General Information

Author:
Issued date: 24/11/2009
Issued by:

Content


1.THÔNG TIN CHUNG VỀ BÒ BIỂN Ở VIỆT NAM

Theo tác giả Helene Marsh, chuyên gia nghiên cứu về bò biển (Dugong) cho biết: Khi nghiên cứu và thu thập thông tin từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ thì ít nhất 21 nước, số lượng dugong đã giảm, tại 3 nhóm đảo bị tuyệt chủng (Helene Marsh, 2003).

Bò biển (Dugong) phân bố rộng từ kinh độ 30oE tới 170oE và giới hạn khoảng 30oN và 30oS của đường xích đạo (Anderson, 1981). Chỉ còn lại  một số lượng Dugong rất ít  trong vùng ấn độ -Tây Thái Bình Dương chẳng hạn như Inđônêxia, Malayxia, Thái Lan, Myanma, Papua NiuGhinê (Papua New Guinea), Philippin, úc và Việt Nam... (Nick Cox, 2000).

ở Việt Nam, nhân dân gọi bò biển là Dugong, nàng tiên cá, cá cúi, là loài thú sống ở biển và chủ yếu ăn cỏ biển (đôi khi cả một số loài rong biển). Dugong chỉ còn lại một số lượng ít ỏi. Các nhà khoa học đã phát hiện được loài thú này tại một số vùng biển có cỏ biển phong phú như đảo Phú Quốc, Thổ Chu (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Ria - Vũng Tàu) và có thể ở vùng biển Quảng Ninh. Dugong sống theo đàn và rất phân tán nên việc quản lý và bảo vệ loài thú biển quý hiếm này gặp nhiều khó khăn (Phan Hồng Dũng, 2003).

Quần thể Dugong đang suy giảm nhanh và ngày càng trở nên ít gặp. Trước một thực tế như vậy, các tổ chức bảo tồn đã liệt kê Dugong vào danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao (cả CITED và IUCN, Anonymous. 2000). Dugong cũng đã được ghi trong “Sách Đỏ Việt Nam” là loài cấm khai thác dưới mọi hình thức. Thêm vào đó, Dugong được bảo vệ thông qua một số văn bản có tính pháp lý ghi trong một số thông tư, nghị định, pháp lệnh và mới đây là Luật thủy sản của nhà nước ta (Nguyễn Văn Chiêm, 2003). Tuy nhiên, trong nhiều năm qua vẫn có một số cá thể dugong đã bị mắc lưới của bà con ngư dân địa phương đã chết, chủ yếu xảy ra ở một số vùng biển đảo tỉnh Kiên Giang. Điều này nằm ngoài sự mong muốn của các nhà bảo tồn Việt Nam và các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới (Phạm Ngọc Tuấn, 2003; Nguyễn Xuân Hòa, 2003).

2.PHÂN LOẠI VÀ MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA BÒ BIỂN

Lớp: Mamalia

      Bộ: Sirenia

          Họ: Dugongidae

               Giống: Dugong

                      Loài: Dugong dugon

Loài thú biển này thường sống và di cư theo cặp. Chúng bơi chậm chạp và thường là vô hại với con người. Vòng đời của Dugong gắn liền với biển (Lăng Văn Kẻn. 1997). Đây là loài thú ăn cỏ thuần tuý nên mồm đã dược tiến hoá và biến đổi để thích nghi với việc ăn cỏ ở đáy biển (đôi khi ăn cả một số rong biển). Trong quá trình ăn cỏ, Dugong phải sục vào đất, dùng răng để nhổ cỏ nên đã để lại phía sau vệt di chuyển rất đặc trưng (Kasuya et al, 2000).

Dugong thường ngủ vào ban ngày tới đêm mới di chuyển tới các thảm cỏ biển kiếm ăn. Thỉnh thoảng ngoi lên mặt nước để thở và không bao giờ bò lên cạn. Tuổi thành thục từ 6-17 năm. Có thể sống được 70 năm hay hơn. Mỗi con Dugong cần khoảng 10- 30 kg cỏ/ ngày. Dugong mẹ thai nghén 12-15 tháng. Khi sinh dugong mẹ tìm thủy vực cạn và mỗi lần sinh được 1 Dugong con.  Mỗi dugong con dài từ 100-200cm nặng khoảng 20-30kg. Khi di chuyển dưới nước (2-7 km/h) dugong mẹ bơi ở lớp nước phía trên còn con thì bơi phía dưới và bú sữa mẹ. Thời gian cai sữa thường sau 17-18 tháng. Thời gian nghỉ giữa hai lần sinh cách nhau 2,5-3 năm ( Helene Marsh, 2003; Aquino. 1998).

