General Information

Author:
Issued date: 22/03/2008
Issued by:

Content


Cá nổi nhỏ là một trong những nguồn lợi quan trọng trong tổng nguồn lợi hải sản ở vùng biển nước ta. Kết quả nghiên cứu nguồn lợi vùng biển Thuận Hải - Minh Hải đã chỉ ra rằng cá nổi nhỏ đóng vai trò rất quan trọng, chiếm tới 80% trong tổng sản lượng cá đánh bắt được. Trữ lượng cá nổi chiếm 54,37% tổng trữ lượng cá. Tỷ lệ cá nổi trong tổng trữ lượng cá ở vùng biển Việt Nam: vùng biển vịnh Bắc bộ (83,3%), Miền Trung (89,0%), Đông Nam Bộ (42,9%), Tây Nam Bộ (62%), các gò nổi (100,0%) và trung bình cho toàn vùng biển là 63,0%. Tuy nhiên, nguồn lợi cá nổi, đặc biệt là cá nổi nhỏ trong những năm gần đây ít được nghiên cứu (do thiếu thốn về thiết bị nghiên cứu và kinh phí), cho nên các kết quả đánh giá tổng thể nguồn lợi chưa đồng bộ và không liên tục. Trữ lượng cá nổi, đặc biệt là cá nổi nhỏ chỉ dựa vào các kết quả nghiên cứu của những năm 1980. Mặt khác, các chương trình nghiên cứu trước đây chỉ được thực hiện ở vùng biển vịnh Bắc Bộ và vùng biển Đông Nam Bộ, nên chưa phản ánh được đầy đủ nguồn lợi cá nổi nhỏ ở tất cả các vùng biển của Việt Nam.

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của sự phát triển, việc quy hoạch, quản lý và phát triển bền vững nguồn lợi nói chung và cá nổi nhỏ nói riêng là rất cần thiết. Tuy nhiên, các số liệu về cá nổi nhỏ của các nghiên cứu trước đã quá lâu, nên không thể phản ánh hết được tình trạng nguồn lợi cá nổi nhỏ hiện nay. Do đó, việc tiến hành các nghiên cứu mới để cập nhật các nguồn thông tin đầu vào cho việc quy hoạch phát triển, sử dụng và tái tạo nguồn lợi cá nổi nhỏ là hết sức cấp thiết. Đề tài “Nghiên cứu trữ lượng và khả năng khai thác cá nổi nhỏ (chủ yếu là cá nục, cá trích, cá cơm, cá bạc má...) ở biển Việt Nam” được thực hiện từ năm 2003-2006, nhằm đánh giá trữ lượng, khả năng khai thác cá nổi nhỏ làm cơ sở khoa học cho việc quy hoạch, quản lý nguồn lợi.

Đề tài sử dụng phương pháp thủy âm, với thiết bị hiện đại (EK60) có độ chính xác cao, được ứng dụng rộng rãi trên thế giới để đánh giá nguồn lợi cá nổi nhỏ. Đề tài đã thực hiện được 4 chuyến điều tra thủy âm ở các vùng biển Việt Nam, với tổng diện tích 453.800 km2. Đồng thời, các thí nghiệm về hệ số phản hồi âm của cá nổi nhỏ cũng được tiến hành. Đây là nội dung mang tính mới và nổi bật của đề tài.

Cùng với các chuyến điều tra thủy âm, đề tài đã tiến hành nghiên cứu một số yếu tố hải dương học, sinh vật phù du, trứng cá, cá con và điều tra đánh giá hiện trạng khai thác cá nổi nhỏ ở biển Việt Nam.

Thành phần loài, trữ lượng và khả năng khai thác cá nổi nhỏ

Các chuyến điều tra ở vùng biển Việt Nam đã bắt gặp 13 họ, 41 giống và 94 loài thuộc nhóm cá nổi nhỏ. Trong đó, ở vịnh Bắc Bộ bắt gặp 11 họ, 35 giống và 63 loài, vùng biển Trung Bộ là 11 họ, 26 giống, 44 loài, vùng biển Đông Nam Bộ là 10 họ, 35 giống, 40 loài, vùng biển Tây Nam Bộ là 10 họ, 21 giống, 59 loài. Số lượng họ, giống loài bắt gặp trong các chuyến điều tra vào mùa gió Tây Nam nhiều hơn ở mùa gió Đông Bắc.

Tổng trữ lượng cá nổi nhỏ trung bình ở biển Việt Nam (trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, với tổng diện tích 453.800 km2) được ước tính khoảng 2.744.900 tấn và khả năng khai thác là 1.372.400 tấn. Trong đó, vịnh Bắc Bộ: trữ lượng là 433.100 tấn và khả năng khai thác là 216.500 tấn ; Trung Bộ: trữ lượng là 595.600 tấn và khả năng khai thác là 297.800 tấn ; Đông Nam Bộ: trữ lượng là 770.800 tấn và khả năng khai thác là 385.400 tấn; Tây Nam Bộ: trữ lượng là 945.400 tấn và khả năng khai thác là 472.700 tấn.

Kết quả đánh giá trữ lượng cá nổi nhỏ của đề tài phản ánh được khá chính xác hiện trạng nguồn lợi cá nổi nhỏ ở vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng chuyến điều tra của đề tài còn ít và nguồn lợi cá nổi nhỏ biến động lớn qua các chuyến điều tra, do vậy chúng ta cần mở rộng phạm vi điều tra và tăng số lượng chuyến điều tra để tăng độ chính xác của kết quả nghiên cứu.

