General Information
Author:Issued date: 24/11/2009
Issued by:
Content
1. HIỆN TRẠNG RẠN SAN HÔ
1.1. Khu vực Đông Nam Á
Mặc dù có giá trị đa dạng sinh học và kinh tế cao, nhưng các rạn san hô (RSH) khu vực Đông Nam Á đang bị đe doạ. Việc sử dụng nguồn lợi sinh vật biển ở hầu hết các nước trong khu vực đã dẫn đến khai thác quá mức và làm suy thoái nhiều RSH, cụ thể là các rạn ở gần khu vực có nhiều dân cư sinh sống. Có rất nhiều mối đe doạ tác động đến RSH trong khu vực. Sự phát triển kinh tế xã hội dọc bờ biển và sự lắng đọng trầm tích đã phá huỷ các rạn ven bờ. Cùng lúc đó, RSH xa bờ phải chịu những tác động tiêu cực của các phương pháp khai thác huỷ diệt và khai thác quá mức.
Khai thác quá mức là mối đe doạ nghiêm trọng đến sức khoẻ rạn, gây ra 64% rủi ro cho rạn. Mặc dù vẫn còn nhiều rạn xa bờ đang trong tình trạng tốt, nhưng các phương pháp khai thác huỷ diệt đang đe doạ các rạn. Việc sử dụng thuốc độc và thuốc nổ trong đánh bắt cá cho mục đích thương mại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến 56% RSH trong khu vực. Sự phát triển ven bờ và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã ảnh hưởng đến 25% và 21% tổng số rạn san hô trong khu vực. So với các mối đe doạ trên, ô nhiễm hàng hải chỉ ảnh hưởng đến 7% các rạn trong khu vực. Khi phối hợp các ảnh hưởng, hoạt động của con người đã tác động đến 88% RSH. Gần 50% RSH được xếp ở mức độ nguy hiểm cao và rất cao do tác động từ các hoạt động của con người (Burke 2002).
RSH ở Philippin, Việt Nam, Singapo, Campuchia và Đài Loan bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, trên 95%; và trên 85% RSH ở Ma-lai-xia và Inđônêxia đang bị đe doạ (Burke 2002). Tuy nhiên, cũng có một số ít các đảo có RSH chưa phải chịu nhiều tác động từ hoạt động của con người như eo biển Makassar, biển Flores, biển Banda, hay các khu vực tách biệt đảo Andaman, Tây Papua, Myanma và Thái Lan. Các khu vực này ít bị ảnh hưởng từ sự phát triển ven bờ, và khai thác quá mức nhưng RSH hiện nay cũng không thực sự an toàn. Nếu hình thức khai thác huỷ diệt xảy ra ở nơi này, giới hạn rủi ro sẽ tăng nhanh chóng.
Bảng 1: Tổng kết mức độ rủi ro các RSH theo các nước và các vùng trong khu vực
Quốc gia và vùng | Diện tích rạn (km2) | Mức độ rủi ro (%) | % rạn rủi ro từ trung bình trở lên | |||
Thấp | Trung bình | Cao | Rất cao | |||
Inđônêxia | 50.875 | 14 | 39 | 46 | 1 | 86 |
Philippin | 25.819 | 2 | 27 | 63 | 7 | 98 |
Hoàng Sa, Trường Sa | 5.752 | 0 | 100 | 0 | 0 | 100 |
Malaixia | 4.006 | 13 | 44 | 38 | 4 | 87 |
Thái Lan | 1.787 | 23 | 24 | 51 | 1 | 77 |
Myanma | 1.686 | 44 | 36 | 20 | 0 | 56 |
Việt Nam | 1.122 | 4 | 22 | 49 | 25 | 96 |
Singapo | 54 | 0 | 0 | 100 | 0 | 100 |
Campuchia | 42 | 0 | 0 | 90 | 10 | 100 |
Brunêi | 187 | 79 | 16 | 5 | 0 | 21 |
Nguồn: Dự án Reefs at risk in Southeast Asia, World Resources Institute, 2002 (Burke, 2002)
1.2. Việt Nam
Vùng biển Việt Nam là một trong những vùng biển có thành phần loài san hô cứng đa dạng và phong phú nhất. Chỉ xét riêng 8 đảo: Cô Tô, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Nam Yết, vịnh Nha Trang, Côn Đảo và Phú Quốc, có 428 loài san hô cứng tạo rạn đã được phân loại và mô tả. Đa dạng về loài của các RSH ở vùng biển phía Nam cao hơn phía Bắc. Các RSH chủ yếu thuộc kiểu rạn viền bờ, kiểu rạn vòng atoll chỉ phát hiện thấy ở các đảo xa bờ Nam Yết (Trường Sa), hay kiểu rạn đốm không phổ biển chỉ quan sát thấy ở một vài đảo như Lý Sơn (Quảng Ngãi). Theo Võ Sĩ Tuấn (1998) ước tính khoảng 1.100 km2 RSH đã bị đe doạ, cụ thể là các rạn ở gần khu vực dân cư tập trung. Việt Nam có truyền thống lâu đời về nghề cá biển, nhiều cộng đồng dân cư sống nhờ vào nghề cá. Tuy nhiên sự gia tăng dân số, mức độ nghèo khổ của cộng đồng ngư dân nghề cá nhỏ, khai thác trái phép do ngư dân từ các nước Trung Quốc, Hồng Kông gây ra sự mất mát lớn về nguồn lợi hải sản. Do vậy, việc khai thác quá mức, sự suy giảm nguồn lợi biển và khai thác huỷ diệt là những tác động tiêu cực chủ yếu ở hầu hết các tỉnh ven biển (Võ Sĩ Tuấn và Nguyễn Huy Yết, 2001).
