General Information

Author:
Issued date: 02/08/2006
Issued by:

Content


Mở đầu

Cá ngừ đại dương là một trong các đối tượng khai thác chính của nghề cá xa bờ. Cá ngừ đại dương ở Việt Nam bao gồm cá ngừ vây vàng (Thunnus albacares) và cá ngừ mắt to (Thunnus obesus). Trong tổng số 4 triệu tấn cá ngừ đánh bắt được hàng năm trên thế giới, có tới 65% sản lượng khai thác ở Thái Bình Dương, 21% ở ấn Độ Dương và 14% ở Đại Tây Dương, trong đó, cá ngừ vây vàng chiếm đến 30% và cá ngừ mắt to chiếm khoảng 10% tổng sản lượng cá ngừ thế giới (Joseph, 2003).

Nghề cá xa bờ (trong đó có nghề câu cá ngừ đại dương) ở Việt Nam được quan tâm phát triển từ năm 1997. Đến cuối năm 2003, số lượng tàu khai thác xa bờ đã đạt đến 6.258 chiếc với tổng công suất đạt trên 1 triệu CV (Đào Mạnh Sơn, 2005). Nghề khai thác cá ngừ đại dương (câu vàng) xuất hiện ở Việt Nam vào những năm đầu của thập niên 90. Những năm gần đây, nghề câu vàng cá ngừ đại dương phát triển khá nhanh ở các quy mô khác nhau, tập trung chủ yếu ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.

Theo số liệu thống kê năm 2004, số lượng tàu câu vàng cá ngừ đại dương có 1.670 tàu. Sản lượng khai thác ước tính đạt 10.000 tấn (Bộ Thủy sản, 2005). Bộ Thuỷ sản chủ trương tiếp tục chuyển đổi khai thác gần bờ ra xa bờ và dần dần từng bước cơ cấu lại các loại nghề khai thác hải sản phù hợp với từng địa phương. Ngoài việc phát triển nghề lưới kéo đáy, nghề câu, nghề lưới vây và nghề rê đều là những loại nghề quan trọng, thích hợp với việc khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ, đặc biệt là nghề câu vàng đánh bắt cá ngừ đại dương.

Báo cáo này trình bày một số kết quả nghiên cứu về hiện trạng nguồn lợi, khả năng khai thác, và tình hình khai thác cá ngừ đại dương ở Việt Nam. Kết quả này dựa trên các nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu trữ lượng và khả năng khai thác nguồn lợi cá nổi (chủ yếu là cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to) và hiện trạng cơ cấu nghề nghiệp khu vực biển xa bờ miền Trung và Đông Nam Bộ”, năm 2002-2004 (Đề tài cá nổi lớn xa bờ) và một số đề tài nghiên cứu đang triển khai tại Viện Nghiên cứu Hải sản.

bieu do nang suat ca ngu

Hình 1. Năng suất khai thác của cá ngừ đại dương trong các chuyến điều tra bằng nghề câu vàng ở vùng biển xa bờ Việt Nam, năm 2000-2004. (Nguồn: Đào Mạnh Sơn, 2005).(Kích vào hình nhỏ để phóng lớn)

Nguồn lợi và khả năng khai thác cá ngừ đại dương

Năng suất khai thác

Tỷ lệ sản lượng của cá ngừ đại dương trong tổng sản lượng khai thác của các chuyến điều tra bằng nghề câu vàng khá cao, nằm trong nhóm 6 loài cá nổi lớn chiếm sản lượng ưu thế của nghề câu vàng. Cụ thể, cá ngừ vây vàng (Thunnus albacares) chiếm 16,00 - 37,20%, cá ngừ mắt to (Thunnus obesus) chiếm 1,88 - 9,56 % tổng sản lượng khai thác.

Năng suất khai thác của cá ngừ đại dương thu thập được trong 8 chuyến điều tra của đề tài cá nổi xa bờ được trình bày ở hình 1. Nhìn chung, năng suất khai thác của cá ngừ đại dương biến động nhiều qua các chuyến điều tra. Mùa gió đông bắc, năng suất khai thác có xu hướng thấp hơn so với mùa gió tây nam, tuy nhiên xu hướng này không rõ rệt. Đối với cá ngừ vây vàng, năng suất khai thác có xu hướng tăng lên trong giai đoạn từ 2000-2002 (ở cả 2 mùa đông bắc và tây nam), và giảm đi rõ rệt từ năm 2002-2004. Đối với cá ngừ mắt to, năng suất khai thác có chiều hướng suy giảm liên tục từ năm 2000-2004. Phân bố năng suất khai thác cá ngừ đại dương được trình bày ở hình 2.

