General Information
Author:Issued date: 10/11/2006
Issued by:
Content
Ở nước ta đối tượng này còn ít được nghiên cứu. Trong báo cáo kết quả điều tra động vật vùng triều của Tổng cục thuỷ sản các năm 1966-1967, hai tác giả Trần Hữu Doanh và Nguyễn Như Tùng đã thống kê 133 loài động vật thân mềm, trong đó có tên loài tu hài Lutraria philippinarum Deshayes.
Trong các năm 1977-1979, Nguyễn Xuân Dục đã tiến hành nghiên cứu khá chi tiết về tình hình phân bố, đánh giá trữ lượng cùng các đặc điểm sinh học và sinh thái loài tu hài ở vùng biển Cát Bà: sinh trưởng sinh sản, và quan hệ với các điều kiện môi trường sống như nhiệt độ và độ mặn nước biển, sinh vật phù du và chất đáy.
Cũng trong năm 1978, trên cơ sở các mẫu vật thu được ở vùng biển Cát Bà, Mai Văn Minh (Khoa Sinh học, Đại học Tổng hợp Hà Nội) đã tiến hành nghiên cứu thành phần sinh hoá của thịt tu hài.
Sau thời gian dài gián đoạn (trên 10 năm) cho tới năm 2001, đối tượng này lại được tiếp tục nghiên cứu. Lê Xân và ctv thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I, bước đầu đã nghiên cứu tìm hiểu đặc điểm sinh học, sinh sản và sản xuất giống nhân tạo tu hài (Lutraria philippinarum Deshayes) ở vùng biển Cát Bà. Tiếp đó Hà Đức Thắng, Nguyễn Xuân Dục và cộng sự cũng tiến hành nghiên cứu các đặc điểm sinh học và sản xuất giống nhân tạo, nuôi đối tượng này ở vùng biển Cát Bà và Quảng Ninh bước đầu có kết quả. Hợp phần Hỗ trợ Nuôi trồng Thuỷ sản biển và nước lợ (SUMA) của Bộ Thuỷ sản cũng tiến hành nuôi thử nghiệm tu hài ở vùng biển Quảng Ninh.
Năm 2004, với sự giúp đỡ của SUMA, Vũ Văn Toàn và Đặng Khánh Hùng đã xuất bản tài liệu “Kỹ thuật ương giống và nuôi tu hài thương phẩm”. Trong tài liệu đã giới thiệu đặc điểm sinh học của tu hài, kỹ thuật ương giống và nuôi tu hài thương phẩm. Phần phụ lục có viết sơ bộ tính hiệu quả kinh tế và những khuyến cáo.
Năm 2005 trong tuyển tập Quy trình công nghệ sản xuất giống thuỷ sản – Hà Đức Thắng đã công bố quy trình công nghệ sản xuất giống tu hài (Lutraria philippinarum Reeve, 1854). Trong quy trình tác giả có nêu một số đặc tính sinh học của tu hài (hình dạng cấu tạo, vị trí phân loại, đặc tính sinh thái). Sự phát triển của tu hài (quá trình biến thái, kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo).
Tuy nhiên phương thức và kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cũng như nuôi; đặc biệt là tổ chức thăm dò khảo sát trên biển còn nhiều vấn đề tồn tại, cần được tiếp tục nghiên cứu.
Mặt khác do nhu cầu thị trường ngày một tăng, kỹ thuật khai thác đang được hoàn thiện một cách nhanh chóng, nhịp điệu phát triển của nó diễn ra nhanh, mạnh đã làm môi trường và nguồn lợi ngày càng suy thoái; vấn đề bảo tồn và phát triển bền vững trở nên bức xúc. Các ý tưởng nghiên cứu về động vật quý hiếm nói chung và nguồn lợi tu hài nói riêng liên tục được đề xuất và triển khai trong mấy năm gần đây.
Xuất phát từ thực trạng trên Bộ Thuỷ sản cho phép Trung tâm Tư vấn, Chuyển giao Công nghệ Nguồn lợi Thuỷ sinh và Môi trường thực hiện đề tài “Điều tra hiện trạng và đề xuất một số giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi tu hài ở vùng biển Hải Phòng- Quảng Ninh” từ năm 2004-2005 do PGS.TSKH. Phạm Thược làm chủ nhiệm đề tài.
Mục tiêu của đề tài:
- Xác định khu vực phân bố, trữ lượng và khả năng khai thác
- Đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát triển nguồn lợi tu hài ở vùng biển Hải Phòng – Quảng Ninh.
