General Information
Author:Issued date: 24/11/2009
Issued by:
Content
Theo định nghĩa của IUCN (1991): “Bảo tồn là sự quản lý, sử dụng của con người về sinh quyển nhằm thu được lợi nhuận bền vững cho thế hệ hiện tại trong khi vẫn duy trì tiềm năng để đáp ứng những yêu cầu và nguyện vọng của thế hệ tương lai”. Do đó, bảo tồn là hướng tích cực bao gồm việc bảo vệ, duy trì, sử dụng bền vững tài nguyên biển, phục hồi và cải thiện môi trường tự nhiên. Trước thực trạng toàn cầu về những đe doạ đối với tài nguyên biển và ven biển như ô nhiễm môi trường, hoạt động tàu thuyền, sự cố dầu tràn, đánh bắt quá mức, khai thác bằng phương pháp huỷ diệt...đã làm suy giảm khoảng 58% rạn san hô toàn cầu, trong đó có tới 27% ở mức rủi ro cao và rất cao, tính đa dạng sinh học ngày càng bị giảm sút nghiêm trọng. Riêng khu vực ASEAN các con số tương ứng là 80% và 55%. Các thảm cỏ biển cũng đang bị phá huỷ từ 30 - 60% (Nguyễn Chu Hồi, 2000). Nguồn lợi hải sản ven bờ của hầu hết các nước trong khu vực đang có nguy cơ bị cạn kiệt. Các loài quý hiếm như cá heo, rùa biển, rắn biển, cá song, cá thu .v.v. cũng đang có nguy cơ bị đe doạ (IUCN, 1994). Vì vậy, việc hình thành các khu bảo tồn biển đã và đang trở thành vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu hiện nay.
2. Tình hình nghiên cứu và thiết lập các khu bảo tồn biển trên thế giới
Trong chiến lược bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới (IUCN,1991) đã nhấn mạnh “con người tồn tại như một phần của tự nhiên, nếu không bảo tồn tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên thì sẽ không có tương lai”. Chiến lược đã khẳng định rằng “bảo tồn không thể thành công nếu không có những kế hoạch quản lý, qui hoạch cụ thể và phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng sống xung quanh và trong khu bảo tồn”. Nội dung của chiến lược còn nhấn mạnh sự phụ thuộc lẫn nhau giữa bảo tồn và phát triển, chiến lược bảo tồn còn đưa ra một khái niệm đó là “Sự phát triển bền vững”. Trong đó, chiến lược bảo tồn thế giới đã nhấn mạnh vào 3 mục tiêu chính sau (IUCN, 1991): (1) Duy trì những tiến trình sinh thái quan trọng, (2) Bảo vệ đa dạng nguồn gen và (3) Sử dụng bền vững loài và các hệ sinh thái. Trên thực tế, cho đến nay nhiều nước trong khu vực Châu á cũng đã có nhiều hoạt động nghiên cứu thiết lập các khu bảo tồn thiên nhiên biển nhằm bảo tồn và sử dụng hợp lý nguồn lợi.
Tính đến năm 1970, trên thế giới đã có khoảng 118 khu bảo tồn biển (KBTB) ở 27 nước. Đến năm 1985 đã có 470 KBTB ở 69 nước và 298 KBTB đang được đề nghị thành lập. Cho đến nay, trên toàn thế giới đã thống kê được trên 1310 KBTB, phân bố trong 18 vùng địa sinh vật biển, trong đó Việt Nam nằm ở vùng biển Đông á (vùng số 13) (Kellcher, 2001). Trong số 1310 KBTB đã được thống kê, có khoảng 640 KBTB được xác định là ưu tiên quốc gia về mặt bảo tồn đa dạng sinh học, 155 KBTB được xác định là có giá trị ưu tiên khu vực. Nếu so sánh với bảo tồn thiên nhiên trên đất liền thì vấn đề bảo tồn biển còn rất chậm. Hơn nữa, diện tích biển gấp khoảng 2,5 lần tổng diện tích đất liền của thế giới, nhưng cho đến nay mới chỉ khoảng 1 % diện tích biển là các khu bảo tồn biển được thiết lập (Salm & Clark, 2003).
