General Information

Author:
Issued date: 22/03/2008
Issued by:

Content


1. Mở đầu

Việt Nam quốc gia có vùng rộng lớn, với bờ dài, nhiều đảo giàu tài nguyên nên nước ta đang chiếm một vị quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, biệt là ở XXI- thế kỷ biển đại dương. Nghị Quyết 03 NQ TW ngày 6 5 1993 của Bộ chính trị đã chỉ rõ: “Vị trí và đặc điểm địa lý của nước ta, cùng với bối cảnh phức tạp trong vùng vừa tạo điều kiên, vừa đòi hỏi chúng ta cần phải đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đi đôi với tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái biển, phấn đấu để trở thành một nước mạnh về kinh tế biển".

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, trước hết cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp quản lý, bảo vệ môi trường và tài nguyên biển. Một trong những trọng tâm là nghiên cứu thiết lập các khu bảo tồn biển (Marine Protected Area – MPA).

2. Đa dạng sinh học biển Việt Nam

Các công trình nghiên cứu đến nay đã khẳng định, Biển Đông là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của đại dương thế giới, cũng là một trong những nơi phát sinh và phát tán của thế giới sinh vật biển của vùng nhiệt đới Tây Thái Bình Dương, phân vùng ấn Độ – Mã Lai (Ekman, 1953).

2.1. Đa dạng hệ sinh thái

Các hệ sinh thái vùng bờ nước ta có năng suất sinh học cao và quyết định hầu như toàn bộ năng suất sơ cấp của toàn vùng biển phía ngoài. Các hệ sinh thái có cấu trúc, chức năng khác nhau nhưng nhìn chung chúng đều là nơi cư trú, sinh nở của hàng ngàn loài sinh vật biển. Nơi đây, vì thế cũng chứa đựng đa dạng sinh học cao và tiềm chứa nguồn tài nguyên sinh vật lớn cho đất nước. Các hệ sinh thái ven bờ còn là nơi cung cấp các chất dinh dưỡng và điều hoà môi trường cho các loài sinh vật biển, thậm chí đầm phá còn đóng vai trò điều hoà ngập lụt ven biển. Liên quan tới mục tiêu bảo tồn biển, 5 hệ sinh thái được xem là quan trọng vì tính đại diện, quy mô và vai trò sinh thái của chúng, đó là: Hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái đầm phá ven biển, hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái đảo ven bờ.

2.2. Đa dạng loài

Trong vùng biển nước ta, cho đến nay đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái (HST) điển hình và thuộc 6 vùng đa dạng sinh học (ĐDSH) biển khác nhau. Trong tổng số loài được phát hiện có khoảng 6.000 loài động vật đáy; 2.400 loài cá (khoảng 130 loài cá kinh tế); 653 loài rong biển; 657 loài động vật phù du; 537 loài thực vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn; 225 loài tôm biển; 14 loài cỏ biển; 15 loài rắn biển; 12 loài thú biển; 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước. Riêng về lớp san hô đã xác định được 617 loài, trong đó 350 loài san hô cứng, 120 loài san hô mềm, 73 loài san hô sừng, 31 loài bút biển, 10 loài san hô đen. Đây là nguồn dự trữ tài nguyên sinh vật biển rất quý giá của Việt Nam cần được bảo vệ và phát triển.

3. Cơ sở pháp lý nhằm thiết lập các khu bảo tồn biển (BTB) ở Việt Nam

3.1. Các thoả thuận quốc tế

- Công ước của liên hợp quốc về luật biển(1982): Việt Nam tham gia Công ước của liên hợp quốc về luật biển từ năm 1994. Nhiều điều trong công ước này liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Trong đó, Điều 192 quy định: “Các quốc gia có quyền thuộc chủ quyền khai thác các tài nguyên thiên nhiên của mình theo chính sách và môi trường của mình và theo đúng nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìm môi trường, tài nguyên biển của mình”.