Nội dung nghiên cứu:
- Điều tra khảo sát và đánh giá một số hệ sinh thái, nguyên nhân giảm sút môi trường và nguồn lợi tu hài vùng biển Hải Phòng-Quảng Ninh
- Đánh giá thực trạng nguồn lợi tu hài
- Đánh giá hiện trạng sử dụng, mối đe doạ đến nguồn lợi tu hài
- Nuôi thử nghiệm tu hài
- Đề xuất các giải pháp tái tạo và phục hồi nguồn lợi tu hài.
Vị trí phân loại:
Ngành: Mollusca
Lớp: Bivalvia
Bộ: Eulamellibranchia
Họ: Mactridae
Giống: Lutraria
Loài: Lutraria philippinarum Deshayes, 1884
Tên tiếng Việt: tu hài
Tên tiếng Anh: Geo-Duck (Otter Clam)
Trong 2 năm đề tài đã tiến hành được 4 chuyến biển điều tra và khảo sát nguồn lợi tu hài vào các tháng 6 và 9/2004; tháng 4 và 8/2005. Phạm vi nghiên cứu từ vùng biển Hải Phòng đến Quảng Ninh. Nuôi thử nghiệm tại Cát Bà và di giống vào nuôi tại khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang.
Tu hài (Lutraria philippinarum)
Kết quả nghiên cứu:
Tu hài là loại động vật có giá trị kinh tế cao hơn các loài động vật hai mảnh vỏ khác và hơn nhiều loài cá phân bố ở Việt
Thịt tu hài khá giàu chất dinh dưỡng, trong thịt có chứa 11,63% đạm, 0,42% đường, 1,22% muối khoáng và đặc biệt là 18 loại axit amin, trong đó có một số là những axit amin không thay thế.
ở vùng biển Hải Phòng-Quảng Ninh, tu hài phân bố chủ yếu ở Vạn Bội, vịnh Lan Hạ, Cát Dứa, Lão Vọng, Cống Kê, Cáp Quan, Vạn Dong, Soi Gianh, Đầu Bê, Cửa Vạn và Lạch Miều. Hai khu vực tập trung chủ yếu là từ đông đảo Cát Bà đến Hòn Đá Mài và từ Đảo Cống Tây đến Cây Khế Đông.
Tu hài sinh sống chủ yếu ở vùng nước nông, náu mình dưới bãi cát ngập nước biển. Chúng thích nghi với những bãi cát trắng, cấp hạt trung bình có lẫn xác vỏ động vật thân mềm, cành san hô chết nát vụn, nơi ít sóng, thuỷ triều lên xuống, ưa sống ở môi trường nước sạch. Đặc biệt tu hài rất thích sự yên tĩnh, không có sự tác động nhiều của con người. Vì vậy, khi đi bắt tu hài phải bước thật khẽ, rón chân không cho động nước thành sóng, vậy mà tu hài vẫn biết và thụt xuống.
Từ tháng 5-11 là mùa khai thác tu hài, hàng năm vùng biển Hải Phòng –Quảng Ninh khai thác được khoảng 100 tấn; tuy nhiên rất khó khai thác tu hài trong những tháng mùa đông giá lạnh vì chúng chui sâu trong cát. Chúng sống chủ yếu trong vùng nước có nhiệt độ từ 22-28oC và độ mặn từ 30-32%o, phân bố tới vùng biển có độ sâu 15m (đảo Long Châu).
Mùa vụ nuôi tu hài: thời gian nuôi tốt nhất là 2-3 năm (từ dạng ấu trùng) thì trở thành tu hài thương phẩm. Tốc độ lớn của tu hài ở vùng bãi triều tự nhiên (nuôi đáy) nhanh hơn nuôi xung quanh bè (nuôi treo). Kết quả bước đầu thấy rằng tu hài có thể di giống vào nuôi và phát triển nguồn lợi tại vùng biển Nha Trang.
Mặc dù tu hài có giá trị kinh tế cao và là một trong các loài hải sản quý hiếm, tuy nhiên nguồn lợi này không nhiều. Nếu như không được sản xuất con giống nhân tạo bằng phương pháp thích hợp thả ra biển thì nguồn lợi tu hài ngày càng suy thoái, cạn kiệt.
Trong những năm tới cần tiếp tục nghiên cứu về phân bố, hoàn thiện đánh giá trữ lượng và khả năng khai thác bền vững của tu hài làm cơ sở để đề xuất các giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi quý hiếm này.
Hoàn thiện quy trình sản xuất giống và ương nuôi nhân tạo cũng như di giống tới những vùng sinh thái mới, thả vào thiên nhiên nhiều con giống nhân tạo thì nguồn lợi này mới được duy trì và phát triển.
Tài liệu tham khảo
Phạm Thược, 2006. Điều tra hiện trạng và đề xuất một số giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi tu hài ở vùng biển Hải Phòng – Quảng Ninh. Viện Nghiên cứu Hải sản, Hải Phòng.
GS.TS. Phạm Thược
Download