RSH ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi trầm tích, dòng chảy của nhiều sông, đặc biệt là sông Mê Kông, sông Hồng và sông Sài Gòn. Quan sát cho thấy sự nở hoa thường xuyên của rong tảo ở Bình Thuận, Khánh Hoà và Tp. Hồ Chí Minh cũng như ô nhiễm biển ở Quảng Ninh, Hải Phòng. Hiện tượng tẩy trắng san hô được quan sát thấy ở nhiều RSH xung quanh quần đảo Côn Đảo do sự xâm lấn của nước ngọt từ sông Sài Gòn tháng 10 năm 2005. Gần đây, sự phục hồi chậm của san hô cứng đã được ghi nhận ở nhiều nơi. Quan sát của nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Hải sản năm từ 2005 đến 2007 cho thấy biểu hiện phục hồi của san hô cứng ở Côn Đảo, nhiều polyp non đã mọc trở lại trên các tập đoàn san hô bị tẩy trắng, hay các tập đoàn san hô bị phá huỷ do bão Linda năm 1997. áp lực từ các hoạt động của con người, cùng với hiện tượng chết trắng đã làm giảm độ phủ san hô. Sự lắng đọng trầm tích gây ra sự mất mát cho san hô ở vịnh Hạ Long và đảo Cát Bà. RSH ở vùng biển Bình Thuận - nơi gần với hiện tượng nước trồi là một ngoại lệ đáng chú ý: sự chết trắng san hô đã gây suy giảm đa dạng sinh học của các loài cá, đặc biệt là nhóm cá bướm.
Số lượng (%) rạn san hô ở Việt Nam chịu rủi ro từ các hoạt động khác nhau
(Nguồn: Dự án Reefs at risk in Southeast Asia, World Resources Institute 2002 (Burke, 2002))
Sức khoẻ RSH ở Việt Nam đã bị suy giảm. Điều tra, nghiên cứu từ năm 1994 đến 1997 cho thấy chỉ 1% rạn trong điều kiện rất tốt (độ phủ san hô sống trên 75%), 26% các rạn trong điều kiện tốt (50-75%), 41% các rạn trung bình (25-50%) và còn lại 31% là các rạn nghèo (<25%). 96% các rạn đang phải hứng chịu tác động tiêu cực từ những hoạt động của con người, trong đó gần 75% có mức độ rủi ro cao và rất cao. Các phương pháp khai thác huỷ diệt được coi là tác nhân tác động mạnh mẽ nhất, 85% RSH có mức độ rủi ro từ trung bình trở lên bị ảnh hưởng từ hoạt động này. Sự khai thác quá mức ước tính đe doạ đến trên 60% RSH. Lắng đọng trầm tích và sự phát triển ven bờ đe doạ đến 50% và 40% RSH (Burke 2002).
