General Information

Author:
Issued date: 04/11/2008
Issued by:

Content


Hàng loạt cá, chim biển và các loài sinh vật biển khác thường xuyên bị giết hoặc thải bỏ khi ngẫu nhiên mắc lưới trong quá trình đánh bắt hải sản. Được biết đến là hiện tượng sinh vật biển bị đánh bắt ngẫu nhiên, vấn đề này đang là một thách thức đối với ngành công nghiệp khai thác hải sản, các cơ quan hữu quan và những người làm công tác bảo tồn thiên nhiên.

Một nghiên cứu gần đây đề xuất biện pháp bù đắp thiệt hại do những sản lượng không mong muốn (bycatch) bằng việc làm giảm những tác động khác lên các loài bị ảnh hưởng, nhưng một phân tích mới sau đó lại cho rằng cách làm này có khi lại làm cho tình hình xấu thêm chứ chưa hẳn đã tốt lên.

Một bài báo xuất bản hồi năm ngoái trên Tạp chí Frontiers in Ecology and the Environment, đưa ra “biện pháp giảm thiểu bù đắp” đối với sản lượng không mong muốn trong hoạt động đánh bắt, trong đó sử dụng dữ liệu chết ngẫu nhiên của loài chim biển gây bởi nghề câu vàng để minh hoạ. Các tác giả cho rằng nếu tiêu diệt chuột trên các hòn đảo nơi làm tổ của loài chim biển còn có ích cho quần thể chim biển (shearwaters) hơn là việc làm giảm sản lượng không mong muốn do nghề câu vàng gây ra.

Tuy nhiên, các chuyên gia chim biển lại nghi ngờ kết quả công bố trong bài báo này. Họ cho rằng bài báo cần phải được đánh giá cẩn thận vì nó có ảnh hưởng lớn tới các chính sách về nghề cá. Lo ngại những ảnh hưởng sẽ xảy đến với các chính sách nghề cá, họ quyết định đánh giá đề xuất một cách thận trọng.

"Rất nhiều yếu tố phức tạp có liên quan tới sản lượng không mong muốn, chúng ta buộc phải kiểm tra một cách kỹ càng điểm mạnh và yếu của cách tiếp cận này và thiết lập bộ tiêu chí đánh giá, sau đó đánh giá xem cách tiếp cận này có thoả mãn được tiêu chí đó hay không rồi mới áp dụng vào thực tiễn.", bà Myra Finkelstein, một nghiên cứu sinh sau tiến sỹ ngành sinh thái học và sinh học tiến hoá tại trường Đại học California, Santa Cruz nói.

Bà Myra Finkelstein là tác giả chính của bài báo công bố trên tạp chí PLoS One số 18 Tháng 6, trong đó đánh giá tính hiệu quả (tiềm năng) của biện pháp giảm thiều bù đắp đối với sản lượng không mong muốn của các loài sinh vật biển. Bà đã làm việc cùng với rất nhiều các đồng tác giả là những chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu bảo tồn và sinh thái chim biển, lĩnh vực đánh bắt ngẫu nhiên các loài sinh vật biển, và lĩnh vực mô hình hóa các quần thể sinh vật tự nhiên. Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng biện pháp giảm thiểu bù đắp chỉ có thể thành công rất ít trong việc làm giảm hoặc bù đắp các ảnh hưởng của những sản lượng sinh vật biển bị đánh bắt ngẫu nhiên.

"Rất khó thực hiện biện pháp này trong thực tế", Finkelstein nói. "Hầu hết các loài bị đe dọa đánh bắt ngẫu nhiên là những loài có vòng đời dài (tuổi thọ cao) và sinh sản chậm. Nên nếu ngẫu nhiên đánh bắt làm chết những cá thể trưởng thành thì các quần thể sẽ không thể nhanh chóng bù đắp sự mất mát này bằng cách tăng tốc sinh sản được. Đánh bắt ngẫu nhiên là thế".

Một trở ngại đáng kể nữa là sự đánh bắt ngẫu nhiên sẽ mang đi đủ các loại thành phần loài là những loài không phải là mục tiêu đánh bắt của nghề cá, trong khi biện pháp giảm thiểu bù đắp chỉ có thể có tác dụng tới một hoặc một số ít các loài trong số chúng.

"Sản lượng sinh vật biển bị đánh bắt ngẫu nhiên không phải là một vấn đề mang tính đơn loài", Finkelstein nói. "Có rất nhiều loài không phải là đối tượng đánh bắt mà vẫn bị đánh bắt trong mỗi nghề khai thác nhất định, việc làm giảm tác động của nó lên một loài có thể sẽ gây tác động lớn hơn tới các loài khác". Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện một số lỗi trong nghiên cứu (case study) về loài chim biển flesh-footed shearwaters, là nghiên cứu đã được sử dụng để chứng minh biện pháp giảm thiểu bù đắp trong bài báo nguyên bản. Nhưng phần chính của bài báo đã đưa ra 5 tiêu chí để đánh giá cho từng đề xuất nhằm triển khai biện pháp này. Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy sự giảm thiểu để bù đắp cho sản lượng sinh vật biển vô tình mắc lưới có thể chỉ thành công trong một số ít các tình huống. Trong đa số trường hợp, họ cho biết, nó có thể đẩy tăng nhanh sự suy giảm các loài sinh vật biển hiện đang bị đe dọa bởi sự đánh bắt vô tình của nghề cá.

"Có một số trường hợp rất phức tạp. Chúng ta cần phải rất thận trọng trước khi quyết định áp dụng chính sách không ngăn cấm đối với mức chết của sinh vật biển gây bởi sự đánh bắt ngẫu nhiên, đặc biệt với những loài đang bị đe doạ nghiêm trọng", Finkelstein nói.

Các đồng tác giả của bài báo bao gồm Victoria Bakker, William Satterthwaite, và Robert Henry thuộc UCSC; Daniel Doak thuộc Trường đại học Wyoming; Ben Sullivan và John Croxall thuộc BirdLife International Global Seabird Programme; Rebecca Lewison thuộc Trường đại học San Diego State; Peter McIntyre thuộc trường đại học Michigan, Ann Arbor; Shaye Wolf thuộc Center for Biological Diversity; David Priddel thuộc Australian Department of Environment and Climate Change; Jennifer Arnold thuộc trường đại học Bang Pennsylvania và Paul Sievert thuộc trường đại học Massachusetts, Amherst.

Duyên Hương dịch

Nguồn: ScienceDaily, 24/6/2008, http://www.sciencedaily.com/releases/2008/06/080617204522.htm


Download