General Information

Author:
Issued date: 24/11/2009
Issued by:

Content


Quần đảo Cát Bà chính thức được Tổ chức Văn hoá Khoa học Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới từ ngày 19/12/2004.

Ngày 1 tháng 4 năm 2005 tại đây đã diễn ra lễ đón nhận bằng quyết định của UNESCO và kỷ niệm sự kiện này. Quần đảo Cát Bà là một quần thể gồm 367 đảo nhỏ nằm trong vịnh Lan Hạ, thuộc một phần của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Trong đó đảo Cát Bà là hòn đảo lớn nhất trong tổng số 1.969 đảo trên vịnh Hạ Long. Cát Bà thuộc địa phận huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, cách trung tâm thành phố khoảng 30km, với diện tích khoảng gần 300km2 và dân số trên 10.000 người. Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà nằm trong khoảng toạ độ 106o52’ – 107o07’ độ kinh Đông và 20o42’ – 20o54’ độ vĩ Bắc, thuộc khu vực nhiệt đới gió mùa chịu ảnh hưởng của đại dương nên các chỉ số về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa cũng gần tương tự như các khu vực xung quanh, tuy nhiên có đặc điểm khác biệt là mùa đông thì ít lạnh hơn và mùa hè thì ít nóng hơn so với trong đất liền. Lượng mưa trung bình 1.700 – 1.800 mm/năm, mùa mưa chủ yếu là vào tháng 7, 8. Nhiệt độ trung bình khoảng 25– 28oC, dao động theo mùa. Về mùa hè có thể lên trên 30oC, về mùa đông trung bình 15-20oC nhưng có thời điểm có thể xuống dưới 10oC khi có gió mùa đông bắc. Độ ẩm trung bình 85%. Dao động của thuỷ triều từ 3,3–3,9m. Độ mặn nước biển biến động từ 9,3%o (mùa mưa) đến 31,1%o (mùa khô).

Quần đảo Cát Bà là nơi hội tụ đầy đủ các giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm các tiêu chí của một khu dự trữ sinh quyển thế giới theo quy định của UNESCO. Cho đến nay, Việt Nam đã có 4 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận là: Cần Giờ, Cát Tiên, châu thổ sông Hồng và quần đảo Cát Bà. Tổng diện tích khu dự trữ sinh quyển Cát Bà rộng hơn 26.000ha được phân chia thành 2 vùng lõi (bảo tồn nghiêm ngặt và không có tác động của con người), 2 vùng đệm (cho phép phát triển kinh tế hạn chế, kết hợp với bảo tồn) và 2 vùng chuyển tiếp (phát triển kinh tế). Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà có đầy đủ cả rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm rong cỏ biển, đặc biệt là hệ thống hang động và hệ sinh thái tùng áng đặc thù. Rừng quốc gia Cát Bà nằm cách trung tâm thị trấn Cát Bà 15km về phía tây bắc, rộng khoảng 26.240 ha trong đó có 17.040 ha rừng cạn và 9.200 ha rừng ngập mặn, có khu rừng nguyên sinh nhiệt đới rộng 570 ha, với nhiều hang động kỳ thú. Quần đảo Cát Bà còn có vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc phòng ở vùng biển phía Bắc Việt Nam.

Ngoài vị thế đặc biệt, khu dữ trữ sinh quyển Cát Bà còn lưu giữ một tiềm năng sinh vật vô cùng phong phú và đa dạng. Theo kết quả thống kê và cập nhật thêm một số kết quả nghiên cứu từ năm 2003 – 2004 của Viện Nghiên cứu Hải sản: Thực vật có tổng số khoảng 741 loài, trong đó thực vật biển gồm 23 loài cây ngập mặn, 79 loài rong biển, 207 loài thực vật phù du. Động vật trên cạn có khoảng 282 loài, đặc biệt có loài voọc đầu vàng (Trachypithecus poliocephalus), đây là loài thú đặc biệt quý hiếm trên thế giới chỉ còn lại ở Việt Nam (khoảng 50 – 60 con theo Sách đỏ của IUCN). Động vật biển gồm có 98 loài động vật phù du, 196 loài cá biển (trong đó có 79 loài cá rạn san hô), 177 loài san hô, 532 loài động vật đáy. Trong tổng số loài sinh vật biển tại khu vực Cát Bà đã phát hiện thấy có 21 loài quý hiếm, trong đó có 2 loài ghi trong danh mục của CITES, 7 loài trong sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ hiện vẫn còn tồn tại trong khu vực.

Ngoài ra, Cát Bà còn là một trong những hòn đảo nghỉ mát lý tưởng và thơ mộng của Việt Nam. Tương truyền xưa kia tên đảo là Các Bà, là hậu phương cho Các Ông theo Thánh Gióng đánh giặc Ân. ở thị trấn Cát Bà hiện nay vẫn có đền thờ Các Bà. Các bản đồ hành chính thời Pháp thuộc (như bản đồ năm 1938) còn ghi là Các Bà. Như vậy có lẽ tên gọi Các Bà đã bị đọc trệch thành Cát Bà. Lễ hội của người dân Cát Bà giống như lễ hội của những người Kinh ở khu vực khác, tuy nhiên có thêm ngày 1 tháng 4 dương lịch hàng năm là lễ hội nghề cá và khai trương mùa du lịch. Cát Bà có đường xuyên đảo dài 27km, có nhiều đèo dốc quanh co, xuống khoăn, qua áng, men theo mép biển, xuyên qua vườn quốc gia, phong cảnh kỳ thú, non nước hữu tình. Cát Bà có nhiều hang động và cảnh quan thiên nhiên đẹp phục vụ du khách thăm quan như: Động Trung Trang, Động Hùng Sơn, Động Phù Long, Các bãi tắm như Cát Cò 1, Cát Cò 2, Cát Cò 3, Cát Dứa, Cát Ông, Cát Trai Gái, Đường Danh. Trong những năm tới, Nhà nước dự định sẽ đầu tư xây dựng ở đây những “thuỷ cung” để con người có thể trực tiếp quan sát các đàn cá heo, tôm hùm, rùa biển, mực ống, cá mập bơi lượn quanh những cụm san hô rực rỡ sắc màu.

Như vậy có thể nói, quần đảo Cát Bà hội tụ đầy đủ các hệ sinh thái tiêu biểu của Việt Nam và được đánh giá là một trong những nơi có hệ sinh vật biển đảo phong phú và đa dạng vào bậc nhất miền Bắc nước ta. Với việc được công nhận là khu dự trữ sinh quyển, quần đảo Cát Bà sẽ có cơ hội thực hiện tốt hơn chức năng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các cảnh quan đẹp, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, cũng như duy trì và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống của Việt Nam. Cát Bà còn có tiềm năng lớn để thực hiện nhiều loại hình du lịch biển như nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, thám hiểm hang động, du lịch mạo hiểm, du lịch ngầm và quay phim dưới nước.

Nguyễn Quang Hùng

Bản tin số 5 Viện Nghiên cứu Hải sản


Download