Để ngăn chặn và tiến tới loại bỏ các hiện tượng trên, chiến lược quốc gia phát triển rạn san hô tập trung vào 2 vấn đề chính là nghề cá và du lịch. Du lịch đóng góp khoảng 6% GDP trong năm 2000 và mong muốn tăng lên 12% vào năm 2010. Từ đó, Chính phủ Việt Nam đã thông qua việc thành lập mạng lưới KBTB Quốc gia bao gồm 15 KBTB với tổng diện tích biển dự kiến bảo vệ là 233.974 ha vào năm 2003 (Nguyễn Chu Hồi, Nguyễn Xuân Lý và ctv, 2007). Hiện tại, đã có 4 KBTB được thiết lập, 2 KBTB ở cấp độ Quốc gia bao gồm KBTB vịnh Nha Trang (Khánh Hoà) và Cù Lao Chàm (Quảng Nam), 2 KBTB ở cấp độ địa phương là KBTB Phú Quốc (Kiên Giang) và Cồn Cỏ (Quảng Trị). Thông qua việc phân vùng chức năng và xây dựng các khu dự trữ biển, khu bảo tồn biển, Việt Nam hy vọng sẽ tạo ra các mô hình phát triển du lịch bền vững trong các KBTB.
2. QUẢN LÝ VEN BỜ
2.1. Cách tiếp cận và chiến lược
Sự suy giảm nguồn lợi và gia tăng nhu cầu về sản phẩm biển đã dẫn đến sự cần thiết phải phát triển một kế hoạch quản lý hiệu quả. Thách thức chính là xác định và thực thi các quyền về quản lý nhằm phối hợp chiến lược quản lý cho từng khu vực cụ thể để nguồn lợi bền vững có thể đáp ứng nhu cầu của các nhóm sử dụng khác nhau. Theo Bryant. D., Burke.L (1998) thực thi các hoạt động quản lý ở các nước Đông Nam Á theo 3 cách tiếp cận cơ bản sau: 1) quản lý độc quyền hoặc tập trung hoá; 2) quản lý dựa vào cộng đồng; và 3) quản lý phối hợp. Quản lý độc quyền là thể chế mà sức mạnh tập trung trong một tổ chức, thường là chính phủ quốc gia. Quản lý dựa vào cộng đồng theo khung thể chế từ dưới lên, quyết định quản lý được hình thành ở cấp độ địa phương. Quản lý phối hợp có sự chia sẻ quyền lực giữa các bên tham gia, cụ thể là cộng đồng, tổ chức chính phủ, trường học và tổ chức phi chính phủ. Các nhà quản lý thực tế ngày càng nhận thấy rằng không có cách tiếp cận quản lý nào là phù hợp cho tất cả các khu vực hoặc tất cả các điều kiện.
Cũng theo Bryant. D., Burke.L (1998) 4 chiến lược đã được áp dụng phổ biến trong quản lý nguồn lợi ven bờ bao gồm: 1) bảo vệ trực tiếp các khu vực cụ thể; 2) quy định và chính sách hợp pháp; 3) khuyến khích kinh tế; và 4) giáo dục và nhận thức. Bảo vệ trực tiếp được áp dụng phổ biến nhất, chiến lược quản lý này dùng để giám sát sự tiếp cận của con người đến nguồn lợi, hạn chế những hoạt động gây tác động tiêu cực lên nguồn lợi tự nhiên. Bảo vệ trực tiếp đã được thực hiện như là các khu bảo tồn biển, nơi sắp xếp từ khu vực quản lý sử dụng đa chức năng sang các khu dự trữ biển được bảo vệ đầy đủ ngăn cấm nhiều hoạt động. Quy định hợp pháp bao gồm sự cho phép, hoặc nghiêm cấm các hoạt động cụ thể, hay ngư cụ, mùa vụ khai thác và những hạn chế khác đến hoạt động giám sát, tiếp cận nguồn lợi để giảm cường lực khai thác. Khuyến khích kinh tế được thiết kế để loại bỏ khai thác không bền vững. Khuyến khích để dịch chuyển sang các hình thức sử dụng bền vững hơn, giúp ngư dân đi theo nghề cá công nghiệp, tạo thu nhập thay thế và trợ giúp trong chi trả phí quản lý. Chiến lược giáo dục nhằm mục tiêu xây dựng nhận thức về sinh học của rạn san hô, giá trị tiềm năng của chúng và hiểu rõ con người đã tác động lên sức khoẻ rạn như thế nào.
2.2. Hiệu quả quản lý ở các nước Đông Nam Á
Quản lý tốt có thể làm giảm thiểu những đe doạ mà các RSH đang phải đối mặt. Đánh giá công tác quản lý là việc làm chính đối với sự xác định các mối đe doạ hay cũng là bức tranh thể hịên sức khoẻ của rạn san hô (Burke, 2002).
