General Information

Author:
Issued date: 24/11/2009
Issued by:

Content


1. MỞ ĐẦU

Tuy những khảo sát về sinh vật ở vùng biển QĐTS đã được tiến hành nghiên cứu khá sớm, nhưng đến năm 1927 nguồn lợi cá rạn san hô (RSH0 ở vùng biển này mới bắt đầu được quan tâm nghiên cứu nhưng tư liệu thu thập được không nhiều. Từ sau ngày thống nhất đất nước, công tác nghiên cứu vùng biển QĐTS được đẩy mạnh và đã bổ sung nhiều tư liệu về cá RSH. Bài báo này tổng hợp các kết quả nghiên cứu và tư liệu do tác giả thu thập và xử lý trong 2 năm 2002-2003 tại 4 đảo thuộc quần đảo Trường Sa (Đá Tây, Tốc Tan, Sinh Tồn và Đá Nam) trong khuôn khổ để tài Đánh giá nguồn lợi sinh vật biển và hiện trạng môi trường vùng biển QĐTS do Phân viện Hải dương học tại Hải Phòng (nay là Viện Tài nguyên và Môi trường biển) tiến hành.

2. TÀI LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Tài liệu sử dụng trong bài báo này dựa trên kết quả nghiên cứu 2 năm 2002-2003 tại các đảo Đá Tây, Tốc Tan, Sinh Tồn và Đá Nam thuộc quần đảo Trường Sa. Tại mỗi đảo, khảo sát 4 mặt cắt theo các hướng Bắc, Nam, Đông, Tây, ở độ sâu trong khoảng từ 4-29 mét nước. Do điều kiện thời tiết và thiết bị không cho phép nên chỉ tiến hành khảo sát thực địa vào tháng 4/2002 và tháng 4/2003.

Để tiến hành thu thập tư liệu, cán bộ khoa học sử dụng phương pháp lặn sâu có bình khí (SCUBA diving) và quan sát cá trực tiếp (English et al, 1997) dọc theo dây mặt cắt với tổng diện tích ước đoán cho mỗi mặt cắt theo loài nếu có thể và ghi lại số lượng cá thể của từng loài. Ngoài ra còn dùng máy quay phim và chụp ảnh dưới nước để ghi lại các loài đã gặp, phục vụ cho phân loại và các nghiên cứu về sinh thái tập tính khác.

Mẫu vật cá được thu chủ yếu bằng câu tay quanh các chân rạn vào lúc chiều tối và sáng sớm hôm sau. Ngoài ra thử nghiệm các phương pháp khác như vây lưới quanh các bụi san hô, dùng súng bắn cá tự tạo để thu mẫu cá trong các hang hốc, quan sát trực tiếp và chụp ảnh cá từ các tàu khai thác của ngư dân quanh khu vực khảo sát.

Phân tích mẫu vật và ảnh chụp, băng hình tại phòng thí nghiệm của Viện. Tên khoa học của cá xác định theo các tác giả trong và ngoài nước, có tham khảo phần mềm Fish Base 2004.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Thành phần loài

Đã xác định khu hệ cá RSH vùng biển nghiên cứu có 332 loài, 131 giống trong 44 họ. CÁc họ cá RSH điển hình chiếm ưu thế về số lượng loài trong họ nêu trong bảng 1.