3. Tình hình nghiên cứu và thiết lập các khu bảo tồn biển ở Việt Nam
Vấn đề thiết lập các KBTB đã được đề cập từ những năm 1980 trong khuôn khổ của chương trình biển Nhà nước với các đề xuất hình thành các KBTB ở Côn Đảo, Cát Bà và Sinh Tồn. Trong thời kỳ 1992-1994, với sự hỗ trợ của WWF và Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, Viện Hải dương học đã tiến hành các nghiên cứu về tính đa dạng sinh học, hiện trạng sử dụng nguồn lợi và tiềm năng bảo tồn thiên nhiên ở một số vùng và đề xuất 7 khu vực ưu tiên để thiết lập KBTB.
Bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô tại Phú Quốc
Đó là Cát Bà (Hải Phòng), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Hòn Mun (Nha Trang), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Phú Quốc (Kiên Giang). Tất cả các khu vực đề xuất đều lấy rạn san hô làm trọng tâm vì tầm quan trọng của chúng về tài nguyên và môi trường. Bên cạnh đó, nhiều khu rừng ngập mặn đã được qui hoạch trong hệ thống bảo tồn rừng thuộc sự quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Nguyễn Chu Hồi, 2000).
Bộ Khoa học Công nghệ & Môi trường và Phân viện Hải dương học tại Hải Phòng (1998-1999) đã nghiên cứu cơ sở khoa học qui hoạch hệ thống KBTB Việt Nam với một danh mục 15 KBTB. Cho đến năm 1999, hệ thống gồm 15 KBTB này đã được đề nghị và trình Chính Phủ phê duyệt. Cùng thời gian này, WWF và Ngân hàng Phát triển Châu á (ADB) cũng đưa ra một kế hoạch các khu bảo tồn biển và ven biển Việt Nam. Kế thừa các kết quả nghiên cứu trên, Bộ Thuỷ sản (2000-2003) đã tiếp tục cập nhật thông tin kinh tế-xã hội và những thay đổi về quản lý ở 15 địa điểm đề xuất (chủ yếu bằng cách đánh giá nhanh) để rà soát lại qui hoạch và xây dựng qui chế quản lý các KBTB ở cấp quốc gia.
Với sự tài trợ của Danida, WB-GEF và IUCN, dự án KBTB thí điểm Hòn Mun (2001-2005) đã tiến hành đánh giá đa dạng sinh học phục vụ lập kế hoạch quản lý khu bảo tồn này. Sự đầu tư vào khu bảo tồn biển Hòn Mun, Khánh Hoà (nay là khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang) là một mô hình triển khai thử nghiệm. Sau 5 năm hoạt động, khu bảo tồn Hòn Mun đã được các chuyên gia của Bộ Thuỷ sản, Chính phủ Đan Mạch, Ngân hàng Thế giới, WWF và IUCN đánh giá là một mô hình khá thành công và đạt được những hiệu quả tốt về bảo tồn biển, đây là một minh chứng khả thi cho việc thiết lập và quản lý các khu bảo tồn biển ở Việt Nam.
Đến năm 2003-2004, Viện Nghiên cứu Hải sản phối hợp với Phân viện Hải dương học tại Hải phòng tiến hành khảo sát, nghiên cứu bổ sung cơ sở khoa học cho việc qui hoạch và quản lý hai KBTB Cát Bà và Cô Tô. Nội dung chủ yếu là khảo sát đa dạng sinh học, rạn san hô, thảm rong cỏ biển, hệ sinh thái rừng ngập mặn và hệ sinh thái vùng triều. Kết quả nghiên cứu đã xây dựng qui hoạch và đề xuất kế hoạch quản lý tài nguyên trong khu bảo tồn biển Cát Bà và Cô Tô (N.Q.Hùng, Đ.V.Khương và Đ.C.Thung, 2005; Đ.V.Khương, Đ.C.Thung và N.Q.Hùng, 2005a, 2005b).