Khu bảo tồn biển được thiết kế vì một số lý do, bao gồm quản lý nghề cá, thúc đẩy du lịch và duy trì đa dạng sinh học. Các nghị định địa phương, quốc gia và quốc tế đã hỗ trợ việc thiết lập hàng trăm các KBTB ở khu vực Đông Nam á. Hầu hết các KBTB được quản lý thông qua các chương trình của chính phủ. Tuy nhiên, xung đột địa phương và năng lực quản lý yếu kém đã gây ra những khó khăn trong công tác quản lý ở một số khu vực, do vậy đã xảy ra tình trạng hàng trăm các KBTB tồn tại nhưng chỉ có số ít hoạt động theo hướng có thể đáp ứng mục tiêu quản lý. ở một vài quốc gia như Philippin và Inđônêxia, chính phủ đang hướng đến quản lý các KBTB trên cơ sở cộng đồng để nâng cao sự ủng hộ của địa phương, giảm xung đột nguồn lợi và nâng cao hiệu lực quản lý.
Khi xem xét hiệu quả của KBTB, điều quan trọng cần chú ý là chiến lược giám sát cụ thể chỉ áp dụng đối với các hoạt động trực tiếp của con người như các hình thức sử dụng nguồn lợi không bền vững. Trong rất nhiều KBTB, thậm chí các quy định nghiêm ngặt cũng không thể giám sát hết các tác động gây ra trầm tích và ô nhiễm môi trường biển trừ những khu vực của đường phân nước tiếp giáp. Phân tích các mối đe doạ khác trong việc thiết kế cả các khu ranh giới bảo vệ và sáng kiến quy hoạc sử dụng đất rộng hơn là điều thiết yếu đối với việc quản lý tốt nguồn lợi ven bờ.
Dựa vào một số đặc tính như quy mô nhân lực, thuận lợi quản lý, quản lý dựa vào cộng đồng và các kế hoạch quản lý đang áp dụng để đánh giá hiệu quả của các KBTB trong khu vực. Kết quả chỉ ra 14% các KBTB quản lý hiệu quả, 48% quản lý hiệu quả một phần và 38% là quản lý không tương xứng. Trong khu vực Đông Nam á chỉ có 8% các rạn san hô nằm trong các KBTB, trong đó 1% là quản lý hiệu quả, 4% hiệu quả một phần, 2% quản lý nghèo nàn và 1% hiệu quả quản lý chưa rõ ràng (Burke 2002).
3. NHẬN XÉT VÀ KIẾN NGHỊ
Hầu hết các RSH khu vực Đông Nam á đang bị tác động mạnh mẽ từ các hoạt động sử dụng nguồn lợi của con người, trong đó khai thác hải sản như khai thác quá mức, khai thác huỷ diệt… đang được xem như là tác động chính. Một thực tế là rất nhiều các KBTB trên thế giới đều lấy RSH làm đối tượng bảo vệ, mục tiêu quản lý chính, đa phần người dân sống xung quanh KBTB đều có hoạt động chủ đạo là khai thác hải sản. Từ đó, các vấn đề liên quan đến khai thác hải sản như mùa vụ khai thác, đối tượng và kích cỡ khai thác và kích thước mắt lưới nên được xem xét trong các bước lập kế hoạch quản lý.
Không có cách tiếp cận và chiến lược quản lý nào được áp dụng một cách đơn lẻ trong quản lý nghề cá. Nghề cá Việt Nam với đặc trưng đa loài, đa phương tiện khai thác, phần lớn người dân tham gia vào lĩnh vực khai thác hải sản đều rất nghèo và sống ven biển. Từ đó, để đảm bảo các chiến lược và cách tiếp cận quản lý nghề cá áp dụng thành công, các nhà quản lý nên xem xét nhu cầu sinh kế của người dân, làm sao để họ đồng tình và ủng hộ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Chu Hồi, Nguyễn Xuân Lý và ctv, 2007. Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hà Nội.
2. Võ Sĩ Tuấn và Nguyễn Huy Yết, 2001. Nghiên cứu bổ sung, cập nhật và hệ thống hoá tư liệu về rạn san hô biển. Viện Hải dương học Nha Trang – Trung tâm KHKT Tự nhiên và Công nghệ quốc gia, Hà Nội.
3. Bryant, D., Burke, L. et al., 1998. Reefs at risk: A map based indicator of threats to the World’s coral reefs. WRI, ICLARM, WCMC and UNEP, Washington DC.
4. Burke, L., Selig, L., Spalding M., 2002. Reefs at risk in Southeast Asia. World Resources Institute, ICLARM, WCMC and UNEP, Washington DC.
5. Vo Si Tuan, 1998. Coastal and marine conservation in Vietnam, World Resources Institute, ICLARM, WCMC and UNEP, Washington DC, pp.44-45.
Lê Doãn Dũng
Download