General Information

Author:
Issued date: 24/11/2009
Issued by:

Content


1. Mở đầu

Suy giảm nguồn lợi ven bờ do sự khai thác quá mức sinh trưởng và quá mức bổ sung ở Việt Nam đã được công bố bởi nhiều tác giả trong nước, đặc biệt là khoảng năm 2000 trở lại đây, khi mà đội tàu đánh bắt xa bờ đã được khuyến khích phát triển về số lượng. Sự suy giảm năng suất khai thác chung và sự giảm sút trữ lượng của các đối tượng hải sản có giá trị kinh tế cao, sự gia tăng của nguồn lợi của nhóm cá kém giá trị kinh tế như nhóm cá tạp (cá phân) ít giá trị thương phẩm (UNEP/GEF/SCS 2004; Đặng Văn Thi, Nguyễn Bá Thông và ctv. 2005). Đồng thời, suy giảm nguồn lợi hải sản đã xuất hiện ở hầu hết các ngư trường vùng đặc quyền kinh tế biển nước ta (Nguyễn Long 2001; Phạm Thược 2001; UNEP/GEF/SCS 2004; Đặng Văn Thi, Nguyễn Bá Thông và ctv. 2005). Mặc dù vậy, khu vực dốc thềm lục địa Việt Nam vẫn chưa được nghiên cứu nhiều, đặc biệt là nguồn lợi hải sản tầng đáy và gần đáy. Trên thế giới, khá nhiều nước có nghề cá biển sâu như: ấn độ, Nhật Bản, Canada, New Zealand… Tuy nhiên, khu vực dốc thềm thường có khá nhiều loài cá đặc hữu cho vùng biển sâu và thường có tốc độ sinh trưởng chậm, sức sinh sản kém, tuổi tối đa khá lớn và nói chung là phục hồi quần đàn chậm.

Đứng trước thực trạng hoạt động khai thác kém hiệu quả của đội tàu xa bờ, khai thác quá mức vùng ven bờ, trong khi nguồn lợi vùng dốc thềm còn ít được biết đến, việc điều tra nghiên cứu nguồn lợi hải sản khu vực này nhằm cung cấp những thông tin về nguồn lợi hải sản hết sức có ý nghĩa cho hướng đi mới là phát triển nghề cá vùng dốc thềm lục địa. Tất nhiên, để có nghề cá vùng dốc thềm lục địa được bền vững thì cơ sở khoa học về nguồn lợi, kỹ thuật khai thác, kỹ thuật bảo quản, chế biến, tổ chức sản xuất… cần được nghiên cứu thật kỹ và phải đảm bảo độ tin cậy cao.

Trong khuôn khổ nội dung của đề tài “Đánh giá nguồn lợi cá rạn san hô ở một số vùng dự kiến thiết lập khu bảo tồn biển và một số loài hải sản có giá trị cao ở dốc thềm lục địa Việt Nam, đề xuất các giải pháp sử dụng bền vững nguồn lợi”, tàu M.V.SEAFDEC 2 đã tham gia 02 chuyến hợp tác nghiên cứu hải dương học và nguồn lợi hải sản vùng dốc thềm lục địa Việt Nam năm 2005, 2006. Bài viết này đưa ra một số kết quả chính của 02 chuyến điều tra, nghiên cứu đánh giá nguồn lợi hải sản vùng dốc thềm lục địa Việt Nam của tàu nghiên cứu M.V.SEAFDEC 2.

2. Tài liệu và phương pháp

2.1. Thời gian và khu vực nghiên cứu

Hai chuyến hợp tác nghiên cứu của tàu nghiên cứu biển M.V.SEAFDEC 2 được thực hiện ở vùng dốc thềm lục địa Việt Nam bao gồm: chuyến thứ nhất (5/2005) và chuyến thứ hai (10/2006). Khu vực nghiên cứu bao gồm 20 trạm thu mẫu trải dọc vùng dốc thềm lục địa Việt Nam (Hình 1). Các trạm nghiên cứu được bố trí nằm trong vùng dốc thềm lục địa, với độ sâu từ 100 đến 200 m. Trong điều kiện thực tế hiện nay, khả năng thu thập mẫu nguồn lợi ở vùng nước có độ sâu lớn hơn là rất khó khăn, nhiều rủi ro cho sự an toàn ngư cụ, phương tiện và con người trên tàu trong quá trình thu mẫu.