- Công ước RAMSAR (1971) về đất ngập nước có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước: Công ước này coi chức năng sinh thái cơ bản của các vùng đất ngập nước (ĐNN) như là nơi điều hoà chế độ nước và nơi cư trú cho một hệ động thực vật đặc trưng, đặc biệt là chim nước. Nước ta giàu ĐNN ven biển. Như vậy, công ước này là cơ sở pháp lý quan trọng đối với việc quy hoạch các khu bảo tồn biển trên các vùng ĐNN.

- Công ước đa dạng sinh học (1992): Đây là công ước toàn diện và quan trọng nhất cho việc bảo vệ đa dạng sinh học. Công ước này cũng quy định một số nguyên tắc về bảo vệ đa dạng sinh học như: quyền khai thác các tài nguyên theo qui định thuộc chủ quyền quốc gia, sử dụng tài nguyên kết hợp với bảo tồn và tăng cường thực hiện đầy đủ các hành động phục hồi tại những khu vực đa dạng sinh vật đã bị giảm sút hoặc thoái hoá.

- Chính sách của IUCN về các khu bảo tồn biển (1988): Đề cập đến vai trò của các khu bảo tồn biển trong việc bảo vệ và sử dụng lâu bền môi trường biển. Nhấn mạnh môi trường biển phải được quản lý theo phương thức tổng hợp để không gây ra sự xuống cấp thêm nữa. Điều này có thể thực hiện được bằng cách hoặc là thiết lập một loạt khu bảo tồn biển quy mô nhỏ tương ứng như là một thành phần nằm trong một khuôn khổ rộng của việc quản lý hệ sinh thái, hoặc bằng cánh thiết lập nên một khu bảo tồn biển lớn, đa chức năng bao trùm toàn bộ hệ sinh thái biển.

3.2. Chính sánh quốc gia

- Chiến lược bảo tồn quốc gia (1985): Đề cập đến các chủ đề khác nhau liên quan đến việc bảo tồn và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam

- Kế hoạch quốc gia về Môi trường và phát triển bền vững: Đây là bản kế hoạch khung chứa đựng những ưu tiên chủ chốt về môi trường, mang tính liên ngành và thể hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, chương 11, mục 3,4 của kế hoạch này nhấn mạnh vào việc quản lý và quy hoạch tổng hợp vùng bờ biển.

- Kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam: Đã được phê duyệt tại Quyết định số 845/TTg tháng 12/1995 của Thủ tướng chính phủ, trong đó có bảo tồn thiên nhiên biển bao gồm: Quy hoạch xây dựng một số khu bảo vệ ĐNN ven biển quan trọng, ưu tiên xây dựng một số khu bảo tồn biển có giá trị đa dạng sinh học cao nhất, tổ chức quản lý tổng hợp vùng ven biển theo nguyên tắc phát triển bền vững.

- Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản: Đã được Chính phủ Việt Nam phê chuẩn ngày 25/4/1989 với 29 điều quy định việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trong các vùng nước nội địa, nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước ta.

- Các Chương trình hành động bảo vệ môi trường quốc gia ưu tiên đến 2010: Chương trình đã xác định hành động liên quan tới bảo vệ đa dạng sinh học và các nguồn gen quí hiếm, phát triển vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Trong đó, đã nhấn mạnh đến việc rà soát và xây dựng các chính sách để xúc tiến qui hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam

4. Quy hoạch hệ thống các khu BTB ở việt nam

4.1. Các căn cứ chủ yếu

- Cơ sở phương pháp luận, các hướng dẫn và hệ thống phân loại BTB của IUCN quốc tế.

- Cơ sở tình hình thực tiễn ở Việt Nam liên quan tới kinh nghiệm xây dựng và quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên.

- Các thỏa thuận quốc tế về việc quy hoạch hệ thống các khu BTB.

- Hiện trạng các hệ sinh thái biển Việt Nam đang bị suy thoái và sự suy giảm đa dạng sinh học.