Hệ số phản hồi âm của cá nổi nhỏ

Hệ số k trong phương trình thủy âm (TS = 20 log L - k) của cá khế Alepes kalla ở biển Việt Nam là 64,8 (tần số 38 kHz); cá nục sồ Decapterus maruadsi là 64,4 (38 kHz), 64,5 (120 kHz) và 66,2 (200 kHz); cá ngân Atule mate là 63,6 (38 kHz), 67,9 (120 kHz) và 65,2 (200 kHz); cá bạc má Rastrelliger kanagurta là 69,4 (38 kHz), 65,6 (120 kHz) và 71,9 (200 kHz). Kết quả ước tính này khá phù hợp với các nghiên cứu trong khu vực.

Kết quả đánh giá hệ số phản hồi âm của một số loài cá nổi nhỏ có giá trị thực tiễn quan trọng trong việc tính toán trữ lượng cá nổi nhỏ ở biển Việt Nam. Tuy nhiên, việc đánh giá hệ số phản hồi âm cần được tiếp tục tiến hành rộng rãi với nhiều loài cá nổi nhỏ khác, nhằm phục vụ cho việc đánh giá nguồn lợi này.

Sinh vật phù du (SVPD)

Các chuyến điều tra của đề tài đã bắt gặp 298 loài thực vật phù du (TVPD) thuộc 4 ngành tảo, trong đó tảo silic có số loài nhiều nhất. Động vật phù du là thức ăn của cá là 259 loài, thuộc 12 nhóm chính, nhóm giáp xác chân chèo (Copepoda) chiếm tới 57,5% tổng số loài. Sinh vật phù du được chia làm 4 nhóm chính: nhóm loài cửa sông, nhóm loài gần bờ (ưa độ muối thấp), nhóm loài biển khơi (độ muối cao, đặc trưng cho vùng biển khơi), nhóm loài hỗn hợp ở khu vực giao nhau của hai khối nước ven bờ và biển khơi.

Vùng biển Tây Nam Bộ và vịnh Bắc Bộ có sinh vật lượng SVPD phong phú, còn vùng biển Trung Bộ và Đông Nam Bộ có sinh vật lượng thấp hơn và luôn ổn định. Sự biến động sinh vật lượng SVDP ở từng vùng biển liên quan đến chế độ thuỷ học và tính chất sinh thái của SVPD. Mức độ phong phú TVPD ở các vùng biển chủ yếu phụ thuộc vào loài và nhóm loài có đặc tính ven bờ hay rộng muối. Còn sự tăng hay giảm sinh vật lượng ĐVPD lại phụ thuộc vào sự phát triển của nhóm giáp xác chân chèo (Copepoda).

Phân bố SVPD trong vùng biển Việt Nam liên quan đến độ muối, thường tập trung cao ở dải nước ven bờ, rìa biên khu vực nước trồi hay khu vực giao nhau giữa hai khối nước ven bờ và biển khơi. Vùng tập trung cao khối lượng ĐVPD thường trùng với vùng có số lượng cao.

Trứng cá (TC), cá con (CC)

Bước đầu đã xác định được 75 họ và 110 loài. Trong đó, trứng cá đã xác định được 13 họ, 30 loài cá chiếm 27,93% tổng số trứng cá; cá con đã xác định được 75 họ, 101 loài chiếm 98,33% tổng số cá con.

Đối với trứng cá, có 5 họ cá thường xuyên thu được số lượng lớn là: họ cá trích, họ cá bơn cát, họ cá trỏng, họ cá mối và họ cá hố. Đối với cá con, có 10 họ thường xuyên thu được số lượng lớn là: họ cá tuyết tê giác, họ cá đàn lia, họ cá khế, họ cá trích, họ cá trỏng, họ cá bống trắng, họ cá liệt, họ cá phèn, họ cá đù và họ cá căng. 

Trứng cá - cá con ở vùng biển Việt Nam có xu thế phân bố mật độ tập trung cao ở các khu vực biển gần bờ, nơi có các cửa sông đổ ra và khu vực xung quanh các đảo. Vùng biển vịnh Bắc bộ thường có mật độ trứng cá - cá con cao hơn vùng biển Trung Bộ nhiều lần. Vào mùa gió Tây Nam, mật độ trứng cá -cá con ở vịnh Bắc Bộ và Trung bộ thường cao hơn nhiều lần so với mùa gió Đông Bắc. Vùng biển Đông - Tây Nam Bộ, mật độ trứng cá - cá con, vào mùa gió Đông Bắc thường cao hơn  mùa gió Tây Nam, nhưng sự chênh lệch này không đáng kể.

Mùa vụ sinh sản, ở vùng biển vịnh Bắc Bộ và Trung Bộ vào mùa gió Tây Nam là chính, còn ở vùng biển Đông - Tây Nam Bộ chưa thật rõ ràng. Khu vực đẻ trứng chủ yếu (bãi đẻ) chung cho toàn bộ vùng biển Việt Nam là: ở vùng biển ven bờ nơi có các cửa sông đổ ra và vùng biển xung quanh các đảo.

Nhìn chung, kết quả nghiên cứu đã đáp ứng được mục tiêu, các nội dung đặt ra của đề tài và có giá trị khoa học và thực tiễn cao. Kết quả của đề tài có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở khoa học cho quy hoạch, quản lý và phát triển bền vững nguồn lợi cá nổi nhỏ ở biển Việt Nam.

Nguyễn Viết Nghĩa

Bản tin số 4 Viện Nghiên cứu Hải sản


Download