Hình 1. Hệ thống trạm thực hiện thu thập số liệu hải dương học và sinh học nguồn lợi vùng dốc thềm lục địa Việt Nam, năm 2005, 2006

2.2. Tàu và ngư cụ sử dụng

2.2.1. Tàu nghiên cứu

Tàu M.V SEAFDEC 2 là tàu chuyên dùng cho nghiên cứu biển thuộc Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam á (SEAFDEC), mang quốc tịch Thái Lan. Tàu M.V SEAFDEC2 dài 33,2 m, rộng 7,2 m, công suất máy chính 736 kW (khoảng 1.000 CV) với tốc độ tối đa khoảng 12 hải lý/giờ. Các thiết bị nghiên cứu (thiết bị chính) được trang bị trên tàu M.V SEAFDEC 2 gồm có: (1) Hệ thống máy dò thủy âm, (2) ngư cụ (lưới rê trôi, lưới kéo, câu vàng, câu mực tự động và lồng bẫy) và (3) hệ thống thiết bị nghiên cứu hải dương học (CTD, TSG, PRR và ống Vandorn,…).

2.2.2. Ngư cụ sử dụng

Ngư cụ sử dụng cho chuyến điều tra thứ nhất bao gồm: câu vàng đáy thẳng đứng (BVL), lồng bẫy cua ghẹ hình mái vòm, lồng cá chình. Chuyến thứ hai được thực hiện với các ngư cụ: câu vàng đáy thẳng đứng, lồng cua ghẹ.

Câu vàng thẳng đứng tầng đáy (BVL): dây câu chính của BVL gồm có nhiều dây câu nhánh (hay thẻo câu). Khoảng cách giữa hai dây câu nhánh cạnh nhau là 25 m. Trên mỗi dây câu nhánh có tám dây câu phụ dài 0,6 m và được gắn lưỡi câu. Khoảng cách giữa hai dây câu phụ gần nhau là 1,5 m (Hình 3)

 

Hình 2. Tàu nghiên cứu M.V.SEAFDEC2 được sử dụng thực hiện điều tra nghiên cứu 02 chuyến tại vùng dốc thềm lục địa Việt Nam, giai đoạn 2005 - 2006

Hình 3. Sơ đồ mô tả và thông số kỹ thuật của câu vàng đáy thẳng đứng (BVL), tàu M.V.SEAFDEC 2

Lồng cua ghẹ dạng mái vòm: Lồng có khung sắt, bao quanh là lưới (PE 200D/4x3, mắt lưới 2a = 23 mm). Lồng có hai cửa thông nhau dạng hình nón cụt (đường kính miệng trong: 110 mm; đường kính miệng ngoài: 180 mm). Trong lồng có 4 túi lưới mắt vuông đựng mồi (2a = 12 mm), thông tin chi tiết về thông số kỹ thuật của ngư cụ này được thể hiện ở hình 4.

Mồi được sử dụng cho câu vàng và lồng bẫy cua ghẹ trong hai chuyến khảo sát này là mực ống (Loligo spp), cá bạc má (Rastrelliger kanagurta) và cá nục (Decapterus spp).

2.3. Thu thập số liệu

Thông thường, thời gian ngâm của mỗi mẻ câu khoảng 5 giờ, thời gian ngâm lồng là 10 – 12 giờ. Thời gian thực hiện thu mẫu câu vàng đáy, lồng bẫy trong hai chuyến điều tra nghiên cứu do tàu M.V.SEAFDEC2 thực hiện đều là ban ngày. Sản lượng khai thác của mỗi mẻ câu, lồng được phân loại theo nhóm thương phẩm. Số lượng và khối lượng tương ứng của mỗi loài được ghi lại ở từng mẻ lưới. Những loài hải sản có giá trị kinh tế được đo chiều dài hàng loạt, phân tích mổ sinh học.

Hình 4. Thông số kỹ thuật cơ bản của lồng cua ghẹ hình mái vòm, tàu M.V.SEAFDEC 2,tháng 5 năm 2005

2.4. Xử lý số liệu

• Năng suất khai thác (CPUE) lồng ghẹ Năng suất khai thác của lồng được tính bằng sản lượng khai thác của mẻ trên 100 lồng và trong 10 giờ ngâm. Do vậy, công thức chuẩn hoá năng suất khai thác của các loại ngư cụ như sau:

Trong đó:

CPUEi là năng suất khai thác của mẻ thứ i (kg/100lưỡi/10giờ)
Catchi là sản lượng khai thác của trạm thứ i (kg)
Ni là số lượng lồng an toàn ở trạm thứ i (chiếc)
Ti là thời gian ngâm lồng ở trạm thứ i (giờ)
Năng suất khai thác trung bình chung của ngư cụ ước tính trong toàn chuyến điều tra được tính như sau:

Trong đó:

CPUE là năng suất trung bình chung của cả chuyến của ngư cụ nghiên cứu (kg/100lồng/10giờ)
N là số mẻ lưới an toàn, bao gồm cả các mẻ có sản lượng bằng không
n là số mẻ lưới có sản lượng khác không

• Năng suất khai thác (CPUE) câu đáy thẳng đứng Về nguyên tắc ước tính năng suất đánh bắt trung bình của câu vàng đáy thẳng đứng cũng tương tự như ước tính năng suất khai thác của lồng, chỉ khác là năng suất đánh bắt của nghề câu vàng đáy được cũng được chuẩn hoá và được tính theo đơn vị là sản lượng khai thác được trên 100 lưỡi câu trong 5 giờ ngâm câu. Cụ thể, năng suất khai thác của câu vàng đáy và câu đáy thẳng đứng được tính như sau:

Trong đó:

CPUEi là năng suất khai thác của mẻ câu thứ i (kg/100lưỡi/5giờ)
Catchi là sản lượng khai thác của mẻ câu thứ i (kg)
Ni là số lượng lưỡi câu an toàn ở mẻ câu thứ i (lưỡi)
Ti là thời gian ngâm câu ở mẻ câu thứ i (giờ)

• Thống kê mô tả, phân tích phương sai

Thống kê mô tả thông thường được dùng để tính toán các ước tính giá trị trung bình, lớn nhất, nhỏ nhất, khoảng dao động... Phân tích phương sai một nhân tố để kiếm chứng sự sai khác về năng suất khai thác giữa các chuyến, ngư cụ được sử dụng các phần mềm thống kê như SYSTAT 11, STATISTICA 6.0.

• Phân bố không gian

Phần mềm Mapinfor 7.0 được dùng để phân tích phân bố không gian của chỉ số nguồn lợi hải sản ở vùng biển nghiên cứu. Phân bố không gian nguồn lợi thông qua các chỉ số phong phú tương đối được trình dày dưới dạng các bản đồ phân bố mật độ.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thành phần loài

Số lượng họ hải sản bắt gặp được bằng câu vàng đáy thẳng đứng ở hai chuyến điều tra tương tự như nhau 19 – 20. Tuy nhiên, số lượng loài khác nhau khá nhiều, chuyến thứ nhất bắt gặp được 27 loài, trong khi đó chuyến thứ hai là 42 loài, sự sai khác này khả năng nhiều là do tính mùa vụ ảnh hưởng đến hệ số khai thác của ngư cụ, cũng có thể sai khác do kỹ thuật khai thác. Tổng hai chuyến điều tra của tàu M.V.SEAFDEC 2, riêng câu vàng đáy thẳng đứng đã bắt gặp được 26 họ, 56 loài hải sản ở dốc thềm lục địa Việt Nam. Đáng chú ý, số lượng loài hải sản bắt gặp bằng lồng ghẹ dạng mái vòm khá đa dạng, riêng một chuyến điều tra ngư cụ này đã đánh bắt được 50 loài thuộc 41 họ hải sản. Do ngư cụ này không được SEAFDEC sử dụng trong chuyến điều tra thứ hai nên số liệu chỉ thu được từ chuyến điều tra năm 2005.

Bảng 1. Số lượng họ, loài hải sản bắt gặp bằng lồng bẫy cua ghẹ và câu vàng đáy thẳng đứng trong 02 chuyến điều tra ở vùng dốc thềm lục địa Việt Nam, tàu M.V.SEAFDEC 2

STT

Ngư cụ sử dụng

2005

2006

Chung

Họ

Loài

Họ

Loài

Họ

Loài

1

Câu vàng đáy thẳng đứng

19

27

20

42

26

56

2

Lồng ghẹ mái vòm

41

50

Na

Na

41

50

Na: Số liệu không có do không được thực hiện thu mẫu

3.2. Thành phần sản lượng

3.2.1. Câu đáy thẳng đứng

3.2.2. Lồng khai thác cua ghẹ mái vòm

Trong số 41 họ hải sản bắt được bằng lồng khai thác cua ghẹ dạng mái vòm do tàu nghiên cứu M.V.SEAFDEC 2 thực hiện ở vùng dốc thềm lục địa Việt Nam vào tháng 5 năm 2005, có 04 họ chiếm tỷ lệ sản lượng trội hoàn toàn trong tổng sản lượng khai thác của ngư cụ. Đứng đầu là họ cá chình (Muraenidae), họ ghẹ (Portunidae) với 33% và 32% tổng sản lượng, tiếp đó là các họ cua càng dài (Goneplacidae), họ cua hộp (Calappidae) họ cá nóc (Tetraodontidae) với tỷ lệ sản lượng tương ứng như sau: khoảng 9%; 6% và 5%. Các họ còn lại chỉ chiếm khoảng 15% tổng sản lượng.