- Vùng biển Việt Nam được thừa nhận là một trong những trung tâm đa dạng sinh học cao trên thế giới và bao gồm các phân vùng địa sinh vật biển chủ yếu: vùng Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ Miền Trung, vùng biển ven bờ Đông Nam Bộ, vùng biển ven bờ Tây Nam Bộ và vùng quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

Căn cứ vào các tư liệu điều tra khảo sát trong nhiều năm của các nhà khoa học thuộc các Viện Nghiên cứu, Bộ Thuỷ sản đã đề xuất hệ thống các khu BTB Việt Nam gồm 15 khu vực biển đại diện cho các vùng biển của cả nước để trình chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, những ý kiến đề xuất vẫn cần tiếp tục được xem xét trên cơ sở những tài liệu đầy đủ hơn về tài nguyên sinh vật biển, môi trường và kinh tế-xã hội.

Bảng 1: Danh mục mạng lưới 15 khu BTB đề xuất thành lập ở Việt Nam

STT

Địa điểm

Nơi sâu nhất

Kiểu loại đề nghị

Tỉnh, thành phố

Ghi chú

I. Vùng biển vịnh Bắc Bộ

1

Đảo Trần

10m

Chưa xác định

Quảng Ninh

Đảo tiền tiêu, thiếu tư liêu khảo sát

2

Đảo Cô Tô

20m

Khu bảo tồn tài nguyên biển

Quảng Ninh

Một huyện đảo, chưa được phân vùng chi tiết

3

Đảo Cát Bà

35m

Vườn quốc gia biển

Hải Phòng

Trên đảo đã được nhà nước quyết định thành lập vườn quốc gia (1986) với khoảng 540 ha biển (khu vực biển Đông nam đảo Cát Bà)

4

Đảo Bạch Long Vĩ

30m

Khu dự trữ tài nguyên và thiên nhiên biển

Hải Phòng

Huyện đảo tiền tiêu, độ phủ san hô cao nhất

5

Hòn Mê

20m

Khu bảo tồn tài nguyên biển

Thanh Hóa

Vùng phân bố san hô rộng, nhưng mức độ đe dạo lớn, có 11 loài cá mới cho Việt Nam

  6

Đảo Cồn Cỏ

20m

Khu bảo tồn tài nguyên biển

Quảng Trị

Rạn san hô nguyên vẹn, tính đa dạng cao, nằm trong hệ thống đường cơ sở

7

Hải Vân – Hòn Sơn Trà

30m

Khu bảo tồn thiên nhiên và nguồn lợi biển

Thừa Thiên Huế

Gồm Sơn Trà, bờ Bắc Hải Vân và Đầm Lăng Cô, đa dạng habitat cao  nhất

II. Vùng biển ven bờ miền Trung

8

Cù Lao Chàm

30m

Khu bảo tồn tài nguyên biển

Quảng Nam

Rạn san hô nguyên vẹn, với cấu trúc độc đáo, đa dạng cá san hô và nguồn gen quý

9

Đảo Lý Sơn

Chưa xác định

Vườn quốc gia biển

Quảng Ngãi

Rạn san hô phát triển trên nền núi lửa, có nhiều loài quý hiếm

10

Hòn Mun – Bích Đầm

30m

Vườn quốc gia biển

Khánh Hòa

Quần xã sinh vật rạn đa dạng nhất, khu hệ cá san hô phong phú nhất, nhiều loài quý hiếm

11

Hòn Cau – Vĩnh Hảo

27m

Khu bảo tồn/ nơi sinh cư

Bình Thuận

Rạn san hô nguyên vẹn, đa dạng sinh học cao, nhiều loài quý hiếm, bãi đẻ của cá và rùa biển

12

Đảo Phú Quý

42m

Chưa xác định

Bình Thuận

Nguồn lợi hải sản đa dạng và sản lượng khai thác cao nhất Việt Nam, cơ sở hậu cần nghề cá và du lịch sinh thái.

