công nghệ cho kết quả tốt, tính ổn định cao, đạt mục tiêu đề ra. Viện Nghiên cứu Hải sản hoàn toàn có đủ khả năng để tiếp tục chuyển giao công nghệ cho các địa phương khác.

Đề nghị các đơn vị tiếp nhận tiếp tục triển khai sản xuất giống tôm he Nhật Bản và có thể nhân rộng tới các địa điểm khác. Đề nghị Bộ Thuỷ sản và Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia tiếp tục cho chuyển giao công nghệ sản xuất giống tôm he Nhật Bản tới các địa phương khác có nhu cầu. Bên cạnh đó, cho triển khai xây dựng mô hình nuôi tôm he Nhật Bản thương phẩm cho các tỉnh đã tiếp nhận công nghệ sản xuất giống.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Các tiêu chuẩn Nhà nước Việt nam về môi trường, tập I – Chất lượng nước.

2. Trần Văn Đan, 2002. Nghiên cứu sản xuất giống tôm he Nhật Bản. Hải Phòng.

3. Trần Văn Đan, 2003, Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất nhân tạo giống tôm he Nhật Bản (Penaeus japonicus) bằng nguồn tôm bố mẹ tự nhiên ở Hải Phòng. Hải Phòng.

4. Motosaku Hudinaga, 1942. Sự sinh sản, sinh trưởng và nuôi Penaeus Japonicus Bate. Tokyo. (Bản dịch).

                                Trần Văn Đan, Đặng Minh Dũng, Thái Thị Kim Thanh và ctv


Download