General Information
Author:Issued date: 30/07/2008
Issued by:
Content
Các loài san hô Corallium chủ yếu được khai thác để phục vụ ngành kinh doanh san hô quí. Khung xương nhiều màu sắc của san hô Corallium được xem là một loại trang sức rất có giá trị và được đánh giá cao trong chế tạo mỹ nghệ Giới thiệu.
Đặc điểm sinh học
Corallium là một giống san hô gồm 26-31 loài san hô có đuôi dạng quạt phân nhánh, không cuống, hoặc san hô hình bụi cây được tìm thấy trên khắp thế giới trong các vùng biển nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới. Corallium xuất hiện tuỳ theo vùng địa lý và trong các cộng đồng bị giới hạn không gian trên các khu sinh cư đáy đá, điển hình là kết chùm trên các bãi ngầm và các núi ngầm dưới đáy biển, dưới các dải đá ngầm và quanh các hang động. Phần lớn được tìm thấy ở khu vực biển sâu. Các loài san hô Corallium có tỉ lệ sinh trưởng chậm, sự thành thục sinh sản tương đối chậm. Các quần xã san hô Corallium độc lập về di truyền và chỉ xuất hiện trong những môi trường sinh cư riêng, khả năng phân tán hạn chế. Vì thế các quần xã chủ yếu tự bổ sung, thể hiện tỉ lệ trao đổi gene thấp, và bị phân cách bởi những khu vực rộng lớn không phù hợp cho sinh sống.
Hiện trạng quần thể
Việc khai thác các loài san hô Corallium ở vùng biển Địa Trung Hải và Thái Bình Dương đã theo một hình thức mới, đó là khai thác thương phẩm, dẫn đến sự khai thác quá mức, làm suy giảm độ phong phú và kiệt quệ nguồn lợi. Hơn 20 năm qua, các quần thể san hô Corallium ở vùng Đia Trung Hải đã đột ngột thu nhỏ kích thước, cấu trúc tuổi và sản lượng tái sinh sản. Kết quả, số lượng các bãi san hô có giá trị kinh tế cao đã giảm đáng kể. Các quần xã san hô Corallium ở ngoài khơi vùng biển nước ý, Pháp và Tây Ban Nha trong những năm 1950 khá phong phú, nhưng hầu hết đã bị khai thác quá mức và không có khả năng phát triển về mặt kinh tế. Phần lớn các quần thể ở vùng nước nông bây giờ có đặc điểm là các cụm san hô không sinh sản mà lại quá nhỏ để khai thác hợp pháp. Các rạn có khả năng phát triển về mặt kinh tế vẫn được tìm thấy ở những vùng nước sâu (lưu ý: các quần thể ở vùng nước sâu hơn 50 m nước vẫn có thể khai thác được bằng các phương pháp không chọn lọc, không phá huỷ như giải thích trong mục Thương mai bất hợp pháp và không bền vững ở dưới). ở vùng biển tây Thái Bình Dương, các quần xã san hô Corallium đã bị cạn kiệt trong vòng 4 – 5 năm sau khi được khám phá, dẫn đến sự chấm dứt khai thác dưới mọi hình thức đối với các quần thể mới được khám phá. Vai trò trong hệ sinh thái Các cụm san hô Corallium cung cấp môi trường sống cho các loài không xương sống không cuống và làm tăng sự đa dạng sinh học sinh ở những nơi chúng xuất hiện.