Chúng thường đi theo cặp và có tính đồng loại cao, khi một con mắc nạn thì con còn lại tiếp tục tìm kiếm là lý do tại sao dugong thường bị bắt cả đôi. Âm thanh thu được chỉ là những tiếng rít nhất là khi đánh nhau. Răng nanh của con đực dùng để đánh nhau và dùng để lật đất tìm cỏ nên thường bị sứt mẻ. Nhìn chung, dugong không thể hiện tính hung dữ hay phá phách. Khi tiến hành nghiên cứu và quan sát  tập tính của dugong tại Vườn Quốc gia Côn Đảo, cho thấy cứ lặn 2-3 phút chúng lại nổi lên mặt nước để thở trong một thời gian ngắn. Thời kỳ xuất hiện dugong nhiều thường vào tháng 7-11 hàng năm tại Côn Đảo (Nick Cox, 2000). Dugong con bắt đầu biết kiếm ăn từ sau 3 tháng tuổi (Adulyanukosol et al. 1998).

Nhiều đợt nghiên cứu và điều tra của các nhà khoa học tại một số địa phương Côn Đảo, Thổ Chu, Phú Quốc và vùng biển Quảng Ninh cho thấy có nhiều bộ xương và răng nanh của dugong vẫn còn được lưu giữ trong dân ở các địa phương này và cá thể dugong lớn nhất ở Việt Nam nặng khoảng 500kg dài 3 mét. 3 loài cỏ biển mà dugong thường hay ăn nhất là cỏ bò biển (Thalassia hemprichii), cỏ xoan biển (Halophyla ovalis) và cỏ dừa biển (Enthalus acoroides), Fonseca, 1987.

3. MỘT SỐ ĐE DOẠ ĐỐI VỚI DUGONG

Đe doạ lớn nhất đối với dugong là bị đánh bắt ngẫu nhiên và bị mắc kẹt trong lưới của một số ngư cụ như lưới vét và lưới rê, chiếm tới 72% trong tổng số ngư cụ của nghề cá nước ta (Nguyễn Long, 2002). Trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngư dân các địa phương đã du nhập một loại lưới vét mới (dân địa phương gọi là cào bay) được thiết kế: có miệng lu?i rộng, mắt lưới to và dùng hai tàu cá có công suất lớn kéo quét trên một phạm vi rộng trong một thời gian ngắn nên dugong và một số loài thú biển khác bị mắc lưới tăng lên đáng lo ngại. Mặc dù chính quyền địa phương và các chi cục bảo vệ nguồn lợi đã cấm sử dụng loại lưới này nhưng việc cưỡng chế thi hành vẫn chưa được ngư dân chấp hành triệt để.

Thêm vào đó, diện tích các bãi cỏ biển đang bị thu hẹp, sự bùng nổ của du lịch và nhất là việc khai thác thủy sản bằng nhiều loại ngư cụ mang tính huỷ diệt, thuốc nổ, chất độc, nạo vét kênh rạch, xây dựng các bến cá cầu cảng và nhất là việc xả thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp và chất thải trong nuôi trồng làm môi truờng biển bị ô nhiễm... đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới  quần thể Dugong (Anonymous. 2000).

4. CÁC GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM BẢO TỒN DUGONG Ở VIỆT NAM

Xuất phát từ tình hình thực tế, cần xác định và quản lý tốt hơn những khu vực có môi trường thích hợp cho quần thể dugong còn lại ở Việt Nam.

Tăng cường giáo dục cộng đồng thông qua các hoạt động đào tạo và tạo thu nhập thay thế cho người dân địa phương. Một vấn đề sống còn quyết định sự thành công của công tác này là xem xét việc mở rộng sự tham gia của cộng đồng về việc giảm thiểu nguy cơ tử vong của dugong và bảo vệ các vùng sinh cư của chúng.

Hoàn thiện và mở rộng hệ thống các khu bảo tồn biển Quốc gia. Quan tâm đúng tới các khu vực hiện có nhiều cỏ biển như: Phú Quốc, Thổ Chu, Côn Đảo và một số khu vực tiềm năng thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Để bảo tồn các thảm cỏ biển, quần thể dugong và các nguồn lợi khác ở các khu vực trên, Chính phủ cần có chương trình nghiên cứu cấp quốc gia về thú biển trong đó có dugong; nghiên cứu và khảo sát quần thể dugong cần có tính xuyên biên giới và đa quốc gia.

Cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nước láng giềng (Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc), khu vực và trên thế giới nhằm tranh thủ kinh nghiệm, kỹ thuật và tài chính... để công tác bảo tồn đạt hiệu quả cao nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Văn Chiêm, 2003. The system of Law relating to dugong protection in Viet Nam. Proceedings of the workshop on the conservation of the dugong and seagrass habitats in Viet Nam. WWF Indochina Program. 20-21, January, 2003 Hanoi, Viet Nam. 76 pp.
  2. Phan Hồng Dũng, 2003. The primmary assessment on the Dugong population in Viet Nam, the  4th SEASTAR 2000 Proceeding, Kioto University, Japan.
  3. Nguyễn Xuân Hòa, 2003. Investigation of seagrass bed and dugong population in Phu Quoc Island. Proceedings of the workshop on the conservation of the dugong and seagrass habitats in Viet Nam. WWF Indochina Program. 20-21, January, 2003 Hanoi, Viet Nam. 76 pp.
  4. Lăng Văn Kẻn, 1997. New record of Dugong in Con Dao Waters, Southern Vietnam. Sirenews: Newsletter of the IUCN/SSC Sirenia Specialist Group 27: 17-18.
  5. Nguyễn Long, 2002. The role and function of some selected fishing gears in offshore capture of Viet Nam. The scientific report, 2002. RIMF (unpublished).
  6. Phạm Ngọc Tuấn, 2003. Dugong-The marine mammal remaining in Kien Giang Province, and listed in the Red Data Book of Viet Nam. Proceedings of the workshop on the conservation of the dugong and seagrass habitats in Viet Nam. WWF Indochina Program. 20-21, January, 2003 Hanoi, Viet Nam. 76 pp.
  7. Anonymous, 2000. Draft resolution on conservation of dugong around the Okinawa Island. Document introduced to IUCN by World Wide Fund for Nature, Japan and Nature Conservation Society of Japan, February 15, 2000. www.okinawa-u.ac.jp/~tsuchida/Savedugong/love/ Dugongdraft  Last accessed: 31.05.2001.
  8. Adulyanukosol, K., M. Amano and N. Miyazaki, 1998. Preliminary study on age determination of Dugong (Dugong dugon) in Thailand. Phuket Marine Biological Center Technical Paper No. 2. Phuket Marine Biological Center, Phuket, Thailand.
  9. Anderson, P.K. 1981. The behavior of the dugong (Dugong dugon) in relation to conservation and management. Bulletin of Marine Science 31: 640-647.
  10. Aquino, T.R. 1998. Dugong rescue and rehabilitation: the CFI-WRRC experience. First National Dugong Seminar Workshop. November 6-8, Davao City, Philippines. WWF-Philippines and DENRPAWB, Philippines.
  11. Cox N. 2000. Preliminary status report for the dugong (Dugong dugon) in Con Dao National Park-Vietnam.
  12. Cox, N. 2002. Status of the Dugong dugon in Vietnam and Cambodia and recommendations for its conservation. SEAMAM II Second International Conference on the Marine Mammals of Southeast Asia, 22-26, July, Philippines.
  13. Fonseca, M.S. 1987. The management of seagrass systems. Tropical Coastal Area Management 2: 5-7.
  14. Helene Marsh, 2003. The Global status of  dugong in the context of their biology. Proceedings of the workshop on the conservation of the dugong and seagrass habitats in Viet Nam. WWF Indochina Program. 20-21, January, 2003 Hanoi, Viet Nam. 76pp.

Bản đồ sơ lược về sự phân bố Dugong ở biển Việt Nam

Một số hình ảnh bò biển ở vùng biển

Ảnh 1. Dugong chết tại bờ
biển Kiên Giang 1998
 
Ảnh 2. Dugong chết tại
bờ biển Kiên Giang 2001
Ảnh 3. Dugong chụp được tại
Vườn Quốc gia Côn Đảo 1996
Ảnh 4. Dugong chụp được tại
Vườn Quốc gia Côn Đảo 1998
Ảnh 5. Dugong chụp được tại
Vùng biển Núi Sơn,
Phú Quốc 1999
Ảnh 6. Dugong chụp được
tại Vùng biển Phú Quý,
Kiên Giang 2000
 
Ảnh 7. Dugong đang thở chụp
được tại Vườn Quốc gia
Côn Đảo 1999
Ảnh 8. Dugong mẹ và con đang thở chụp được tại Vườn Quốc gia
Côn Đảo 1999

Phan Hồng Dũng
Bản tin số 4 Viện Nghiên cứu Hải Sản 


Download