Bảo tồn và phát triển sinh vật sống trong vùng rạn tại Côn Đảo
4. Một số nhận xét và đề xuất ý kiến
Như vậy, những hoạt động nêu trên đã khái quát được những kinh nghiệm của thế giới và khu vực trong thời gian qua, đã chứng tỏ được tính hiệu quả, thực tiễn và khả thi trong việc thiết lập, qui hoạch và quản lý các khu bảo tồn biển nhằm quản lý, bảo tồn các hệ sinh thái, bảo tồn các loài quí hiếm đặc hữu, phát triển sinh kế thay thế, thúc đẩy phát triển kinh tế-văn hoá-xã hội và sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo. Tuy nhiên, khi áp dụng việc thiết lập và quản lý các khu bảo tồn biển còn phải dựa trên điều kiện cụ thể về yếu tố tự nhiên, môi trường, kinh tế-xã hội và văn hoá riêng, đặc trưng của mỗi nước và khu vực.
Nghiên cứu đa dạng sinh học trong khu bảo tồn biển
ở Việt Nam, trong những năm gần đây vấn đề bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là việc triển khai các hoạt động thiết lập các khu bảo tồn biển đã được Chính Phủ và các Bộ, Ngành quan tâm. Tuy nhiên, cho đến nay hệ thống mạng lưới các khu bảo tồn biển vẫn chưa được hình thành, hầu hết các hoạt động bảo tồn biển mới mang tính chất địa phương, chưa có hệ thống. Vì vậy, trước mắt cần triển khai đánh giá tổng thể hiện trạng tài nguyên, môi trường và kinh tế xã hội tại một số khu bảo tồn biển ưu tiên nhằm xúc tiến nhanh việc xây dựng hồ sơ và thiết lập các khu bảo tồn biển trong mạng lưới 15 KBTB Việt Nam.
tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Chu Hồi, 2000. Cơ sở khoa học qui hoạch hệ thống các khu bảo tồn biển Việt Nam. Tài nguyên môi trường biển, tập IV. Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội. Tr. 48-56.
2. Nguyễn Quang Hùng, Đỗ Văn Khương và Đỗ Công Thung, 2005. Đánh giá tiềm năng thiết lập khu bảo tồn biển Cát Bà. Tạp chí thuỷ sản, số 7/2005, tr. 17-19.
3. Đỗ Văn Khương, Đỗ Công Thung và Nguyễn Quang Hùng, 2005a. Cơ sở khoa học cho việc qui hoạch và quản lý khu bảo tồn biển Cát Bà. Kỷ yếu hội thảo toàn quốc về bảo vệ môi trường và nguồn lợi thuỷ sản - Bộ Thuỷ sản. Nxb Nông nghiệp Hà Nội, Tr.512-525.
4. Đỗ Văn Khương, Đỗ Công Thung và Nguyễn Quang Hùng, 2005b. Đánh giá tiềm năng bảo tồn quần đảo Cô Tô-Thanh Lân. Kỷ yếu hội thảo toàn quốc về bảo vệ môi trường và nguồn lợi thuỷ sản - Bộ Thuỷ sản. Nxb Nông nghiệp Hà Nội, Tr. 526-536.
5. IUCN, 1991. World conservation strategy: Living resources conservation for sustainable development, IUCN - UNEP -WWF,
6. IUCN, 1994. Guidelines for Protected Area Managed categories. Commission on National Parks and Protected area, 1994 and World Conservation monitoring Center Publication, pp. 42-86.
7. Kellcher G., R, 2001. Guidelines for establishing marine protected area. A marine Conservation and Development report. IUCN publication, pp. 124-129.
8. Salm, R. V. & Clark, J. R., 2003. Marine and Coastal Protected Areas: A guide for Planners and Managers. IUCN,
Nguyễn Quang Hùng
Download