Thương mại quốc tế
Các loài san hô Corallium chủ yếu được khai thác để kinh doanh san hô quí. Khung xương nhiều màu sắc của san hô Corallium được xem là một loại trang sức rất có giá trị và được đánh giá cao trong chế tạo mỹ nghệ. Thêm vào đó, bột xương của san hô được sử dụng trong bào chế các dược liệu thảo mộc hoặc dược liệu chữa vi lượng đồng cân. Trong hơn 15 năm qua, sản lượng thu hoạch san hô Corallium hàng năm của thế giới dao động từ 28 đến 54 MT, trong đó Mỹ là quốc gia có mức tiêu thụ cao nhất. Từ năm 2001-2006, riêng Mỹ đã nhập khẩu hơn 26 triệu mảnh, 51.456 kg thành phẩm, 428.644 khung xương và 6.742 kg nguyên liệu Corallium thô. Rất tiếc là dữ liệu về các nước nhập khẩu khác rất hạn chế. Malaysia, Philipin và Indonesia nhập khẩu san hô Corallium từ Đài Loan và Nhật Bản để chế tạo thành các đồ trang sức và đa số sau đó được đem bán sang Mỹ. ý là một trong những nước nhập khẩu lớn nhất về nguyên liệu san hô Corallium thô, phần lớn từ Nhật Bản và Đài Loan, đem gia công thành các đồ trang sức ở ý và sau đó đưa sang ấn Độ, một số nước Châu Âu và Mỹ. Một số loài san hô Corrallium Địa Trung Hải được buôn bán qua lại giữa các quốc gia Địa trung Hải hoặc xuất khẩu sang ấn Độ và được bán ở đó hoặc được gia công và tái xuất sang các nước khác. Trong những năm gần đây, việc buôn bán san hô Corallium qua mạng Internet đã trở nên rất phổ biến. Có hàng chục trang web rao bán san hô Corallium và mỗi ngày lại có hàng nghìn sản phẩm san hô Corallium được chào bán trên sàn đấu giá Internet.
Kinh doanh bất hợp pháp và không bền vững
Trong khi chưa có các biện pháp điều tiết ràng buộc hợp pháp liên quan đến khai thác và kinh doanh san hô Corallium ở cấp quốc gia hoặc quốc tế, thì mọi hoạt động khai thác hoặc buôn bán kinh doanh kể cả vận chuyển đều là bất hợp pháp. Ngay cả những vùng đã cấm khai thác san hô Corallium, như Mỹ, cũng chưa áp dụng biện pháp nào để hạn chế buôn bán nguyên liệu san hô Corallium thô hoặc thành phẩm san hô Corallium được khai thác và chế biến từ các nước khác. Nhu cầu lớn về san hô Corallium trên thế giới dẫn đến suy yếu các quần xã khi những nguồn lợi san hô vừa mới được phát hiện đã nhanh chóng bị cạn kiệt, làm giảm sự đa dạng nguồn gien, suy giảm mật độ trong cụm và trong các quần thể chỉ còn lại đa số các cụm san hô nhỏ, chưa trưởng thành.
Ngoài ra, các loài san hô Corallium từ lâu đã bị khai thác bằng các ngư cụ có tính huỷ diệt cao như lưới kéo và lưới vét, gây ra sự hư hoại rộng khắp trong các hệ sinh thái san hô bởi đặc tính phá huỷ nền đáy của chúng, nhổ bật hoặc hoặc phá vỡ những san hô chưa đạt kích thước khai thác và loại trừ các sinh vật không cuống sống đáy khác. Hầu hết, không phải tất cả, các nước ở vùng Địa Trung Hải đã cấm sử dụng các loại lưới kéo, khuyến khích sử dụng lặn (SCUBA) có chọn lọc. Tuy nhiên, yêu cầu khai thác san hô bằng SCUBA không áp dụng đối với những quần thể ở độ sâu dưới 50 m. Do vậy, việc khai thác trên những quần thể này có sử dụng các phương pháp không lựa chọn mang tính phá hủy là điều vẫn có thể xảy ra. Việc khai thác các loài san hô Corallium ở vùng biển Thái Bình Dương (chủ yếu bởi nghề cá Nhật Bản và Đài Loan) vẫn tiếp diễn cùng với các thiết bị mang tính phá hủy.
Vai trò của CITES
Việc kinh doanh san hô Corallium đang lan rộng và hầu hết các loài thuộc giống này có các đặc tính về chu kỳ sống khiến cho chúng đặc biệt nhạy cảm đối với sự khai thác quá mức như: tuổi thọ rất cao, tuổi thành thục muộn, sinh trưởng chậm và sức sinh sản yếu.
Theo lịch sử, sự khám phá ra những bãi san hô có giá trị thương phẩm đã dẫn đến sự khai thác ồ ạt và tiếp theo đó là sự cạn kiệt nhanh chóng của nguồn lợi. Bởi thế, san hô Corallium phù hợp với các điều kiện quy định trong Khoản II, đoạn 2(a) của Quy ước trong đó tuyên bố rằng Phụ lục II sẽ bao gồm: “tất cả các loài mà mặc dù hiện chưa nhất thiết bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có thể sẽ trở nên như thế nếu việc buôn bán các cá thể của các loài đó không được chiểu theo các qui định nghiêm ngặt để ngăn ngừa việc sử dụng không thích hợp với sự sống còn của chúng”.