Bảng 1. Các họ cá chủ yếu trong cấu trúc khu hệ cá RSH quần đảo Trường Sa

STT

Tên họ

Số loài

Tỷ lệ % trên tổng số loài

1

Họ cá Thia Pomacentridae

50

15,06

2

Họ cá Bàng chài Labridae

47

14,15

3

Họ cá Bướm Chaetodontidae

28

8,40

4

Họ cá Đuối gai Acanthuridae

23

6,93

5

Họ cá Mó Scaridae

22

6,62

6

Họ cá Mú Serranidae

21

6,61

7

Họ cá Sơn đá Holocentridae

11

3,31

8

Họ cá Hồng Lutjanidae

9

2,71

9

Họ cá Bò Balistidae

9

2,1

10

Họ cá Sơn biển Apogonidae

7

2,1

11

Họ cá Phèn Mullidae

7

2,1

12

Họ cá Bướm đuôi gai Pomacanthidae

7

2,1

13

Họ cá Lú Pinguipedidae

5

1,5

14

Họ cá Mù làn Scorpaenidae

5

1,5

15

Họ cá Miền Caesionidae

5

1,5

16

Họ cá Hè Lethrinidae

5

1,5

17

Họ cá Bống trắng Gobiidae

5

1,5

So với các vùng RSH ven bờ của Việt Nam, QĐTS là vùng có số lượng loài cao nhất (332 loài) đại diện cho khu hệ cá RSH nhiệt đới điển hình (Bảng 2) và có sự tương đồng cao về tính chất khu này sẽ là tiền đề cho những nghiên cứu sâu hơn về tiến hoá của cá rạn cũng như giả thuyết về vai trò phát tán nguồn giống trong khu vực Biển Đông với các vùng vạn ven bờ của các nước trong khu vực Đông Nam Á (McManus J, 1996).

Bảng 2. So sánh sự đa dạng về số lượng loài RSH ở một số RSH biển Việt Nam

Rạn san hô

Họ

Giống

Loài

Hạ Long

41

71

111*

Cù lao Chàm

31

77

187**

Cù lao Cau

35

87

211**

Nha Trang

41

200

256**

An Thới

25

60

135**

Côn Đảo

27

68

160**

QĐTS

49

131

332

* Nguyễn Văn Quân, 2003, ** Nguyễn Hữu Phụng và Nguyễn Văn Long, 1991

Chỉ số đa dạng loài H’ của các quần xã cá RSH khu vực QĐTS tương đối cao so với các rạn vùng ven bờ, dao động từ 2,43 -3,09 (bảng 3). Điều này có thể lý giải được là do số loài bắt gặp trên các mặt cắt khảo sát cao và ít gặp các loài ưu thế.

Bảng 3. Chỉ số H’ của quần xã cá RSH ở một số RSH biển Việt Nam

Rạn san hô

Chỉ số H’

Hạ Long

0,74

Cù lao Chàm

1,23

Cù lao Cau

1,28

Đá Tây

2,56

Tốc Tan

2,74

Sinh Tồn

3,09

Đá Nam

2,43

3.2. Đặc trưng phân bố sinh thái

Phân bố số lượng loài giữa các mặt cắt khảo sát thể hiện mối tương quan thuận giữa cá và độ phủ của san hô sống

So sánh phân bố số lượng loài giữa các mặt cắt khảo sát (Bảng 4) nhận thấy có sự chênh lệch về số lượng loài giữa các mặt cắt trong cùng một địa điểm khảo sát và giữa các địa điểm khảo sát với nhau. Tham khảo số liệu về độ phủ san hô ở các địa điểm khảo sát của Nguyễn Đăng Ngải và Nguyễn Huy Yết trong cùng chuyến khảo sát cho thấy có mối tương quan thuận giữa độ phủ của sna hô với sự đa dạng về thành phần giống loài nhóm cá RSH. Sự khác biệt này một phần có liên quan đến hiện trạng và cấu trúc của RSH ở các mặt cắt khảo sát. Các RSH có độ phủ san hô sống cao tạo ra nhiều sinh cảnh nhỏ cho cá ẩn nấp cũng như cung cấp nguồn thức ăn phong phú cho nhóm cá sống kèm (Gomez et, 1988). Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu ở các RSH ven bờ Việt Nam của các tác giả từ trước tới nay.