(A)ban do nang suat ca ngu 1 (B)ban do nang suat ca ngu 2 (C)ban do nang suat ca ngu 3 (D)ban do nang suat ca ngu 4

(E)ban do nang suat ca ngu 5 (F)ban do nang suat ca ngu 6 (G)ban do nang suat ca ngu 7 (H)

Hình 2.Phân bố năng suất khai thác của cá ngừ vây vàng, mắt to ở vùng biển xa bờ Việt Nam (A: mùa tây nam, 2000; B: mùa đông bắc, 2000; C: mùa tây nam, 2001; D: mùa đông bắc, 2001; E: mùa tây nam, 2002; F: mùa đông bắc, 2002; G: mùa tây nam 2003; và mùa tây nam, 2004).(Kích vào ảnh nhỏ để phóng lớn)

. Trữ lượng và khả năng khai thác

Trong những năm gần đây số lượng tàu thuyền và cường lực đánh bắt ngày càng tăng, nhưng năng suất đánh bắt cá nổi lớn ở vùng biển xa bờ lại có xu hướng giảm xuống. Dựa vào nguồn số liệu nghề câu vàng, trữ lượng cá ngừ đại dương (cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to) năm 2004 ước tính vào khoảng 44.853 - 52.591 tấn và khả năng khai thác bền vững khoảng 17.000 tấn.

Hiện trạng khai thác

. Cơ cấu tàu thuyền

Năm 2004, số lượng tàu câu vàng cá ngừ đại dương có 1.670 chiếc, tập trung ở các đội tàu có công suất >90CV (Bộ Thủy sản, 2004), chủ yếu tập trung ở các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh và Kiên Giang. Theo thống kê mới nhất, tính đến 31/5/2006, số lượng tàu câu vàng cá ngừ đại dương có công suất trên 90CV là 921 chiếc trong tổng số 13.905 chiếc tàu khai thác xa bờ (Cục KT&BV Nguồn lợi Thủy sản, 2006).

Mùa vụ khai thác

Ngư trường đánh bắt của nghề câu vàng cá ngừ đại dương được chia thành hai khu vực theo mùa rõ ràng. Vào mùa gió đông - bắc (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau) ngư trường cá ngừ nằm ở khu vực phía bắc biển Đông và gần quần đảo Hoàng Sa (14o00 N - 16o30 N và từ 112o00 E - 115o00E) nơi có độ sâu lớn trung bình từ 400 - 4000m. Vào mùa gió tây nam (từ tháng 4 đến tháng 9), các tàu câu cá ngừ đại dương di chuyển xuống phía nam Biển Đông và quần đảo Trường Sa (từ 6o00 N - 11o30 N và từ 108o00 E - 113o00 E) nơi có độ sâu trung bình từ 200 - 3000m. Một số ít tàu câu cá ngừ đại dương vẫn hoạt động đánh bắt ở vùng biển từ Qui Nhơn đến Nha Trang, chuyến biển thường kéo dài từ 7 - 15 ngày.

Ngư trường khai thác chính

Ngư trường khai thác cá ngừ vây vàng (Thunnus albacares) và cá ngừ mắt to (Thunnus obesus) khá tập trung, gồm 3 ngư trường chính là: vùng biển xa bờ tỉnh Phú Yên, tọa độ 110o30E-112o00E, 12o00N-13o30N, vùng biển tỉnh Khánh Hoà (110o00E-112o00E, 12o00N-13o00N) và vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa (11o00E-112o00E, 8o00N-10o00N).Các khu vực khác năng suất đánh bắt cá ngừ đại dương rất thấp, thậm chí không bắt gặp (hình 3).

(A)Ban do phan bo ngu truong 1 (B)Ban do phan bo ngu truong 2

 

Hình 3.Bản đồ phân bố ngư trường cá ngừ đại dương ở vùng biển Việt Nam (A: vụ Nam, năm 2000-2004; B: vụ Bắc, năm 2000-2004).(Kích vào ảnh nhỏ để phóng lớn)

Kích thước cá khai thác

Kích thước của cá ngừ đại dương đánh bắt được tương đối lớn và biến động khá lớn theo mùa vụ và các chuyến điều tra. Đối với cá ngừ vây vàng, chiều dài đánh bắt dao động từ 51-162 cm và trung bình là 93,8 - 112,9 cm. Đối với cá ngừ mắt to, chiều dài đánh bắt dao động 43-145 cm, trung bình là 89,7 - 92,5 cm.