3.3. Năng suất khai thác (CPUE)

3.3.1. Câu vàng đáy thẳng đứng

Năng suất đánh bắt (kg/100lưỡi/5giờ) của câu vàng đáy thẳng đứng ở chuyến thứ nhất và thứ hai tương ứng là 0,7 kg/100lưỡi/5giờ và 1,8 kg/100lưỡi/5giờ. Trung bình năng suất khai thác của cả 02 chuyến điều tra này là 1,3 kg/100lưỡi/5giờ. Nói chung năng suất đánh bắt của ngư cụ này không cao, biến động mạnh. Tuy vậy, kết quả phân tích thống kê một nhân tố cho thấy, hai chuyến điều tra này cho năng suất khai thác khác biệt một cách có ý nghĩa, 95% độ tin cậy và P = 0,04.

3.3.2. Lồng cua ghẹ mái vòm

Năng suất đánh bắt chung của lồng cua ghẹ dạng mái vòm sử dụng trên tàu nghiên cứu M.V.SEAFDEC 2 trong chuyến điều tra đánh giá nguồn lợi ở vùng dốc thềm lục địa Việt Nam, chuyến tháng 5 năm 2005 đạt khoảng 7,2 kg/100lồng/10giờ. Số trạm nghiên cứu thực hiện có năng suất đánh bắt khoảng 3 kg/100lồng/10giờ chiếm đến 70%. Phần còn lại có năng suất đánh bắt chủ yếu khoảng 6 - 9 kg/100lồng/10giờ. Cá biệt, 01 trạm có năng suất đánh bắt cao, tương ứng với khoảng 48,0 kg/100lồng/10giờ. Do số lần lặp lại không có, theo như nội dung hợp tác điều tra với SEAFDEC, trong bài viết này, chúng tôi chỉ trình bày kết quả nghiên cứu đối với loại ngư cụ này như những kết quả bước đầu và chủ yếu mang tính tham khảo.

3.4. Phân bố không gian năng suất khai thác

Phân bố không gian năng suất khai thác (kg/100lưỡi/5giờ) của câu vàng đáy thẳng đứng và lồng bẫy cua ghẹ hình mái vòm (kg/100lồng/10giờ) được thể hiện ở hình 6. Năng suất khai thác của câu vàng đáy thẳng đứng ở chuyến thứ hai thể hiện khá rõ trên bản đồ phân bố, khu vực Phú Yên, Khánh Hòa cho năng suất khai thác cao với sự đóng góp của nhóm cá chình. Trong khi đó, khu vực biển từ Đà Nẵng đến Quảng Trị lại đại diện chủ yếu là năng suất của nhóm cá nóc (Tetrodondontidae). Lồng cua ghẹ dạng mái vòm thể hiện sự phân bố khá đồng đều năng suất đánh bắt chung, tuy vậy, vùng biển Bình Thuận đến Khánh Hòa cho năng suất đánh bắt có vẻ tốt hơn các vùng khác.

Hình 5. Phân bố không gian năng suất khai thác của câu vàng đáy thẳng đứng chuyến 1 (A), chuyến 2 (B) và của lồng ghẹ hình mái vòm (C) chuyến điều tra thứ nhất, tàu M.V.SEAFDEC 2.

4. Thảo luận

Với số lượng 56 loài, nhóm loài thuộc 26 họ hải sản được xác định từ thành phần loài có trong sản lượng khai thác của 2 chuyến nghiên cứu của tàu M.V.SEAFDEC 2 cho thấy, nghề câu vàng đáy có thể sử dụng được ở vùng biển dốc thềm lục địa Việt Nam. Đồng thời, đa phần số loài này là những loài cá có giá trị kinh tế và nhiều loài có giá trị kinh tế rất cao như nhóm cá hồng, cá song, cá mú, cá tráp, cá trác, cá chình… Ngoài ra, kích thước khai thác được của những loài này cũng khá tốt về khía cạnh sử dụng thương phẩm.