Bảng 4. So sánh sự đa dạng về thành phần loài giữa các mặt cắt khảo sát cá RSH quần đảo Trường Sa

Rạn san hô

Số loài bắt gặp trên các mặt cắt khảo sát

Bắc

Nam

Đông

Tây

Đá Tây

67

81

72

59

Tốc Tan

95

42

69

75

Sinh Tồn

71

97

89

53

Đá Nam

39

63

52

57

Sự phức tạp trong cấu trúc nền đáy liên quan mật thiết đến sự phân bố của nhóm cá đi kèm RSH ven bờ Việt Nam của các tác giả từ trước tới nay

Tính chất đặc thù và phức tạp về địa hình của các đảo thuộc QĐTS đã tạo ra sinh cảnh khác nhau cho nhiều tập hợp loài khác nhau cùng sinh sống. Đối với nhóm cá RSH, các tập đoàn cá có những kiểu sống thích nghi với nơi cư trú như sau:

Sống trong các quần thể san hô tạo rạn: đây là phương thức sống chủ yếu của hầu hết các nhóm cá rạn. Các quần thể san hô cành Acropora sp. đóng vai trò quan trọng hơn cả đối với sự phân bố của nhóm cá rạn sống kèm thông qua việc cung cấp cho cá 2 yếu tố cơ bản là nguồn thức ăn (có thể trực tiếp hoặc gián tiếp) và nơi ẩn trốn kẻ thù. Các nhóm cá cư trú trong các cụm san hô cành thường là những nhóm cá nhỏ thuộc các họ cá Thia (Chromis atripetoralis, Dascyllus reticulatus), cá Bướm (Chaetodon trifasciatus, C.octofasciatus), cá Đuôi gai (Acanthurus nigrofuscus) với mật độ rất cao: nhóm cá Thia – 850 con/mặt cắt ở đảo Đá Tây, cá Đuôi gai – 417 con/mặt cắt ở đảo Đá Nam và cá Bướm – 230 con/mặt cắt ở đảo Sinh Tồn. Đặc điểm chung về hình thái của nhóm cá sống theo phương thức này là có thân hình cao, màu sắc sặc sỡ, bơi lội chậm chạp và ít khi ra khỏi nơi cư trú. Ở các khe rãnh của các đảo hoặc các sườn dốc của các rạn, chúng thường tập trung thành từng đàn riêng khoảng vài chục đến hàng trăm cá thể hoặc sống lẫn với các quần thể cá khác.

Những hang hốc trong rạn do san hô tạo ra hoặc các khe rãnh do quá trình đứt gãy tự nhiên tạo ra là nơi ẩn náu của phần lớn các nhóm cá ăn động vật. Các đại diện tiêu biểu phân bố trong loại sinh cảnh này thuộc các họ cá Lịch biển (Gymnothorax fimbriatus), cá Mú (Epinephelus urodeta), một vài đại diện thuộc họ cá Bống trắng (Gobiodon spp)… thì dành phần lớn thời gian trong các hang hốc do chúng tự đào trên nền cát sỏi lẫn với vụn san hô. Phương thức bắt mồi bằng hình thức chủ động truy đuổi khi có con mồi bơi ngang qua hang.

Sự đa dạng trong cấu trúc nền đáy RSH còn thể hiện ở sự đa dạng về các dạng sống ở đáy. Các thảm rong, cỏ biển phân bố xen lẫn với rạn là nơi ở lý tưởng cho nhóm cá ăn tạp có khả năng bơi lội chậm, màu sắc nguỵ trang phù hợp với môi trường và tìm kiếm thức ăn trên nền của sỏi vụn san hô, rong, cỏ biển. Khi gặp kẻ thù truy đuổi chúng ẩn mình trong các cụm rong cỏ, rất khó phát hiện. Đại diện của nhóm này thuộc các họ cá Sơn (Cheilodiptelus quinquelineatus), cá Phèn (Upeneus tragula).

Quan hệ cộng sinh được thể hiện rõ nét ở một số cá RSH

Một số loài cá có phương tức cộng sinh với vật chủ rất đặc biệt. Ví dụ: cá khoang cổ Amphiprion clarkia cộng sinh với hải quỳ, cá Labroides dimidiatus (họ cá Bằng chài) chuyên chui vào miệng và mang của các loài cá khác.