Kinh doanh thương phẩm san hô Corallium rubrum chiếm ưu thế ở vùng Địa Trung Hải và Đông bắc Đại Tây Dương, và san hô C. elatius, C. nobile và C. secundum ở Tây bắc Thái Bình Dương . Tuy nhiên, việc xác định đến loài trong các sản phẩm thương mại nếu có thể thì cũng rất khó khăn. Bởi vậy, chỉ có thể liệt kê toàn bộ giống cũng là đủ phù hợp với Tiêu chuẩn A thuộc Phụ lục 2b của Nghị quyết Hội nghị 9.24 (Rev. CoP13) (Resolution Conf.9.24 ): “Cá thể của những loài này trong một hình dạng nào đó khi được đem ra kinh doanh nếu giống với cá thể của một loài đã quy định tại Phụ lục II (Appendix II) của Khoản II, đoạn 2(a), hoặc tại Phụ lục I (Appendix I), thì các cán bộ hành pháp là những người đã bắt gặp các cá thể của các loài đã được ghi trong danh mục CITES cũng không chắc đã nhận biết được chúng”.
Mối lo ngại đã hiện hữu khi phần lớn của ngành thương mại san hô Corallium là đồ kim hoàn bán cho khách du lịch, và do vậy có thể được miễn trừ khỏi các quy định giám sát của CITES vì theo quy định Giám sát Kinh doanh tài sản cá nhân và hộ gia đình Res. Conf. 13.7, trong đó có quy định rằng, ngoại trừ một số ít ngoại lệ đặc biệt, các bên liên quan sẽ không bắt buộc có giấy phép xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu tài sản của cá nhân hay hộ gia đình được sản xuất từ các loài (đã chết) theo quy định tại Phụ lục II (Appendix II). Đáng tiếc, không có cách nào để biết được phạm vi thương mại du lịch đối với san hô Corallium ra sao, vì chưa có sự thu thập các dữ liệu thương mại du lịch một cách có hệ thống. Tuy vậy, sự miễn trừ quy định bởi Res Conf.13.7 13.7 sẽ không áp dụng đối với kinh doanh thương phẩm quốc tõ rất đáng lo ngại hoặc kinh doanh các sản phẩm từ san hô Corallium được buôn bán qua Internet không phải ít và sẽ không làm giảm hiệu lực của việc đưa các loài san hô Corallium vào trong Phụ Lục II (Appendix II) của CITES.
Kết luận
Việc đưa các loài san hô Corallium vào Phụ Lục II (Appendix II) của CITES sẽ tạo ra một cơ chế mạnh mẽ nhằm giúp đảm bảo cho công tác bảo tồn giống san hô Corallium, bằng cách:
• Đặt các biện pháp quốc tế nhất quán vào đúng chỗ của nó nhằm điều tiết hoạt động buôn bán san hô Corallium
• Giúp bảo đảm rằng việc thương mại quốc tế san hô Corallium được duy trì ở các mức độ không có hại đến sự sống còn của giống san hô này trong tự nhiên
• Yêu cầu các quốc gia thống kê và chia sẻ dữ liệu về các mức độ thương mại san hô Corallium và về các loài đang bị khai thác để phục vụ các hoạt động thương mại đó, đồng thời đề cao các nỗ lực quốc tế nhằm quản lý bền vững ngành kinh doanh đối với giống san hô này.
• Giúp chấm dứt sự tiếp diễn của các hoạt động làm kiệt quệt hàng loạt quần thể san hô Corallium trên toàn cầu và làm giảm sự tác động của thương mại đến hệ sinh thái san hô
• Yêu cầu các quốc gia phải hiệu lực các chính sách hạn chế kinh doanh san hô Corallium, đảm bảo việc kinh doanh hợp pháp diễn ra theo đúng như qui định trên giấy phép của CITES và việc kinh doanh bất hợp pháp phải được giải quyết thoả đáng.
• Cung cấp bảo đảm cho người tiêu dùng rằng sản phẩm họ đang mua là hợp pháp và bền vững, và đem lại lợi ích cho các bên nắm giữ ngành công nghiệp có trách nhiệm và nâng cao nhận thức toàn cầu về vấn đề khai thác quá mức đối với các loài san hô Corallium.Trần Thị Liên (dịch)
Nguồn: WWWF’s Positions (www.panda.org/species/cites)
Download