Bên cạnh đó, lồng bẫy cua ghẹ hình mái vòm cũng cho thấy vùng dốc thềm lục địa nước ta có một nguồn lợi thủy sinh rất đa dạng, chỉ với một chuyến điều tra đã thu thập được 51 loài, nhóm loài thuộc 41 họ hải sản. Sự khác biệt khá rõ về thành phần loài ở các chuyến điều tra cho thấy, sản lượng và thành phần loài có trong sản lượng của nghề câu vàng đáy phụ thuộc nhiều vào mùa vụ.

Bên cạnh nhóm loài có giá trị kinh tế cao, nhóm cá nóc (Tetraodontidae) cho sản lượng cao nhất trong tổng sản lượng của hai chuyến điều tra. Hiện nay, nguồn lợi này đang bị cấm khai thác, thương mại, sử dụng…do vậy, nên có hướng tận dụng nguồn lợi này, đặc biệt là ở vùng dốc thềm lục địa khu vực từ Quảng Ngãi đến Quảng Trị.

Để có cơ sở khoa học đủ độ tin cậy cho công tác tư vấn quản lý nghề cá, việc điều tra, đánh giá nguồn lợi tầng đáy, gần đáy vùng dốc thềm lục địa nên được tiến hành thường xuyên. Đặc biệt, tính mùa vụ của dòng chảy; địa hình đáy vùng dốc thềm cần được nghiên cứu thường xuyên, liên tục nhằm đảm bảo an toàn cho ngư cụ nghiên cứu cũng như thao tác khai thác trên biển nói chung. Và đặc biệt, hướng nghiên cứu tiếp theo nên quan tâm đến vấn đề khu hệ sinh thái biển sâu, đặc điểm sinh học, sinh trưởng của nguồn lợi hải sản biển sâu, thường là nhóm nguồn lợi “nhạy cảm”, phục hồi chậm. Đồng thời, cần có nghiên cứu sâu hơn về ngư cụ sử dụng hợp lý, ngư cụ có tính chọn lọc đối tượng khai thác cao, cũng như các mô hình quản lý hoạt động khai thác nhằm đảm bảo tính hiệu quả kinh tế đội tàu và bền vững nguồn lợi.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Long, 2001. Hiện trạng công nghệ khai thác hải sản ở vịnh Bắc Bộ. Tuyển tập các công trình nghiên cứu Nghề cá biển, Tập 2. Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà Nội.

2. Nguyễn Long, 2001. Hiện trạng công nghệ khai thác hải sản xa bờ ở Việt Nam.Tuyển tập các công trình nghiên cứu Nghề cá biển, Tập 2. Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà Nội.

3. Đặng Văn Thi, Nguyễn Bá Thông, Vũ Việt Hà và ctv. 2005. Tổng quan nguồn lợi và hệ sinh thái vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Báo cáo tổng kết dự án ALMRV, Bộ Thủy sản, Hà Nội.

4. Đặng Văn Thi, Nguyễn Bá Thông và ctv. 2005. Tổng quan nguồn lợi và hệ sinh thái vùng biển Đông Nam Bộ. Báo cáo tổng kết dự án ALMRV, Bộ Thủy sản, Hà Nội.

5. Nguyễn Bá Thông, Nguyễn Tiến Hưng, 2005. Nghề lưới giã đơn khu vực Đông Nam bộ Việt Nam, đội tàu >300CV. Báo cáo Dự án ALMRV, Hà Nội.

6. Nguyễn Bá Thông, Nguyễn Tiến Hưng, 2005. Nghề lưới giã đơn khu vực Đông Nam bộ Việt Nam, đội tàu 190 - 300CV. Báo cáo Dự án ALMRV, Hà Nội.

7. Phạm Thược, 2001. Cơ sở khoa học cho vấn đề quản lý bền vững nguồn lợi hải sản vùng biển gần bờ Việt Nam. Tuyển tập các công trình nghiên cứu Nghề cá biển, Tập 2. Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà Nội.

8. UNEP/GEF/SCS 2004. Báo cáo quốc gia – Hợp phấn Thủy sản, Dự án UNEP/GEF/SCS “Ngăn ngừa xu hướng suy thoái môi trường ở Biến Đông và vịnh Thái Lan”, Nguồn lợi hải sản và các sinh cảnh quan trọng mang tính đa quốc gia, khu vực và toàn cầu ở Biển Đông, Hải Phòng.

9. Chu Tiến Vĩnh, Đặng Văn Thi, Nguyễn Bá Thông và ctv, 2006. Những thách thức về tính bền vững của nguồn lợi hải sản Việt Nam, Hội Nghị: Phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam: Các vấn đề và cách tiếp cận, SIDA, IUCN, Hải Phòng.

Đỗ Văn Khương
Nguyễn Bá Thông


Download