III. Vùng biển ven bờ Đông Nam Bộ

13

Côn Đảo

50m

Vườn quốc gia biển

Bà Rịa – Vũng Tàu

Đa dạng sinh học cao, rạn san hô điển hình, 60 loài quý hiếm trong sách đỏ, là vườn quốc gia (1993) với phần biển là 9000 ha. Quốc tế công nhận cấp khu vực

IV. Vùng biển ven bờ Tây Nam Bộ

14

Phú Quốc

10m

Vườn quốc gia biển

Kiên Giang

Gồm cả cụm đảo An Thới, đa dạng sinh học cao, có đồi mồi và dugong, nhiều đảo tiền tiêu

V. Vùng biển khơi Trường Sa- Hoàng Sa

15

Trường Sa

3000

Khu dự trữ thiên nhiên biển

Khánh Hòa

Trung tâm đa dạng sinh học cấp quốc tế, quần đảo san hô, còn tranh chấp chủ quyền

5. Các giải pháp chủ yếu nhằm thiết lập và phát triển hệ thống các khu BTB

- Hồ sơ qui hoạch hệ thống 15 khu BTB và qui chế quản lý các khu BTB cấp quốc gia do Bộ Thuỷ sản đề xuất cần được hoàn chỉnh và phê duyệt sớm làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thiết lập và quản lý hệ thống các khu BTB Việt Nam.

- Xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí thiết lập các khu BTB của Việt Nam trên cơ sở xem xét và điều chỉnh các tiêu chí của IUCN trong điều kiện Việt Nam

- Khuyến khích đầu tư vào các hoạt động thiết lập các khu BTB theo qui hoạch nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

- Giảm dần và chuyển đổi nghề khai thác nguồn lợi hải sản tự nhiên vùng biển ven bờ.

- Tăng cường phân cấp quản lý các khu BTB, huy động sự tham gia của nhân dân trong việc bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài trong và xung quanh các khu BTB.

- ứng dụng công nghệ tiên tiến vào bảo vệ môi trường và nguồn lợi thuỷ sản ở các khu BTB.

- Tài chính: Phối hợp giữa ngân sách Trung ương và địa phương; đầu tư trong và ngoài nước; tạo nguồn tài chính tại chỗ thông qua việc chia sẻ lợi ích từ ĐDSH; thiết lập qũi Bảo vệ môi trường và nguồn lợi thuỷ sản, phí thu từ hoạt động dịch vụ trong các khu BTB.

- Tăng cường chỉ đạo và triển khai hiệu quả qui hoạch mạng lưới các khu BTB và “Chương trình bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản quốc gia”; Xây dựng định chế để đưa đồng quản lí vào lĩnh vực bảo vệ môi trường và nguồn lợi thuỷ sản, để “xã hội hoá” công tác bảo vệ môi trường và nguồn lợi thuỷ sản trong và xung quanh các khu BTB.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Chu Hồi, 2000. Cơ sở khoa học qui hoạch hệ thống các khu bảo tồn biển Việt Nam. Tài nguyên môi trường biển, tập IV. NXB Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, tr. 48-56.

2. Nguyễn Quang Hùng, Đỗ Văn Khương và Đỗ Công Thung, 2005. Đánh giá tiềm năng thiết lập khu bảo tồn biển Cát Bà. Tạp chí Thuỷ sản, số 7/2005, tr. 17-19.

3. Đỗ Văn Khương, Đỗ Công Thung và Nguyễn Quang Hùng, 2005b. Đánh giá tiềm năng bảo tồn quần đảo Cô Tô-Thanh Lân. Kỷ yếu Hội thảo toàn quốc về bảo vệ môi trường và nguồn lợi thuỷ sản - Bộ Thuỷ sản. NXB Nông nghiệp Hà Nội, tr. 526-536.

4. IUCN, 1994. Guidelines for Protected Area Managed categories. Commission on National Parks and Protected area, 1994 and World Conservation monitoring Center Publication, pp: 42-86.

5. Salm, R. V. & Clark, J. R., 2003. Marine and Coastal Protected Areas: A guide for Planners and Managers. IUCN, Gland, Switzerland, pp: 96-137

Nguyễn Quang Hùng
Bản tin số 6 Viện Nghiên cứu Hải sản


Download