Một số nhận xét và kiến nghị

Trữ lượng và khả năng khai thác cá ngừ đại dương:

Trữ lượng ước tính cá ngừ đại dương (cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to) năm 2004 vào khoảng 44.853 - 52.591 tấn, khả năng khai thác bền vững khoảng 17.000 tấn. Trên thực tế, sản lượng đánh bắt cá ngừ đại dương năm 2004 ước đạt khoảng 10.000 tấn (Bộ Thủy sản, 2005). Theo báo cáo thống kê năm 2004, sản lượng cá ngừ xuất khẩu đạt 20.783 tấn, trong đó cá ngừ đại dương chiếm khoảng 50% tổng sản lượng xuất khẩu. Năm 2005, sản lượng cá ngừ xuất khẩu đạt 28.580 tấn, trong đó cá ngừ đại dương ước tính khoảng 14.000 - 15.000 tấn (Trung tâm thông tin - Bộ Thủy sản, 2005). Như vậy, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương hiện nay có thể đã đạt đến mức khai thác bền vững tối đa ở vùng biển Việt Nam.

Việc điều tra đánh giá trữ lượng nguồn lợi cá ngừ đại dương là một lĩnh vực rất khó, tốn kém và đòi hỏi phải có chương trình nghiên cứu cập nhật chuỗi số liệu điều tra và thống kê nghề cá trong nhiều năm. Các phương pháp có thể áp dụng là mô hình phân tích chủng quần ảo (VPA) và mô hình MULTIFAN - CL dựa vào cấu trúc tuổi, nhóm chiều dài, các tham số sinh trưởng, sản lượng và cường lực khai thác để đánh giá nguồn lợi và hiện trạng khai thác.

Các yếu tố môi trường liên quan và dự báo khai thác

Biến động năng suất đánh bắt của nghề câu vàng (cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to) và nhiệt độ trung bình nước tầng mặt được trình bày ở hình 4. Xu thế biến trình năm CPUE cá ngừ đại dương trong nghề câu vàng với nhiệt độ nước tầng mặt không thể hiện mối liên quan rõ ràng (hình 4).

bien dong nang suat ca ngu dai duong va nhiet do moi truong

Hình 4.Biến động năng suất đánh bắt trung bình năm của cá ngừ đại dương và nhiệt độ trung bình năm nước tầng mặt. (Nguồn: Đinh Văn Ưu, 2004).(Kích vào ảnh nhỏ để phóng lớn)

Tuy nhiên, nguồn số liệu còn mỏng, chưa có những nghiên cứu sâu về lĩnh vực này, đặc biệt là tài liệu về độ sâu thả câu, loại mồi và đặc trương hình thái cấu trúc nhiệt - muối của từng trạm thả câu.

Đặc điểm di cư của cá ngừ đại dương:

Cá ngừ đại dương là những loài cá nổi đại dương, có tập tính di cư rất xa. Tập tính di cư này có mối quan hệ rất phức tạp với các yếu tố môi trường biển như: nhiệt độ, dòng chảy, thức ăn... Nghiên cứu được các tập tính di cư, phân bố của cá ngừ đại dương có ý nghĩa rất lớn trong công tác dự báo và thực tiễn khai thác của nghề câu vàng cá ngừ đại dương. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn kinh phí, trang thiết bị và tàu thuyền nghiên cứu do vậy những chuyến khảo sát nghiên cứu sâu về tập tính, phân bố, di cư đối với cá ngừ chưa có điều kiện tiến hành. Đây là một hướng nghiên cứu quan trọng cần được quan tâm đầu tư để có thể cung cấp các nguồn dữ liệu quan trọng trong việc quy hoạch, chỉ đạo sản xuất và phát triển nghề cá xa bờ ở nước ta.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Thủy sản, 2005. Báo cáo tình hình khai thác, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đại dương ở Việt Nam, định hướng mục tiêu và một số giải pháp phát triển đến năm 2020.

2. Cục Khai thác & Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản, 2006. Số liệu thống kê tàu thuyền khai thác hải sản xa bờ đến 31/5/2006.

3. Đào Mạnh Sơn và ctv, 2005. Báo cáo tổng kết đề tài “Nghiên cứu trữ lượng và khả năng khai thác nguồn lợi cá nổi (chủ yếu là cá ngừ vằn, ngừ vây vàng và ngừ mắt to) và hiện trạng cơ cấu nghề nghiệp khu vực biển xa bờ miền Trung và Đông Nam Bộ”. Hải Phòng, tháng 3/2005.

4. Đinh Văn ưu và ctv, 2004. Báo cáo tổng kết khoa học kỹ thuật đề tài “Xây dựng mô hình dự báo cá khai thác và các cấu trúc hải dương có liên quan phục vụ đánh bắt xa bờ ở vùng biển Việt Nam”. Hà Nội, 12 - 2000.

5. Trung tâm thông tin - Bộ Thủy sản, 2005. (http://www.fistenet.gov.vn/xuat_nhapkhau).

6. James Joseph, 2003. Managing Fishing Capacity of the World Tuna Fleet. FAO Fisheries Circular No. 982.

TS. Đào Mạnh Sơn; ThS. Nguyễn Viết Nghĩa.


Download