3.3. Đánh giá tiềm năng tài nguyên và hiẹn trạng sử dụng

Tiềm năng tài nguyên cá RSH vùng biển QĐTS được thể hiện ở các khía cạnh sau:

Giá trị khoa học: Đây là vùng biẻn đảo ẩn chứa một “ngân hàng gen” vô gí cho các quốc gia ven Biển Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Sẽ có nhiều loài mới cho Việt Nam cũng như cho khoa học được phát hiện nếu mở rộng phạm vi nghiên cứu ra các đảo khác trong QĐTS.

Giá trị du lịch và giải trí : Tính đa dạng cao trong thành phần loài cá RSH ở QĐTS với sự đa dạng về hình thái và màu sắc tổ điểm thêm vẻ đẹp của các RSH nhiệt đới. Đây có thể là một trong những thuận lợi để phát triển ngành du lịch lặn sinh thái ngầm khi điều kiện cho phép. Bên cạnh đó đây cũng là khu vực có khả năng cung cấp nguồn giống cá cảnh cho các trung tâm nuôi du lịch ven bờ và phục vụ xuất khẩu.

Giá trị thương phẩm : Nhóm cá thương phẩm chủ yếu thuộc các họ cá Mó, cá Song, cá Hồng với 52 loài trong tổng số các loài đã phát hiện ở vùng biển này. Đặc biệt là Bàng chài đầu gù Cheilinus undulatus rất thường gặp trên các mặt cắt khảo sát. Đây là nhóm loài cá giá trị kinh tế cao trên thị trường tiêu thụ cá tươi sống.

Khảo sát thực tế cho thấy nghề câu cá rạn và nghề lặn có máy nén khí là các nghề khai thác cá rạn hiệu quả nhất. Cho đến nay chưa điều tra chi tiết về nghề câu cá mập trong phạm vi nghiên cứu.

Theo nhận định của ngư dân và bộ đội trên đảo, 10 năm trở lại đây nguồn lợi cá rạn giảm sút rất nhiều do bị khai thác bằng các biện pháp mang tính hủy diệt như mìn, thuốc độc. Ngoài ra, việc phá huỷ RSH để xây dựng các công trình quân sự ở các đảo chìm cũng là nguyên nhân gián tiếp phá hoại nơi cư trú của cá, dẫn tới làm suy giảm nguồn lợi cá RSH ở vùng biển này.

4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Kết quả điều tra nguồn lợi cá RSH trong hai năm 2002 và 2003 tại 4 đảo Đá Tây, Tốc Tan, Sinh Tồn và Đá Nam đã bổ sung 132 loài mới cho “Danh mục cá RSH vùng biển QĐTS, 1991”. Khu hệ cá RSH ở vùng biển QĐTS có tính đa dạng sinh học thuộc vào hạng cao nhất so với các vùng RSH khác trong vùng biển ven bờ Việt Nam. Đây là khu hệ cá nhiệt đới điển hình với sự đa dạng cao về thành phần loài các họ cá RSH chủ yếu.

Đặc trưng phân bố sinh thái cá RSH khu vực nghiên cứu liên quan mật thiết tới độ phủ san hô sống, tính chất phức tạp trong cấu trúc nền đáy, sự đa dạng của các hợp phần sống và quan hệ cộng sinh của các nhóm cá đặc thù.

Tiềm năng tài nguyên cá RSH khu vực này đảm bảo phát triển bền vững các nghề câu tay, lặn có máy nén khí trên cơ sở quản lý và sử dụng hợp lý nguồn lợi.

Trên cơ sở các nghiên cứu về nguồn lợi cá RSH ở khu vực, cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về: Đánh giá trữ lượng cá RSH của khu vực; Mối quan hệ giữa cấu trúc RSH và quần xã cá rạn; Quá trình phát tán nguồn giống giữa các vùng rạn với vùng nước ven bờ; Đặc điểm sinh học của một số họ cá có giá trị kinh tế cao để phục vụ cho công tác tái tạo nguồn lợi tự nhiên và nuôi trồng thủy sản ở khu vực.

Nguyễn Văn Quân
Viện Tài nguyên và Môi trường biển - Tạp chí Thủy sản, số 11/2005


Download